Vương Hỗ Ninh sau bức màn đen: 4 bước kiểm soát dư luận dịch bệnh
- Minh Tú
- •
Trước tình hình dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’ mất kiểm soát, giới chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) liên tục nhấn mạnh số ca nhiễm bệnh mới trong nước đã “về 0”, các nơi dần khôi phục đi làm lại như bình thường. Bên ngoài Trung Quốc “tình hình lại không ổn”, thậm chí còn chỉ hướng nguồn gốc virus về phía Mỹ. Một học giả tiết lộ chính quyền ĐCSTQ có 4 bước kiểm soát dư luận về dịch bệnh. Trong đợt phòng chống dịch lần này, ông Vương Hỗ Ninh, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị đương nhiệm được cho là vẫn luôn trực tiếp thao túng dư luận nhằm duy trì ổn định.
Ngày 2/3, Hà Thanh Liên, một học giả tại Mỹ, viết trên Twitter rằng: “Gần đây tôi đang nghiên cứu việc Trung Quốc kiểm soát dư luận về dịch bệnh, được chia thành 4 bước sau: “Tang sự coi như hỷ sự”; “Thuyết âm mưu virus có nguồn gốc từ Mỹ” (Cơ sở lý luận là câu “Virus ‘viêm phổi Vũ hán’ chưa hẳn đến từ Trung Quốc” của chuyên gia dịch tễ Chung Nam Sơn); “Chúng ta đã thắng” (bước này đang được tiến hành); Bước thứ 4 là “Trung Quốc cứu vớt toàn thế giới”, còn chưa dàn dựng, nhưng cũng sẽ xuất hiện rất nhanh thôi. Trình độ vô sỉ của những ngòi bút dũng cảm trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa như Lương Hiệu, Diêu Văn Nguyên vẫn còn khiêm tốn hơn so với những cây viết lần này.”
我最近在研究中国疫情舆论控制,分成四部曲:丧事当作喜事办、病毒来自美国的阴谋论(理论基础是钟那句病毒不是中国的)、 我们又赢了(此时正在进行),第四部曲是“中国拯救了世界”,还未上演,很快就会出现。
文革时期的文胆、笔杆子们,比如梁效、姚文元等,无耻程度略逊于今天这一批。— He Qinglian (@HeQinglian) March 2, 2020
Hiện tượng “Tang sự coi như hỷ sự” đã được thể hiện rất rõ trong việc xử lý thiên tai, nhân họa lần này của ĐCSTQ. Sau khi dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’ bùng phát, điều gây tranh cãi nhất là, dịch bệnh vẫn chưa ngưng nghỉ, thì cuốn sách mới do Ban Tuyên truyền Trung ương ĐCSTQ chế tác, có nội dung tuyên truyền ĐCSTQ đã “chống dịch” như thế nào, ca ngợi Tập Cận Bình hết lời, trước đó đã nhanh chóng được ra mắt chuẩn bị chào bán, khiến cư dân mạng vô cùng phẫn nộ.
Ngoài ra gần đây, thuyết âm mưu virus có nguồn gốc từ Mỹ đang được lan truyền trong các nhóm dư luận tại Đại Lục, càng diễn càng náo nhiệt. Mãi tới ngày 27/2, ông Chung Nam Sơn, Trưởng đoàn Chuyên gia cấp cao của Ủy ban Y tế Quốc gia ĐCSTQ, kiêm học giả của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc mới nói: “Trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc, chưa hẳn có nguồn gốc từ Trung Quốc.” Lời này của ông Chung Nam Sơn đã gây náo động cả một vùng.
Học giả Hà Thanh Liên trú tại Mỹ, đã đăng một bài viết trên trang “UP Media” cho rằng, ĐCSTQ hô biến Trung Quốc từ một quốc gia xuất khẩu virus thành nạn nhân. Trong nỗ lực trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm ấy đã cố tình tạo ra điểm ngoặt trong dư luận, tìm kiếm con dê tế Thần (kẻ thế tội) trước nguồn gốc của virus.
Hà Thanh Liên cho rằng ĐCSTQ cố tình tạo ra điểm ngoặt dư luận này, được thúc đẩy bởi 3 sự kiện vào ngày 26/2. Sự kiện đầu tiên là thông báo của WHO, tổ chức nắm quyền công bố tình hình dịch bệnh trên thế giới như sau: Ngày 26/2, tình hình dịch bệnh đã xuất hiện “điểm ngoặt”, nghĩa là số người được chẩn đoán lây nhiễm bên ngoài Trung Quốc lần đầu vượt quá so với số liệu bên trong Trung Quốc. Thời báo Hoàn Cầu đăng tải thông tin này, dường như đang tuyên bố rằng: “Trung Quốc đang đau khổ vạn phần vì dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’ hoành hành. Nhưng số người lây nhiễm tại các nước khác còn nhiều hơn Trung Quốc nước ta, chúng ta đã thắng.”
