Chăm chỉ và thiện tâm có thể cải biến nhân sinh
- Thiên Cầm
- •
Làm việc không thể không chuyên cần, làm người không thể không lương thiện. Cổ nhân có câu: “Trời vận động mạnh mẽ, người quân tử nên cố gắng không ngừng. Đất có tính nhu hòa, người quân tử lấy đức dày mà nâng đỡ vạn vật.” Nhờ chăm chỉ cần cù mà con người học hỏi và thành thạo, dựa vào nỗ lực mà đạt được điều đáng được có. Nhờ thiện tâm mà con người tu dưỡng đạo đức, tạo nên nhân cách cao thượng, đắc được chân tâm, thay đổi kiếp người. Trong cuộc sống, một người vừa cần cù vừa lương thiện mới có thể đi được xa, bước được chính, thành tựu sự nghiệp của bản thân, đặt định một tương lai tươi sáng.
Trong cuốn Tiến Học Giải, Hàn Dũ viết: “Nghề nghiệp tinh thông là bởi chuyên cần, hoang phế do đùa bỡn; đức hạnh thành tựu là nhờ suy tư, hủy hoại vì tùy tiện”. Từ xưa đến nay, phàm những người thành tựu đại nghiệp, có cống hiến cho nhân loại, không ai là người làm việc không thiết thực, từng bước gian khổ mà vươn lên. Do đó một người muốn có thành tựu thường không thể rời xa hai chữ “cần cù”.
Người xưa có câu: “Cần kiệm giữ nhà, gia đình tất thắng, người ắt giàu sang; Phú quý giữ nhà, gia đình ắt bại, người ắt nghèo hèn.” Chăm chỉ là nền tảng của cuộc sống, là cái gốc lập thân. Đối với con người mà nói, cần cù chăm chỉ không chỉ là trí tuệ xử thế tuyệt vời, mà còn là tâm thái dám đảm đương trách nhiệm.
Nhưng bên cạnh cần cù, con người cũng không thể thiếu thiện tâm. Bởi trong cõi nhân gian, hết thảy đều có nhân quả luân hồi. Người có đức ắt có phúc, hành thiện tích đức, thiện báo dồi dào thì mới có được cuộc đời hạnh phúc.
Trong cuốn Đạo Đức Tòng Thư của Trần Kính Y kể về câu chuyện của một tài tử Giang Tô như sau:
Vào thời nhà Minh, tại huyện Giang Âm, tỉnh Giang Tô có người tên là Trương Úy Nham, học thức phong phú, văn chương tài hoa, nổi danh một vùng. Vào năm Giáp Ngọ Vạn Lịch (tức năm 1594 sau Công Nguyên), Úy Nham ứng thí nhưng không có tên trên bảng vàng. Lúc đó anh ta ngụ nhờ trong một ngôi chùa. Khi công bố danh sách những người đỗ đạt, không thấy tên mình, ngay lập tức Úy Nham mắng quan chủ khảo có mắt không tròng, không thấy bậc hiền tài. Vừa hay bên đường có một đạo nhân đứng đó, mỉm cười nhìn Úy Nham. Anh ta ngay lập tức trút cơn thịnh nộ lên đầu vị đạo nhân.
Đạo nhân nói: “Văn chương của tướng công ắt hẳn không phải tuyệt tác.”
Trương Úy Nham phẫn nộ hỏi: “Ông chưa từng đọc văn của ta, sao có thể biết được ta viết không hay?”
Đạo nhân trả lời: “Ta nghe nói viết văn quý ở tâm bình khí hòa. Hiện giờ nghe cậu mắng mỏ những lời thô tục, tâm bất bình như vậy sao có thể viết ra những áng văn hay?”
Trương Úy Nham nghe đến đây, cảm thấy những lời đạo nhân nói cũng có lý, bèn lập tức quy phục và thỉnh giáo ông.
Đạo nhân nói: “Muốn đỗ đạt công danh hết thảy đều nằm ở trong mệnh của cậu. Mệnh không đỗ đạt, thì văn hay chương dẫu hay cũng vô dụng. Vấn đề căn bản nhất là phải thay đổi bản thân mới được.”
Trương Úy Nham hỏi: “Đã là số mệnh thì sao có thể thay đổi?”
Đạo nhân nói: “Người tạo mệnh là Trời, kẻ lập mệnh là ta. Dốc sức hành thiện, tích rộng âm đức, thì phúc phận có thể đắc được.”
Trương Úy Nham nói: “Tôi chỉ là một thư sinh nghèo, thì có thể làm được gì đây?”
Đạo nhân nói: “Việc thiện, âm đức đều do tâm tạo. Thường tồn giữ thiện tâm này sẽ có đức. Ví như đức khiêm nhường chẳng hao tài tốn của, cậu thi không đỗ sao không tự xem lại mình mà lại mắng quan chủ khảo?”
Trương Úy Nham cảm động, xin lỗi vị đạo nhân.
Từ đó về sau, Trương Úy Nham nhất tâm hành thiện, nghiêm khắc yêu cầu bản thân, coi trọng tu thân dưỡng tính, trở thành một người có đạo đức cao thượng. Ông còn mở lớp dạy học cho những người ở nông thôn, giáo hóa họ đừng vì thấy việc ác nhỏ mà làm, đừng vì thấy việc thiện nhỏ mà không làm, đồng thời thường khuyến thiện những người xung quanh.
Ba năm sau, một hôm, Trương Úy Nham nằm mơ, mơ thấy trong một căn phòng cao lớn, mình có được một cuốn sách ghi tên những người đỗ đạt. Bên trong còn rất nhiều hàng trống. Trương Úy Nham bèn hỏi người bên cạnh, người này đáp rằng: “Đây là danh sách đỗ đạt trong kỳ thi năm nay.”
Trương Úy Nham hỏi: “Trong bản danh sách này vì sao lại thiếu nhiều cái tên như vậy?”
Người đó nói: “Danh sách đỗ đạt ba năm được âm gian sát hạch một lần, phải là người đạo đức, không sai sót, mới được chọn. Như hàng trống ở phía trước này, lẽ ra đều đã chọn xong. Nhưng vì trong vòng ba năm người này lại xuất hiện những sai sót về đức hạnh nên bị xóa tên.”
Sau đó ông ta lại chỉ vào một hàng trống nói với Trương Úy Nham rằng: “Ba năm qua, ông cẩn trọng giữ gìn thân tâm, có lẽ sẽ được lấp vào chỗ trống này. Hy vọng ông biết trân quý bản thân.”
Trương Úy Nham quả nhiên đã có tên trên bảng vàng vào kỳ thi năm đó. Ông đứng đầu trong danh sách 105 người.
Có câu rằng: “Trên đầu ba tấc có thần linh”, ý nói rằng thần minh không nơi nào không có mặt, mọi hành vi và suy nghĩ của con người, thần linh đều đang quan sát. Hết thảy mọi thứ đều không thể thoát khỏi an bài của Thiên lý. Người thiện tâm là hợp với Thiên đạo, nên tự nhiên phúc phận bền chặt. Người hành thiện làm lợi cho người khác, thường được người mang ơn mà tích phúc. Dẫu con người ở bất kỳ ngành nghề, hoàn cảnh nào trong xã hội, cũng đều có thể làm người tốt, hành thiện tích đức, bất cứ khi nào cũng có thể bảo tồn thiện niệm.
Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Người thiện tâm Phúc đức lương thiện Nhân quả