Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã không xuất hiện trước công chúng trong 3 tuần. Ông ấy đã đi đâu? Đây là câu hỏi mà dư luận trong và ngoài Trung Quốc nhiều lần đặt ra. Liên quan đến câu chuyện nội bộ về việc ông Tần Cương “mất tích” trong thời gian dài, ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một luật gia ở Úc, cho rằng điều này liên quan đến cuộc tranh giành quyền lực giữa ông Tần Cương và ông Vương Nghị – Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Ngoại vụ Trung ương.

Screen Shot 2023 03 10 at 14.16.45
Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã không xuất hiện trước công chúng trong 3 tuần. (Ảnh cắt từ video)

Viên Hồng Băng: Tần Cương và Vương Nghị đấu đá nhau như nước với lửa

Hôm 17/7, ông Viên Hồng Băng, một luật gia đang định cư ở Úc, đã tiết lộ với phóng viên của Epoch Times những gì ông biết về nội tình ông Tần Cương “mất tích”, chủ yếu là do ông Tần Cương và ông Vương Nghị mâu thuẫn, đấu đá lẫn nhau và tranh giành quyền lực. Ông Vương Nghị cho rằng hàng loạt sự cố ngoại giao nhắm vào Mỹ, như vụ khinh khí cầu do thám, đều là do ông Tần Cương đưa ra những quyết định sai lầm, dẫn đến sự bị động trong ngoại giao của ĐCSTQ.

“Hơn nữa, ông Tần Cương gạt bỏ một số người mà ông Vương Nghị trọng dụng, trong đó nổi tiếng nhất là ông Triệu Lập Kiên; ông Tần Cương còn điều chỉnh chức vụ của một loạt quan chức cấp trung và cấp cao trong Bộ Ngoại giao, điều này đã động chạm đến lợi ích của ông Vương Nghị. Cho nên cuộc tranh đấu quyền lực của hai người họ đã đến mức như nước với lửa.” 

Vào cuối tháng 12/2022, ông Tần Cương, cựu Đại sứ ĐCSTQ tại Mỹ, được phá cách đề bạt thay thế ông Vương Nghị làm bộ trưởng Bộ Ngoại giao ĐCSTQ. Vào ngày 12/3 năm nay, ông được thăng chức Ủy viên Quốc vụ viện. Ông Tần Cương được thăng chức ở tuổi 56 và thành “lãnh đạo cấp phó quốc” trẻ nhất của ĐCSTQ. Ngay sau đó, ông Triệu Lập Kiên từ Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Bộ Ngoại giao được điều chuyển bổ nhiệm làm Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới và Hải dương Bộ Ngoại giao, bị ngoại giới gọi đùa là “bị đày ra biên ải”.

Trong khi nhiều tin đồn tiêu cực về ông Tần Cương được lan truyền khắp nơi, bà Thang Thiên Như (Tang Tianru), vợ của ông Triệu Lập Kiên, cựu phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, bất ngờ lên tiếng trên Weibo. Ngày 10/7, bà Thang đã đăng liên tiếp 2 tin nhắn trên Weibo “Đại Thông và Nha đầu thối” của cá nhân mình, tin nhắn đầu tiên là “Hôm nay là một ngày tốt lành, mượn đăng một video nhỏ để dùng” và đính kèm nhiều video của ông Triệu Lập Kiên trong các trường hợp công khai trước đó.

Một giờ sau, tài khoản Weibo này đăng tin thứ hai, khoe một là cờ thi đua, khen ngợi ông Triệu Lập Kiên là “quan tốt liêm chính vì nước, vì dân”. Tuy nhiên, việc chúc mừng “ngày tốt lành” vào thời điểm nhạy cảm khi cấp trên của ông Triệu là ông Tần Cương đang gặp rắc rối, bị coi là hành động có ám chỉ.

Ông Trần Phá Không (Chen Pokong), một nhà bình luận chính trị ở Mỹ, cho biết trong chương trình của mình vào ngày 14/7 rằng cách hiểu trực quan nhất của ông về bài đăng của bà Thang Thiên Như là kẻ thù gặp bất hạnh thì cảm thấy vui mừng. Ông nói: “Xung đột giữa ông Tần Cương và ông Triệu Lập Kiên là mấu chốt dẫn đến bước ngoặt số phận của ông Triệu. Sau khi ông Tần Cương xảy ra chuyện, vợ của ông Triệu đăng liên tiếp hai bài đăng trên mạng xã hội, trước hết là để trút bầu tâm sự, có thể cho là bộc lộ cảm tưởng trong lời nói, không cần che giấu.”