Sự kiện thứ hai là thành phố Bắc Kinh tổ chức họp báo về tình hình kiểm soát, phòng ngừa COVID-19 lần thứ 32, với chủ đề “COVID-19 lan rộng tại hải ngoại, là thành phố quốc tế, Bắc Kinh nên tăng cường phòng ngừa dịch như thế nào?” Ngụ ý rằng, Bắc Kinh, thành phố quốc tế này, cuối cùng đã có thể áp dụng biện pháp “cấm nhập cảnh, kiểm tra, phải cách ly” với người dân của những quốc gia khác có dịch bệnh nghiêm trọng.
Sự kiện thứ 3 là Bộ Chỉ huy công tác phòng dịch COVID-19 thành phố Trung Vệ, Ninh Hạ ra thông cáo, trong ngày hôm đó thành phố này đã phát hiện một trường hợp nhiễm COVID-19 từ hải ngoại vào, người này đi từ Iran qua Matxcơva về nước.
Hà Thanh Liên nói, đúng lúc sau khi ba sự kiện trên xảy ra, chuyên gia của ĐCSTQ mới bắt đầu hỗ trợ công kích. Ngày 27/2, ông Chung Nam Sơn, Trưởng đoàn Chuyên gia cấp cao của Ủy ban Y tế Quốc gia ĐCSTQ, trong một cuộc họp báo đặc biệt về phòng chống dịch bệnh do Đại học Y Quảng Châu tổ chức, đã nói rằng “Trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc, chưa hẳn có nguồn gốc từ Trung Quốc.” Đây là “chiếc nồi” thứ hai, sau khi ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc của Tổ Chức Y tế Thế giới, giúp ĐCSTQ “quăng nồi” (gắp lửa bỏ tay người) trước cộng đồng quốc tế. (Trong Hội nghị An ninh Munich, Tedros Adhanom nói: “Trung Quốc đã hy sinh bản thân, trở thành quốc gia phòng ngừa dịch số 1 thế giới.”)
Hà Thanh Liên cho rằng: “Nước Mỹ từ lâu đã là một thùng nước thải cho các quốc gia toàn trị cộng sản và toàn trị tôn giáo tẩy sạch mọi tội ác của mình. Dẫu họ gặp phải chuyện xấu gì, dẫu không chút dính dáng tới Mỹ, thì bộ máy tuyên truyền của những quốc gia này và trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, thủ phạm luôn là đế quốc Mỹ muôn phần độc ác.”
Điều mà Ban tuyên giáo ĐCSTQ tung hô “số người lây nhiễm tại các nước khác còn nhiều hơn Trung Quốc nước ta, chúng ta đã thắng” đang được tiến hành.
Gần đây, các kênh truyền thông của giới chức ĐCSTQ, một mặt dốc sức tuyên truyền thành quả chống dịch, ví như những trường hợp mới nhiễm bệnh ngày càng ít; mặt khác che đậy nhiều bài viết vạch trần chính quyền che giấu tình hình dịch bệnh trên trang web Caixin. Ví dụ như che đậy thông tin tỉnh Hồ Bắc hạ lệnh cho công ty xét nghiệm gen tiêu hủy mẫu bệnh. Sau khi hai y tá Trung Quốc gửi thư công khai trên “The Lancet”, một tạp chí y học có uy tín của Anh, kêu gọi quốc tế viện trợ Vũ Hán phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán, bức thư này đã bị chính quyền ĐCSTQ dốc toàn lực ngăn chặn. Tất cả những bài viết có liên quan trên mạng internet đều bị xóa sạch.
Đồng thời, kênh truyền thông của giới chức lại không ngừng đưa tin thất thiệt về những quốc gia khác. Ví dụ như, Daegu, Hàn Quốc tiến hành “phong tỏa quy mô lớn nhất”, tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc có thể sẽ kéo dài tới cuối năm; Nhật xác nhận có 947 người được chẩn đoán nhiễm bệnh; một cơ sở điều dưỡng tại bang Washington của Mỹ chẩn đoán 2 người nhiễm bệnh, 52 người nghi lây nhiễm; Ý tổng cộng có 1.128 người chẩn đoán nhiễm bệnh, tử vong 29 người; Nữ MC của Ý ho dữ dội khi đọc bản tin; Số ca chẩn đoán nhiễm bệnh của Pháp tăng mạnh, lên tới hàng trăm người…
Bước tuyên giáo duy trì ổn định thứ 4, vở kịch “Trung Quốc cứu vớt toàn thế giới” đã manh nha xuất hiện. Suốt mấy ngày qua, các kênh truyền thông tại Đại Lục liên tiếp đưa tin ĐCSTQ cử chuyên gia y tế tới hỗ trợ Iran. Kênh truyền thông của giới chức cao giọng dẫn lời nhân sĩ quốc tế thân cộng rằng: “Trung Quốc đã tranh thủ thời gian cho thế giới”, “Trung Quốc đang cống hiến vì toàn nhân loại”, “Trung Quốc đã triển hiện việc làm của một cường quốc có trách nhiệm”, “Nếu không có sự nỗ lực của Trung Quốc, số ca lây nhiễm trên toàn cầu còn cao hơn rất nhiều con số này…”, nhằm giúp ĐCSTQ thoát tội che giấu tình hình dịch bệnh.
Tuy nhiên vài ngày trước, Vương Tích Ninh, Đại sứ Trung Quốc tại Úc đã tham dự một chương trình truyền hình trực tiếp dưới lá cờ ABC của Đài Phát thanh và Truyền hình Úc Châu. Trong chương trình này, Vương Tích Ninh cố gắng tô vẽ ĐCSTQ thành nhân vật chính lãnh đạo phòng ngừa dịch hiệu quả và “đã hy sinh” nhằm cứu vớt toàn thế giới. Tuy nhiên, ông Vương Tích Ninh lại bị khán giả và người dẫn chương trình tại hiện trường truy hỏi một cách sắc sảo, và vấp phải sự phản bác không chút kiêng nể của những quan khách khác.
Vương Hỗ Ninh là người thao túng sau bức màn đen kiểm soát dư luận về dịch bệnh
Ngày 20/1, ông Tập Cận Bình lần đầu công khai tuyên bố về tình hình dịch bệnh. Khi yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt tình hình dịch bệnh, ông Tập cũng đồng thời đặc biệt nhấn mạnh tăng cường công tác định hướng dư luận và “duy trì sự ổn định về đại cục xã hội”. Nhiệm vụ này của Trung Nam Hải một mềm, một cứng. Cánh tay cứng “duy trì ổn định” rơi vào tay Quách Thanh Côn, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật. Cánh tay mềm “định hướng dư luận” lại rơi vào vị “quốc sư ba đời” Vương Hỗ Ninh.
Trong số các thành viên của đoàn lãnh đạo công tác phòng ngừa dịch của ĐCSTQ được công bố vào ngày 26/1, trưởng đoàn là ông Lý Khắc Cường, vị phó trưởng đoàn duy nhất, ngoài dự liệu, lại do ông Vương Hỗ Ninh, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị đảm nhận. Do vậy, ông Vương Hỗ Ninh đã trở thành giám sát viên đặc biệt trong cuộc đại chiến chống dịch lần này.
Trong ngữ cảnh của giới chức ĐCSTQ, “định hướng dư luận” nghĩa là tăng cường kiểm soát dư luận, đàn áp những người dám vạch trần việc giới quan chức không muốn người dân biết được sự thực, bóp nghẹt tự do ngôn luận của công dân và tự do đưa tin của kênh truyền thông.
“Quy định về quản trị nội dung thông tin mạng” của ĐCSTQ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/3, đã đưa ra việc kiểm soát nghiêm ngặt thông tin một cách minh xác, sau đó thế giới mạng internet của Trung Quốc ngày càng thêm thê lương. Hai ngày nay, rất nhiều tài khoản Weibo và Wechat của người dân Trung Quốc đều bị đóng, trong đó những tài khoản bị đóng đa phần đều có liên quan tới ngôn luận.
Mặt khác, sau khi dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’ bùng phát, giới truyền thông Đại Lục dồn dập đưa những “tin tức ấm áp”. Đặc biệt là “Nhân dân Nhật báo”, kênh truyền thông của giới chức, cực lực tô vẽ cảnh thái bình, bắt đầu từ ngày 5/1 năm nay, thi thoảng lại đăng tải một loạt bài tuyên truyền “Tổng bí thư đã tới thăm nhà tôi” trên trang nhất.
Gần đây, Tiền Cương, Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Trung Quốc trực thuộc Đại học Hồng Kông, đã viết một bài bằng tiếng Anh, có tiêu đề “Rốt cuộc ‘Nhân dân Nhật báo’ mắc bệnh gì?”. Bài viết chỉ trích một loạt bài viết “Tổng bí thư đã tới thăm nhà tôi” từ ngày 25/1 – 24/2, tổng cộng xuất hiện trên trang nhất của “Nhân dân Nhật báo” tới 14 lần, bài nào cũng toát lên một tinh thần lạc quan, không quan tâm tới tình hình dịch bệnh thực tế của Vũ Hán.
Loạt bài “Tổng bí thư đã tới thăm nhà tôi” trên trang nhất của “Nhân dân Nhật báo” ngày 29/2, lại có tiêu đề là “Cuộc sống như mật ngọt”, tiếp tục bị cư dân mạng la ó.
Có phân tích cho rằng là đại diện tuyên giáo của ĐCSTQ, ông Vương Hỗ Ninh cố gắng dựa vào việc kiểm soát dư luận và bàn tay tuyên truyền, giúp ĐCSTQ tránh được nguy hiểm trong thảm họa lần này, ngược lại còn biến thảm họa của người dân thành “thời cơ tốt” để củng cố sự thống trị của ĐCSTQ.
Minh Tú
Xem thêm:
Từ khóa COVID-19 SARS-CoV-2 tuyên truyền Kiểm soát dư luận Vương Hỗ Ninh Kiểm soát thông tin Dòng sự kiện virus corona viêm phổi Vũ Hán 2019-nCoV