Trong Kinh Thi có câu: “Vô cạnh duy nhân”, ý nói một quốc gia cường thịnh là nhờ vào người tài đức. Cho nên các triều đại xưa nay đều xem việc tiến cử người hiền tài để phụ tá Hoàng đế cai quản đất nước là một việc vô cùng quan trọng. Câu chuyện Quản Trọng không vì tình bạn riêng mà tiến cử là một điển cố về tấm lòng công chính vô tư, đồng thời cũng thể hiện ra trí tuệ nhìn người của ông.

Chuyện Quản Trọng không vì tình riêng mà tiến cử hiền tài
(Tranh minh họa: Họa sĩ Lý Đường, Metropolitan Museum of Art, Public Domain)

Thời kỳ Xuân Thu, danh tướng Quản Trọng của nước Tề phụ tá Tề Hoàn Công thành tựu bá nghiệp, khiến Tề Hoàn Công đứng đầu trong ngũ bá. Tề Hoàn Công rất tôn kính Quản Trọng, và gọi ông là “Trọng phụ”. Lúc Quản Trọng bị bệnh nặng, khó mà qua khỏi, Tề Hoàn Công hỏi ý Quản Trọng rằng ai có thể thay thế được ông sau khi ông qua đời.

Quản Trọng trả lời rằng ông chưa tìm được ai thích hợp. Tề Hoàn Công lại hỏi: “Bào Thúc Nha có được không?”.

Bào Thúc Nha là bạn tốt của Quản Trọng, Quản Trọng từng nói rằng: “Người sinh ra ta là cha mẹ, người hiểu ta chỉ có Bào Thúc Nha mà thôi”. Nhưng dù là có giao tình như vậy, Quản Trọng lại không đồng ý: “Bào Thúc Nha là người liêm khiết, nhưng thấy người không bằng mình thì sẽ không thân cận, đối với khuyết điểm của người khác thì sẽ ghi nhớ. Người như vậy không thích hợp làm Tể tướng.”

Tề Hoàn Công thất vọng hỏi: “Nếu thực sự không được, vậy thì Thấp Bằng có làm được không?”

Quản Trọng nghe xong thì tán dương: “Thấp Bằng có thể đảm đương được. Thấp Bằng là người lấy các bậc cổ thánh tiên hiền làm gương, lại có thể không ngại học hỏi kẻ dưới. Ông ta thường tự thấy xấu hổ vì đức hạnh, lại thường xuyên trợ giúp những người không bằng mình”.

Sau Tề Hoàn Công lại hỏi Quản Trọng về cách trọng dụng người, hỏi xem đám người Dị Nha, Thụ Đao, Vệ công tử Khải, Thường Chi Vu có thể dùng được không. Dịch Nha từng lấy con trai mình làm món ăn cho Tề Hoàn Công. Thụ Đao tự thiến mình và trở thành thái giám hầu hạ Tề Hoàn Công. Khải Phương vốn là Thái tử của nước Vệ, nhưng từ bỏ vị trí Thái tử mà đến Tề để hầu hạ Tề Hoàn Công, cho dù cha ruột chết vì bệnh cũng không về nhà thăm. Thường Chi Vu giỏi xem bói, trị bệnh.

Quản Trọng cho rằng những người này đều là nịnh thần không đáng tin cậy, thậm chí trong đó phần nhiều là tàn nhẫn, thậm chí tàn nhẫn với bản thân. Như vậy họ không thể là hiền thần, không đáng được trọng dụng.

Từ cách tiến cử có thể thấy luân lý đạo đức chính là điều kiện để Quản Trọng tiến cử hiền tài. Bào Thúc Nha không chỉ là người bạn rất thân của Quản Trọng mà còn là người có ơn lớn với ông. Chính Bào Thúc Nha là người đã phát hiện ra tài năng của Quản Trọng khi ông còn là kẻ bần hàn và cũng dốc sức tiến cử ông với Tề Hoàn Công. Nhưng không vì tình riêng như vậy mà Quản Trọng tiến cử Bào Thúc Nha.

Quản Trọng tiến cử hiền tài là nhìn vào cách đối nhân xử thế. Kẻ nịnh nọt dù có tài riêng thì cũng không nên dùng. Ngay người hiền năng cũng có nhiều loại. Tể tướng phải là người có thể bao dung. Bào Thúc Nha khi thấy người khác đã từng có lỗi lầm thì sẽ ghi nhớ và rời xa đối phương. Trong khi Thấp Bằng biết người khác từng có lỗi lầm thì nghĩ là làm cách nào để trợ giúp họ, sửa đổi họ giúp họ tiến bộ hơn lên. Chính vì vậy Quản Trọng tin rằng Thấp Bằng có thể làm Tể tướng.

Tiếc là sau khi Quản Trọng qua đời, Tề Hoàn Công không còn người uốn nắn, trọng dụng bốn kẻ nịnh thần, khiến bọn họ lộng quyền, làm loạn triều chính, đẩy nước Tề đến chỗ suy bại.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: