Giành được quyền tự chủ không lâu sau đêm dài Bắc thuộc, năm 981 người Việt đứng trước cuộc chiến quyết định vận mệnh tương lai của mình với quân Tống. Chiến thắng sẽ là nền tảng xác lập quyền tự chủ vững chắc sau này, còn nếu thất bại thì rất có thể sẽ tiếp tục bị phương Bắc đô hộ. Các nguồn sử liệu cho thấy Đại Cồ Việt đã cố tình cho quân Tống liên tục giành chiến thắng, cho đến khi trận Bình Lỗ làm đảo lộn tất cả.

Lời tiên đoán của thiền sư

Khi quân Tống tiến đánh Đại Cồ Việt, nhận thấy thế Tống rất mạnh, vua Lê Đại Hành cho triệu thiền sư Vạn Hạnh đến và hỏi nếu đánh thì thắng hay bại. Thiền sư Vạn Hạnh đã trả lời rằng quân Tống sẽ bại và rút lui.

Lời tiên đoán này của thiền sư củng cố niềm tin cho Vua và ba quân, giúp quân Đại Cồ Việt có niềm tin vào chiến thắng.

Bình Lỗ: Trận đánh khẳng định quyền tự chủ trước phương Bắc
Đền thờ vua Lê Đại Hành. (Ảnh: Nguyễn Thanh Quang, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Quân Tống liên tục giành chiến thắng

Giai đoạn đầu của cuộc chiến, quân Tống liên tiếp giành chiến thắng. Sách “Tục tư trị thông giám trường biên” của Trung Quốc chép rằng:

“Ngày tân mão tháng Chạp năm Thái Bình hưng quốc thứ 6 (tháng 12/980 âm lịch), Giao Châu hành doanh (bản doanh chỉ huy của quân Tống) nói phá quân giặc trên vạn, chém được 2.345 đầu giặc.”

“Ngày kỷ mùi tháng ba niên hiệu Thái Bình hưng quốc thứ 6 (tháng 3/981), Giao Châu hành doanh tâu rằng: Phá được quân giặc 15.000 người ở cửa sông Bạch Đằng, chém được hơn 1.000 thủ cấp, thu được 200 chiến hạm và hàng vạn áo giáp, binh khí.”

Sử nhà Tống và Đại Việt Sử ký Toàn thư sau này đều nhìn nhận rằng các trận đánh này là giả thua, để dụ chủ tướng của Tống là Hầu Nhân Bảo đem quân tiến đến Bình Lỗ, nơi vua Lê Đại Hành đã chuẩn bị sẵn một thế trận chờ đợi. Đại Việt Sử lược cũng chép: “Vua sai quân đánh giả hàng để dụ Nhân Bảo. ”

Quân Tống muốn tiến đến thành Đại La thì phải qua Bình Lỗ gần sông Cà Lồ.

Chuẩn bị sẵn một thế trận chờ giặc

Vì tính chất quan trọng ở Bình Lỗ nên vua Lê Đại Hành đã nhờ tới thiền sư Khuông Việt. Sách “Thiền Uyển Tập Anh” chép rằng Vua cử thiền sư Khuông Việt đến Bình Lỗ để chuẩn bị một trận địa mai phục, xây thành, đóng cọc đánh Tống.

Cuốn “Tục tư trị thông giám trường biên” của Trung Quốc có ghi chép rằng: Quân do thám của Tống “theo lối đường sông đến tận chỗ đất giặc và phát hiện ở đây một công trình lớn đang được khơi rộng ra”.

Vua thua chạy, quân Tống thừa thắng đuổi theo

Quân Tống di chuyển chặng đường dài nên đã mệt mỏi. Trong khi đó chủ tướng Hầu Nhân Bảo dẫn quân tiên phong liên tục giành chiến thắng lại muốn tiến nhanh đuổi theo quân Đại Cồ Việt bắt vua Lê Đại Hành. Đại quân Tống phía sau dần dần bị tách khỏi quân tiên phong.

Mải đuổi theo Lê Đại Hành, chủ tướng Hầu Nhân Bảo dẫn quân tiên phong tiến đến sông Ninh Giang thì dừng lại. Có nguồn sử cho rằng vua Lê Đại Hành đã cho quân giả thua rồi trá hàng để dụ quân Tống tiến tiếp.

Quân Tống đuổi theo vào sông Cà Lồ, quân Đại Cồ Việt theo kế hoạch khi thấy quân Tống vào sông Cà Lồ liền khóa đuôi bịt cửa sông không cho quân Tống rút lui.

