162 họa tiết trên Cửu Đỉnh triều Nguyễn
- Lửa Việt Studio
- •
Lời tòa soạn: Biểu hiện cao quí nhất của nhà Nguyễn là Cửu Đỉnh tức là chín cái đỉnh đồng không nắp tích tụ linh khí. Cửu Đỉnh được vua Minh Mạng cho đúc năm 1835 và khánh thành năm 1837, đặt trước Hiển Lâm Các, đối diện với Thế Miếu. Trên bầu đỉnh, 162 tấm họa tiết hoa văn được chạm nổi tinh xảo, mô tả bức tranh toàn cảnh đất nước với núi cao biển cả, sông ngòi, sản vật, v.v.. 162 họa tiết này được Lửa Việt Studio vẽ lại và giới thiệu tới người yêu thích mỹ thuật và lịch sử.
*****
Cửu Đỉnh của nhà Nguyễn là chín cái đỉnh đồng với chức năng là trọng khí, là báu vật tượng trưng cho đế nghiệp của triều Nguyễn. Mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với một thuỵ hiệu của mỗi vị hoàng đế triều Nguyễn.
Mùa hạ tháng 5, năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mạng thứ 17 (14/6-13/7/1836), chín cái đỉnh đồng được đúc xong. Vua Minh Mạng bảo Nội các rằng: “Nay đúc đỉnh, khắc các hình tượng núi, sông, và mọi vật cũng không cần phải khắc đủ cả, duy phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để tiện nhận xét. Đó là cái ý người xưa vẽ hình mọi vật.”
Những họa tiết ẩn dụ về hình tượng mặt trời, mặt trăng, gió, mưa, sấm, chớp, sông, núi, cửa biển, cửa quan, cây gỗ, loài hoa, chim chóc, loài cá, ngũ cốc, linh vật, rau, đậu, củ, quả, xe, thuyền, vũ khí… của đất nước được tinh chọn, phân ra từng nhóm, mỗi nhóm lại chọn ra chín loại, được sắp xếp và tuân thủ theo “quan niệm, triết học, chức năng, vị trí của mỗi đỉnh”.
Chín chiếc đỉnh lần lượt được đặt ở sân của Thế Miếu, sát với Hiển Lâm Các. Cao đỉnh (高鼎) được đặt ở trên đường thần đạo chạy từ Miếu Môn qua Hiển Lâm Các đến gian giữa của Thế Miếu – nơi đặt án và khám thờ vua Nguyễn Thế Tổ. Cao đỉnh (高鼎) kê ở chính giữa trong số Cửu Đỉnh và là đỉnh duy nhất được nhích về phía trước 3 mét với hàm ý tôn vinh vị vua sáng lập triều đại.
Lấy Cao đỉnh(高鼎) làm chuẩn, bên trái lần lượt là Nhân đỉnh(仁鼎), Anh đỉnh(英鼎), Thuần đỉnh(純鼎), Dụ đỉnh(宣鼎); bên phải lần lượt là Chương đỉnh(章鼎), Nghị đỉnh(毅鼎), Tuyên đỉnh(宣鼎), Huyền đỉnh(玄鼎).
Cửu Đỉnh gắn liền với con số 9, một con số thiêng liêng theo quan niệm phương Đông, tượng trưng cho Trời, cho sự hoàn thiện tuyệt đối, cho quyền uy và sức mạnh của người đứng đầu thiên hạ. Con số 9 cũng kết thúc một vòng lịch đại tương ứng với cửu tộc.
Khởi đầu từ CAO tức thế hệ khai sáng và kết thúc ở HUYỀN là thế hệ sau cùng, khép kín một chu kỳ để đi vào cõi vĩnh hằng. Từ CAO đến HUYỀN trong hệ thống thế thứ lịch đại, mỗi thế hệ tượng trưng cho một đức tính tốt: CAO, tức người khởi dựng, tượng trưng cho sự vĩ đại; NHÂN là lòng tốt, tượng trưng đức; CHƯƠNG là sự gương mẫu, là ánh sáng; ANH là tài giỏi vinh hạnh, hiển đạt; NGHỊ là ý chí kiên cường, cương nghị; THUẦN là sự hoàn thiện, phong phú; TUYÊN là sự hài hòa, tinh thông; DỤ là nền tảng sự thịnh vượng và HUYỀN ứng với nơi sâu thẳm.
Cửu Đỉnh được vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào năm 1835 và khánh thành vào năm 1837. Cửu Đỉnh đúc xong vào tháng 5 âm lịch năm 1836. Vua Minh Mạng xuống lệnh chọn thợ khéo chạm khắc các hình trang trí chạm nổi vào mỗi đỉnh. Tổng cộng có 162 tấm họa tiết chạm nổi tinh xảo trên bàu của tất cả 9 chiếc đỉnh, mỗi đỉnh gồm 18 tấm, chia làm ba tầng, mỗi tầng có sáu hình xen kẽ với 6 mảng trống, trong đó tầng trên và tầng dưới bố trí lệch đi một khoảng so với tầng giữa. Mảng hình chính ở mặt trước thuộc tầng giữa được khắc tên đỉnh với lối chữ chân phương, từng nét mạch lạc, khối chữ vuông vức.
Tất cả các loại cảnh vật đều được chọn lọc và sắp xếp theo số 9:
– 9 vì tinh tú và hiện tượng thiên nhiên trong vũ trụ là Mặt Trời, Mặt Trăng, Gió, Sét, Mây, Mưa, Ngũ tinh, Bắc Đẩu, Nam Đẩu;
– 9 ngọn núi lớn là Thiên Tôn, Ngự Bình, Thương Sơn, Hồng Lĩnh, Tản Viên, Duệ Sơn, Đại Lãnh, Hải Vân, Đèo Ngang;
– 9 sông lớn là Bến Nghé, sông Hương, sông Gianh, sông Mã, sông Lô, Bạch Đằng, Thạch Hãn, sông Lam, sông Hồng;
– 9 con sông đào và sông khác là kênh Vĩnh Tế, sông Vĩnh Điện, sông Lợi Nông, sông Vệ, sông Phổ Lợi, sông Thao, sông Cửu An, sông Ngân Hà.
– Rồi 9 loài chim, 9 loài cây lương thực, 9 loại rau củ, 9 loài hoa, 9 loại cây lấy quả, 9 loại dược liệu quý, 9 loại cây thân gỗ, 9 loại vũ khí chiến trận, 9 loại thuyền bè, xe cộ, cờ.
Tất cả những hình chạm ấy hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh thiên nhiên sông núi đất trời Việt Nam hoành tráng, có thể coi là bách khoa thư về cuộc sống con người Việt Nam hồi nửa đầu thế kỉ 19.
Đăng lại từ bài viết giới thiệu trên Fanpage Sử Văn Các
Mời độc giả yêu thích lịch sử ghé thăm.
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa câu chuyện mỹ thuật Việt Nam Cửu Đỉnh lịch sử Việt Nam nhà Nguyễn