Rất nhiều câu chuyện trong sách cổ cho thầy rằng không chỉ có luân hồi chuyển kiếp, mà nhiều chuyện trong cuộc đời người ta đều được sắp xếp vô cùng tỉ mỉ. Nếu hiểu được rằng số mệnh thật sự tồn tại, thì con người cũng sẽ biết được rằng mục đích của đời người là nỗ lực bồi đắp sự thiện lương, để khi duyên đến thì tìm về với Đạo. Dưới đây là chuyện đầu thai chuyển kiếp của một vị hòa thượng, được ghi lại trong một cuốn sách cổ.

Hòa thượng gánh nước
(Ảnh minh họa: TZIDO SUN, Shutterstock)

Vào cuối triều Minh, ở Nam Dương, tỉnh Hà Nam có một vị hòa thượng, vì sức ăn hơn người nên được đặt cho biệt danh là “Đại Biều” (cái muôi lớn). Vị hoà thượng Đại Biều này một lòng hướng thiện, khi thấy người dân trong vùng khó khăn khi đi lại, từng phát nguyện muốn xây một cây cầu, giúp thế nhân thuận tiện đi lại. Xây cầu tốn không ít ngân lượng, nhưng trong người hoà thượng Đại Biều không có một đồng, cần có người bố thí giàu có giúp đỡ mới có hy vọng thành công. Thế là mỗi khi có dịp, hoà thượng Đại Biều thường kêu gọi thiện nam tín nữ: “Ai xây cầu này, hoà thượng ta nguyện làm con cháu của người đó”, ý nói là ai có thể xuất tiền ra làm cầu, ông nguyện ý đời sau chuyển sinh làm con cháu của người đó để báo ân.

Thời triều Minh, đất phong của Đường Vương ở Nam Dương, tỉnh Hà Nam, vương phủ cách ngôi chùa của hoà thượng Đại Biều 15 dặm. Bấy giờ Đường Vương luôn nghe văng vẳng bên tai tiếng hô: “Ai xây cầu này, hoà thượng ta nguyện làm con cháu của người đó”. Thế là Đường Vương bèn hỏi người hầu cận, được trả lời rằng: “Nghe nói có một hoà thượng tên gọi Đại Biều thường hô như vậy”, rồi thuật lại chi tiết đầu đuôi câu chuyện.

Sau khi nghe xong Đường Vương rất hiếu kỳ, liền lệnh cho thái giám mời hoà thượng Đại Biều vào phủ yết kiến. Vừa gặp, Đường Vương thấy quả nhiên là một hòa thượng bộc trực thiện lương, liền mời ông hô lại câu: “Ai xây cầu này, hoà thượng ta nguyện làm con cháu người đó”. Đường Vương nghe một cái quả nhiên đúng là âm thanh thường nghe thấy trong những ngày trước đó, cảm thấy thần kỳ bèn hạ lệnh xuất kho ra 3.000 lượng bạc trắng dùng để xây cầu.

Ngày cây cầu hoàn tất, rất nhiều người hầu trong vương phủ đều nhìn thấy hoà thượng Đại Biều đi vào trong vương phủ, vào hậu vương phủ. Chính trong lúc này, vương phi sinh thế tử. Đường Vương lập tức sai người đi đến chùa tìm hoà thượng Đại Biều, không lâu sau người hầu trở về bẩm báo: “Hoà thượng Đại Biều đã tạ thế rồi”.

Đường Vương hiểu rằng hòa thượng Đại Biều đã đoái hiện nguyện, đầu thai làm con trai của ông. Vị Đường thế tử này sinh ra đã có lòng nhân từ, thông minh, yêu mến và kính trọng Phật Pháp, sau khi trưởng thành hàng năm đều bố thí đồ ăn cho hàng ngàn tăng nhân, gọi là “Lễ ngàn tăng”.

Câu chuyện này được Thiền sư Đại Nguyên nổi tiếng thời đó kể cho Vương Đồng Quỹ, tác giả của sách cổ Nhĩ Đàm triều Minh. Thiền sư Đại Nguyên là một y sư nổi tiếng cuối triều Minh, tinh thông Tố Vấn, Nan Kinh và tám phương pháp châm cứu, các loại bệnh đều có thể chữa khỏi bằng châm cứu, các phi tần trong hậu cung, các đại thần, hoạn quan cùng hoàng thân quý thích đều kính trọng ông. Ông viên tịch vào cuối đời Sùng Trinh.

Theo “Hoà thượng Đại Biều chuyển sinh làm Thế tử Đường Vương
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Đức Huệ

Xem thêm:

Mời xem video: