Câu chuyện đạo lý: Đừng nên chỉ làm người gánh nước
- An Hòa
- •
Trong lý niệm của cổ nhân, cuộc đời của con người phụ thuộc rất lớn vào số mệnh của người đó. Mặc dù không thể hoàn toàn làm chủ việc được mất của bản thân, nhưng ai cũng có thể lựa chọn được cách mà sinh mệnh mình sẽ đi qua, lựa chọn được cách sống cho cuộc đời của mình. Có một câu chuyện đơn giản nhưng hàm chứa triết lý sâu sắc về hai vị hòa thượng như sau.
Trước đây có hai vị hòa thượng trẻ tu hành ở hai ngôi chùa gần nhau trên một ngọn núi. Một người tên là Nhất Hưu và một người tên là Nhị Hưu. Ngôi chùa mà hai vị hòa thượng này ẩn cư tu hành đều không có nước, bởi vậy hàng ngày họ đều phải đi xuống con suối nhỏ dưới chân núi để gánh nước về dùng. Hai người thường xuyên gặp nhau trên đường đi lấy nước nên dần dần trở thành hai người bạn thân thiết.
Thời gian cứ như vậy trôi qua, hai vị hòa thượng đã làm công việc gánh nước ấy được 5 năm liền. Một hôm, hòa thượng Nhị Hưu như thường lệ đi xuống dòng suối nhỏ gánh nước nhưng suốt chặng đường đi và về đều không gặp hòa thượng Nhất Hưu. Nhị Hưu thầm nghĩ: “Chắc hôm nay hòa thượng Nhất Hưu ngủ quên không đi lấy nước rồi!”
- Mời xem video: Câu chuyện đạo lý: Đừng nên chỉ làm người gánh nước
Ngày hôm sau, hòa thượng Nhị Hưu lại xuống núi gánh nước nhưng vẫn không gặp hòa thượng Nhất Hưu như trước. Thời gian một tuần trôi qua, rồi một tháng trôi qua, Nhị Hưu vẫn không gặp Nhất Hưu đi gánh nước như trước nữa. Lúc này, anh ta thực sự thấy lo lắng cho bạn của mình. Nhị Hưu nghĩ: “Bạn của ta có lẽ đã bị ốm mất rồi, ta phải đến thăm anh ta một chút mới được, xem có thể giúp gì được bạn không.”
Nghĩ vậy, Nhị Hưu liền lập tức lên núi tìm đến chùa mà Nhất Hưu đang sinh sống. Nhưng trái ngược hẳn với lo lắng của anh ta, hòa thượng Nhất Hưu không có vẻ gì giống một người đang ốm mà đang ngồi trước sân chùa tập luyện quyền thuật. Nhị Hưu giật mình hỏi: “Nhất Hưu! Đã hơn một tháng nay anh không xuống núi lấy nước, anh lấy nước đâu ra mà dùng?”
Nhất Hưu cười và dẫn Nhị Hưu ra phía hậu viện sau chùa rồi chỉ tay vào một cái giếng mà nói: “5 năm nay, mỗi ngày tôi đều giành một chút thời gian rảnh để đào cái giếng này, cho dù là công việc bộn bề đến đâu đi nữa, tôi cũng cố gắng đào một chút. Đến giờ tôi đã đào xong được cái giếng này, nước trào ra cuồn cuộn không ngừng, từ nay về sau tôi không còn phải xuống suối gánh nước nữa. Thời gian xuống suối gánh nước tôi có thể làm việc cần thiết hơn, đọc sách, tu hành, luyện quyền.”
Từ đó về sau, hòa thượng Nhất Hưu không còn phải vất vả xuống núi gánh nước nữa mà chuyên tâm tu hành, người ta chỉ còn thấy hòa thượng Nhị Hưu ngày ngày xuống chân núi gánh nước, mệt nhọc mà không có thời gian nghỉ ngơi.
Trong cuộc sống cũng vậy, người thông minh luôn biết sử dụng thời gian nhàn rỗi của mình một cách hữu ích để phát triển một phương diện nào đó của bản thân mà đạt được những thành quả mình mong muốn.
Đời người, “làm người gánh nước” hay “làm người đào giếng tạo ra nguồn nước” đều là do chính bản thân chúng ta lựa chọn và quyết định. Khi còn là người chưa đào được giếng tạo ra nguồn nước, thì việc gánh nước là đáp ứng được nhu cầu cần thiết của chúng ta, nhưng nếu một người có tầm nhìn lâu dài, có trí tuệ sáng suốt người ta sẽ có cái nhìn xa hơn.
Đương nhiên, thời điểm vừa gánh nước, vừa tạo ra nguồn nước nhất định sẽ vất vả mệt nhọc hơn chỉ làm một công việc, nhưng trong thế gian có đạo lý “trả giá bao nhiêu thì được nhiều bấy nhiêu”. Cho nên, ai có thể nguyện ý bỏ ra nhiều bao nhiêu thì thành quả mà họ nhận được sẽ nhiều bấy nhiêu, đây cũng chính là điều mà cổ nhân thường dạy “Thiên đạo thù cần”, Đạo Trời ban thưởng cho người cần cù.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video: 2 điều cần tránh trong đối nhân xử thế để không hối tiếc về sau
Từ khóa Đạo lý Đời người cuộc đời quản lý thời gian