Ông Tần Cương đã vắng mặt trong một số sự kiện ngoại giao kể từ khi “mất tích”. Cuộc gặp ăn trưa với đại sứ các nước EU tại Trung Quốc dự kiến ​​tổ chức vào cuối tháng 6 đã tạm thời bị hủy bỏ; sau đó đại diện Cấp cao Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell dự định đến thăm Trung Quốc từ ngày 7 – 10/7, nhưng sự kiện đột ngột bị hủy trước khi khởi hành; ông Tần Cương cũng bỏ lỡ hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, cuộc gặp giữa Thủ tướng Lý Cường và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Yellen… Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN một lần nữa do ông Vương Nghị làm đại diện.

Nguyên nhân của việc này dẫn đến nhiều suy đoán khác nhau, có tin đồn rộng rãi rằng ông Tần Cương có mối quan hệ mật thiết với bà Phó Hiểu Điền (Fu Xiaotian), người dẫn chương trình của đài truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng Hồng Kông, thậm chí còn sinh ra một đứa con ngoài giá thú.

Ngoài ra, trên mạng còn có tin đồn rằng ông Tần Cương xảy ra chuyện là có liên quan đến Quân chủng Tên lửa Quân Giải phóng Nhân dân của ĐCSTQ, trong thời gian làm Đại sứ ĐCSTQ tại Mỹ, ông Tần Cương đã không ngăn cản được con trai của Tư lệnh Quân chủng Tên lửa Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao) đang du học tại Mỹ tiết lộ bí mật, có thể liên quan đến việc bán đứng tình báo quân sự của ĐCSTQ.

Ông Diêu Thành (Yao Cheng), cựu Trung tá Tham mưu của Bộ Tư lệnh Hải quân ĐCSTQ, đã viết trên Twitter vào ngày 28/6 rằng ông Lý Ngọc Siêu đã bị đưa ra khỏi văn phòng của ông vào sáng ngày 26/6. Ngày 26/6 là ngày đầu tiên ông Tần Cương biến mất, trên mạng lan truyền thông tin một số lãnh đạo Quân chủng Tên lửa đã xảy ra chuyện.

Ông Viên Hồng Băng cho rằng ông Tần Cương có quan hệ tình cảm với nhân viên truyền thông Hồng Kông và có mối liên hệ trực tiếp với một số lãnh đạo quân sự cấp cao của Quân chủng Tên lửa, mối liên hệ giữa các ngành nghề như thế này bị vạch trần, gây xôn xao dư luận, và hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. “Bởi vì ĐCSTQ có quy định rằng các quan chức cấp cao trong nội bộ không được phép liên lạc vượt quá giới hạn ngành nghề, và những người trong giới quân sự và chính trị không được phép liên lạc. Đây là một điều cấm kỵ lớn của ĐCSTQ. Vì vậy, những điều nêu trên đã bị tố cáo.”

Ông Viên Hồng Băng nói rằng ông Vương Nghị rất độc đoán và ông Tần Cương rất mạnh mẽ, nên cả hai không thể hợp tác. Ông Tần Cương được ông Tập một tay đề bạt lên, cho nên cần xem ông Tập liệu có muốn tự phủ định hành động đề bạt của chính mình hay không. Nhưng vì ông Tập không tự phủ định mình, nên ông Vương Nghị đã tố cáo với ông Tập một số việc làm sai trái phạm cấm kỵ của ông Tần Cương.

Ông Viên Hồng Băng cho rằng chuyện giữa ông Tần Cương và bà Phó Hiểu Điền có thể là sự thật, nhưng đây không phải vấn đề chính, nếu ông Tần Cương không có vấn đề chính trị thì cũng chẳng sao cả, giống như chuyện giữa ông Trương Cao Lệ và nữ vận động viên quần vợt có mối quan hệ bất chính. Trong mắt của ĐCSTQ, đó không phải là vấn đề gì cả. “Tuy nhiên, nếu ông Tần Cương có vấn đề chính trị, tức là có quan hệ với các quan chức quân đội cấp cao và không được ông Tập Cận Bình dung thứ, thì việc này (mối quan hệ với Phó Hiểu Điền) sẽ là một trong những tội chứng.”

Hệ thống ngoại giao của ĐCSTQ được biết đến với phong cách “ngoại giao chiến lang” hiếu chiến. Ông Viên Hồng Băng nói, nếu lần này thực sự có chuyện gì xảy ra với ông Tần Cương, điều đó có nghĩa là có một vấn đề lớn trong hoạt động của toàn bộ hệ thống ngoại giao của ĐCSTQ. Tuy nhiên, toàn bộ nguyên tắc và phong cách ngoại giao chiến lang của ĐCSTQ đều do chính ông Tập Cận Bình quyết định, vì vậy cuộc đấu đá quyền lực giữa ông Tần Cương và ông Vương Nghị sẽ không kéo theo sự thay đổi tổng thể trong chính sách đối ngoại của ĐCSTQ. “Nếu Tần Cương xảy ra vấn đề gì, sẽ dẫn đến một số điều chỉnh mới về nhân sự với quy mô lớn trong ngành ngoại giao.”

Rốt cuộc Tần Cương xảy ra chuyện gì?

Chiều 17/7 trong buổi họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh lần đầu tiên thông báo về cuộc gặp giữa ông John Kerry và ông Giải Chấn Hoa về biến đổi khí hậu, sau đó bà phải đối mặt với câu hỏi hóc búa nhất trong ngày. Người đầu tiên quan tâm đến tung tích của ông Tần Cương là phóng viên tờ Financial Times của Anh, đề nghị bà Mao Ninh cung cấp thông tin về tình hình hiện tại của ông Tần Cương. Tuy nhiên bà chỉ trả lời: “Tôi không có thông tin gì để cung cấp.”

Sau đó, một phóng viên truyền thông nước ngoài khác đề cập đến thông tin lan truyền nói rằng ông Tần Cương ‘bị hẹn nói chuyện’, bà Mao Ninh trả lời: “Tôi không hiểu bạn nói gì.”

Giữa cuộc họp báo, có kênh truyền thông khác hỏi về chuyến thăm Mỹ của ông Lại Thanh Đức (Đài Loan) và mối quan tâm của Thủ tướng New Zealand về vấn đề eo biển Đài Loan, sau đó có hai phóng viên khác hỏi về ông Tần Cương. Một người trong số họ trực tiếp hỏi, ông Tần Cương có còn là ngoại trưởng Trung Quốc không? Bà Mao Ninh trả lời: “Tôi đề nghị bạn kiểm tra trang web của Bộ Ngoại giao của Trung Quốc (ĐCSTQ). Không có thêm thông tin nào khác.”

Một phóng viên khác đặt câu hỏi liệu vấn đề sức khỏe của ông Tần Cương có ảnh hưởng đến ngoại giao của Trung Quốc hay không? Bà Mao Ninh nói: “Các hoạt động ngoại giao của Trung Quốc đều đang diễn ra bình thường.”

Theo trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, vị trí ngoại trưởng của ông Tần Cương không thay đổi, nhưng hành trình công khai gần đây nhất của ông chỉ kéo dài đến ngày 25/6.

Với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao của ĐCSTQ, ông Tần Cương lại “ẩn thân” như thế này trong khi không có lý do chính thức nào. Vào ngày 14/7, một phóng viên của AFP đã hỏi về việc khi nào ông Tần Cương sẽ làm việc trở lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân rất lúng túng, nhìn xuống bản thảo và im lặng trong 16 giây. Điều này tạo cảm giác rằng Bộ Ngoại giao dường như biết nội tình, nhưng không thể nói rõ ràng.

Trước đó vào ngày 11/7, ông Uông Văn Bân thông báo ông Tần Cương không thể tham dự loạt cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN tổ chức tại Jakarta, Indonesia vào ngày 13 và 14/7 do “yếu tố sức khỏe”. Ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại Trung ương đã thay ông Tần Cương tham dự.

Truyền thông Hồng Kông Sing Tao Daily đã đưa tin vào ngày 10/7 rằng ông Tần Cương có lẽ đang hồi phục sức khỏe sau khi được chẩn đoán nhiễm virus corona mới (COVID-19), và nói rằng không lâu nữa ông ấy sẽ xuất hiện trở lại.

Trí Đạt (t/h)