Trận Bình Lỗ

Khi quân Tống thấy thành Bình Lỗ sừng sững cùng chiến lũy trước mặt thì vội vàng rút lui nhưng không kịp. Quân Đại Cồ Việt tiến đánh ác liệt, quân tiên phong của Hầu Nhân Bảo bị vây chặt ở khúc sông Cà Lồ không sao rút được, liền xông lên đánh vào thành Bình Lỗ.

Nhưng thành Bình Lỗ vốn được tập trung xây dựng rất chắc chắn, bị quân Đại Cồ Việt chống cự, quân Tống không vào được thành.

Rút lui không được, tiến cũng không xong, quân Tống từ sông Cà Lồ chạy đến đoạn sông Hữu Ninh.

Điều này cũng nằm trong kế hoạch của Đại Cồ Việt. Chính tại khúc sông này vua Lê Đại Hành đã chuẩn bị sẵn trận địa mai phục từ nhiều tháng trước. Bị mai phục, quân Tống đại bại, chủ tướng Hầu Nhân Bảo tử trận.

Các sách sử mô tả trận đánh như sau:

“Vua tự làm tướng đem quân ra chống cự. Vua cho cắm cọc cứng dưới sông.Quân Tống rút về giữ mặt Ninh Giang. Vua sai người sang trá hàng để dụ Hầu Nhân Bảo. Quân Tống thua trận, Hầu Nhân Bảo bị bắt và bị chém. Bọn Trần Khâm Tộ nghe tin thất trận phải rút lui.” (Đại Việt sử lược)

“Quân giặc kinh hãi, rút về giữ sông Hữu Ninh, lại thấy sóng gió nổi lên, giao long nhảy nhót, giặc bèn tan vỡ.” (Thiền uyển tập anh)

“Nhân Bảo đem vạn quân xông vào trước bị thế giặc rất mạnh, viện quân phía sau đến cứu không kịp, trận thế bị vây hãm, nên Nhân Bảo bị loạn quân giết chết quẳng xác xuống sông.” (An Nam chí nguyên – Trung Quốc)

“Lê Hoàn giả vờ xin hàng, mà Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng cứ tưởng là thật…” (Tống sử)

Nghe tin chủ tướng Hầu Nhân Bảo tử trận, cánh quân Tống phía sau của Tôn Toàn Hưng hoảng hốt bỏ chạy, cánh quân của Trần Khâm Tộ ở Tây Kết cũng rút lui. Vua Lê Đại Hành cử các tướng đuổi theo diệt quân địch, bắt được các tướng Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư.

Khẳng định quyền tự chủ

Chiến thắng của Đại Cồ Việt đập tan ý định thôn tính của vua Tống. Năm 1005, vua Lê Đại Hành mất, Đại Cồ Việt lâm cảnh rối ren, các quan nhà Tống bẩm tấu đưa quân tiến đánh Đại Cồ Việt phục thù, nhưng vua Tống Chân Tống một mực từ chối.

Chiến thắng Bình Lỗ là chiến thắng quan trọng nhất của đất nước trong thời điểm dựng nước thời bấy giờ, sau này Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cũng nhấn mạnh lại bài học của trận Bình Lỗ.

Đó là vào năm 1300, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn bệnh nặng do tuổi già sức yếu, khó qua khỏi. Vua Trần Anh Tông thăm viếng. Nhà Vua hỏi rằng: “Nếu có sự không lành xảy ra, mà quân Nguyên lại sang xâm lấn thì chống cự bằng cách gì?”

Hưng Đạo Vương nhắc đến vai trò quan trọng của trận Bình Lỗ: “…Đến đời nhà Đinh, nhà Lê thì dùng người hiền tài. Lúc ấy phương Nam đang mạnh, phương Bắc đang suy, trên dưới một dạ, dân không có lòng ly tán, đắp thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống…” Từ đó Hưng Đạo Vương cho rằng: “Khoan sức dân làm kế rễ sâu gốc vững, ấy mới là thượng sách, không có gì hơn được”.

Chiến thắng Bình Lỗ giúp người Việt bước vào giai đoạn phát triển văn minh rực rỡ. Chỉ 30 năm sau, Lý Công Uẩn lên ngôi Vua hiệu là Lý Thái Tổ, đã dời đô về thành Thăng Long, đánh dấu giai đoạn phát phát triển cực thịnh, khẳng định quyền tự chủ vững mạnh của Đại việt.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: