Câu chuyện độc đáo về bản giao hưởng số 9 của Beethoven
- Thanh Hương
- •
Bản giao hưởng số 9 cung rê thứ, còn được gọi là “Choral”, là bản giao hưởng trọn vẹn cuối cùng của Ludwig van Beethoven. Được hoàn thành vào năm 1824, bản giao hưởng này là một kiệt tác vô cùng nổi tiếng trong dòng âm nhạc cổ điển. Hầu hết các nhà phê bình âm nhạc đều đồng ý nhìn nhận rằng đây là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của Beethoven, và nhiều người coi nó là một trong những sáng tác vĩ đại nhất của nền âm nhạc Tây phương.
Trong bản giao hưởng số 9, lần đầu tiên Beethoven thử nghiệm sử dụng giọng hát con người trong một bản giao hưởng, vậy nên nó còn được gọi là một bản giao hưởng hợp xướng. Những lời ca được hát trong đoạn cuối cùng được trình diễn bởi bốn nghệ sĩ đơn ca và một dàn hợp xướng. Những lời ca này được lấy từ “Ode to Joy” (Tạm dịch: Khải hoàn ca), một bài thơ được viết bởi Friedrich Schiller vào năm 1785 và được sửa lại vào năm 1803, với đoạn bổ sung của Beethoven. Trong những năm 2010, bản giao hưởng số 9 là một trong những bản giao hưởng được trình diễn nhiều nhất trên thế giới.
“Bất cứ ai có trái tim biết rung cảm với sự vĩ đại và cái đẹp chắc chắn sẽ có mặt”, đó là lời ngợi ca của báo giới nước Áo dành cho buổi hòa nhạc của Beethoven. Vào ngày 7/5/1824, bản giao hưởng số 9 của Beethoven được trình diễn lần đầu tiên. Bản giao hưởng đã gây được ấn tượng sâu sắc cho khán giả bởi nhiều lý do. Nó dài hơn và phức tạp hơn bất cứ một bản giao hưởng nào cho đến nay và cũng yêu cầu một dàn nhạc lớn hơn. Nhưng điểm độc đáo nhất của nó chính là việc Beethoven đã thêm đồng ca và đơn ca vào chương cuối cùng. Ông là nhà soạn nhạc đầu tiên làm như vậy trong một bản giao hưởng.
Beethoven bắt đầu suy nghĩ về việc thêm bài thơ “Ode to Joy” của Friedrich Schiller vào sáng tác của mình từ đầu năm 1793, khi ông 22 tuổi. Trong những năm tiếp theo, nhà soạn nhạc đôi lúc vẫn quay lại xem xét bài thơ này và phác thảo một số chủ đề xoay quanh nó, nhưng trong một thời gian dài, chưa có bản nhạc nào được hoàn thành cả.
Phần hợp xướng cuối cùng
Vào năm 1817, Hội yêu nhạc London ủy thác cho Beethoven viết một bản giao hưởng, nhưng ông đã không thực sự tập trung vào nó mãi cho đến năm 1822. Ba chương đầu tiên của bản giao hưởng số 9 được dành riêng cho dàn nhạc, nhưng Beethoven biết ông cần phải kết thúc tác phẩm bằng một dấu ấn thật đặc biệt. Đó là lúc ông chợt nhớ tới “Ode to Joy”. Một chương dựa trên bài thơ nổi tiếng này chính xác là cái kết mà bản giao hưởng của Beethoven cần có.
Mặc dù bản giao hưởng này được ủy thác bởi Hội yêu nhạc London, những người có ảnh hưởng ở Vienna đã thuyết phục Beethoven trình diễn bản giao hưởng lần đầu tiên ở thành phố này. Dàn nhạc của nhà hát Kärnnertor được bổ sung thêm một số nhạc công khác, và một dàn hợp xướng gồm 90 thành viên đã được thành lập để cân bằng với dàn giao hưởng.
Nhảy nhót như một kẻ điên
Năm 1824, Beethoven đã gần như điếc hoàn toàn, nhưng ông vẫn muốn tiếp tục được trình diễn và chỉ huy dàn nhạc trên sân khấu. Thêm nữa, Beethoven cũng muốn giúp các nghệ sĩ hiểu phong cách và động lực mà ông mong muốn họ thể hiện.
Động tác của nhà soạn nhạc vĩ đại trong buổi hòa nhạc đó thật sự rất khác lạ, một nhạc sĩ kể lại: “Ông đứng trước vị trí của người chỉ huy và cúi người về trước rồi về sau như một kẻ điên. Có lúc ông căng hết người ra, rồi ngay sau đó lại gần như cúi mình chạm sàn nhà. Ông vung vẩy tay và chân của mình như thể muốn một mình chơi tất cả các nhạc cụ và hát tất cả các phần hợp xướng.” Đó là lý do vì sao mà người chỉ huy dàn nhạc đã âm thầm yêu cầu các nhạc sĩ không được để ý đến Beethoven.
Không thể nghe được những tràng vỗ tay
Hoàn cảnh mất thính lực của Beethoven đã tạo nên một trong những câu chuyện cảm động nhất trong giới âm nhạc. Khi bản giao hưởng kết thúc, ông vẫn tiếp tục hướng mặt về phía dàn nhạc thực hiện động tác chỉ huy. Ca sĩ giọng nữ trầm Caroline Unger đã phải bước đến gần và quay người Beethoven lại để ông có thể đón nhận những tràng vỗ tay và sự cổ vũ của khán giả.
Theo một người chứng kiến thì “công chúng đón nhận người nhạc sĩ với sự tôn trọng và lòng đồng cảm cao nhất, lắng nghe các sáng tác tuyệt với và vĩ đại của ông một cách say mê chăm chú, và rồi bùng nổ trong tiếng vỗ tay đầy hân hoan, thường thường là giữa các phần, và rồi lại lặp lại như thế vào cuối bản giao hưởng.” Khán giả hoan hô ông với những tràng vỗ tay; và rồi có nào là khăn tay, mũ và những cánh tay giơ lên không trung, để cho Beethoven, người không thể nghe được tiếng vỗ tay, ít nhất vẫn có thể nhìn thấy được sự hoan hô cổ vũ của công chúng. Rất nhiều người tham dự đã xúc động tới rơi nước mắt khi họ nhận ra Beethoven không thể nghe thấy gì.
Điều kì diệu
Không giống như Hamlet của Shakespeare, kiệt tác giao hưởng số 9 của Beethoven mang ý nghĩa khác biệt đối với từng người nghe, nhưng nó vẫn luôn là những gì tuyệt vời nhất, mạnh mẽ nhất và cao quý nhất về nhân loại. Như Wilhelm Furtwängler – một trong những chỉ huy dàn nhạc giao hưởng xuất sắc nhất – đã từng nói, cố gắng khám phá một cách chính xác ý tưởng của Beethoven với bản giao hưởng số 9 cũng tương tự như việc tìm chỗ để ghim một con bướm chính xác lên bộ sưu tập của một nhà côn trùng học.
Harvey Sachs, một nhà nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng, cũng thừa nhận điều này trong sự khâm phục khi phân tích bản giao hưởng số 9: “Có một sự thật không thể nghi ngờ, đó là bản giao hưởng của riêng từng người, nếu bạn thật sự nghiêm túc lắng nghe.”
Lời ca của “Ode to Joy” có đoạn viết:
Bạn có cúi đầu trước Ngài, hàng triệu người ngoài kia?
Bạn có cảm nhận được Sáng Thế Chủ, hỡi thế giới?
Có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể thống nhất rằng bản giao hưởng này nói về điều gì, và tất cả những gì chúng ta có thể làm là tiếp cận nó với sự thận trọng, khiêm tốn và lòng ngưỡng mộ những điều kì diệu.
Thanh Hương
Xem thêm:
Từ khóa Beethoven nhạc cổ điển giao hưởng