Theo Phật gia, khi loại bỏ được thất tình lục dục và các tâm xấu của con người thì người tu luyện sẽ đạt đến cảnh giới “không”, đó là cảnh giới mà tâm trong như nước, tĩnh lặng như núi, nhẹ như làn mây. Lòng từ bi của những bậc đắc đạo ấy đã để lại cho thế nhân nhiều câu chuyện cảm động lòng người. Trong cuốn “Lịch đại cao tăng truyện” có ghi chép lại chuyện tu luyện đắc đạo của Không Vương Cổ Phật như sau.

Chuyện tu luyện đắc đạo của Không Vương Cổ Phật
(Ảnh minh họa: Gary Yim, Shutterstock)

Hòa thượng Chí Siêu sinh ra trong một gia tộc họ Điền ở quận Phùng Dực tỉnh Thiểm Tây vào thời Nam Bắc triều tại Trung Hoa, tên thường gọi là Điền Thiện Hữu. Từ lúc rất nhỏ ông đã một lòng hướng Phật, lại một mực bày tỏ với người nhà mong muốn gửi thân nơi cửa Phật của mình nhưng không được đồng ý. Họ lén sắp xếp một cuộc hôn nhân cho ông. Chí Siêu nghe vậy đã trốn vào vùng sơn dã. Người của cả gia tộc cùng nhau đi tìm ông, ông không trốn được, bị cưỡng chế đưa về nhà và phải cử hành hôn lễ.

Đêm tân hôn, Chí Siêu đã trịnh trọng tuyên giảng Phật Pháp cho tân nương. Vị tân nương cảm động đến rơi nước mắt trước tấm lòng thành kính của chồng mình đối với Phật Pháp và nàng đồng ý rằng sau này sẽ chung sống mà không gần gũi với Chí Siêu, họ chỉ là đôi phu thê trên danh nghĩa chứ không phải vợ chồng thực sự. Mỗi đêm Chí Siêu đều ngồi thiền hết cả năm canh.

Cuối cùng đến năm 27 tuổi Chí Siêu cũng có thể xuất gia, trở thành học trò của Tuệ Toản Thiền Sư ở chùa Khai Hoá thuộc Tịnh Châu (tức thành phố Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây ngày nay).

Lúc ban đầu Tuệ Toản không thu nhận Chí Siêu làm đồ đệ của mình mà chỉ để ông làm các việc lặt vặt trong chùa để khảo nghiệm ông. Nhưng Chí Siêu không vì điều này mà cảm thấy chán nản, mỗi ngày ông đều dậy sớm làm việc đến tận khuya mới đi ngủ. Trong chùa số tăng nhân lên đến hàng trăm người. Mỗi khi có công việc vất vả nhất thì Chí Siêu đều tranh lấy để làm. Qua đoạn thời gian thử thách này Tuệ Toản nhận thấy Chí Siêu là người có kỷ luật nghiêm khắc với bản thân, là người đầy trí huệ lại có thể chịu khổ nên đã thu nhận Chí Siêu làm đệ tử.

Sau khi thọ giới, Chí Siêu học tập các kinh Phật, sau đó ông quay về quê cũ tìm một ngọn núi và tiếp tục tu luyện ở đấy. Chí Siêu dựng lên một thiền viện trong núi, sớm tối khổ tu. Những người tài giỏi từ khắp bốn phương nghe tiếng về Chí Siêu đã theo nhau kéo đến, người chốn xa gần đều biết tiếng ông.

Năm Tùy Đại Nghiệp thứ nhất, Tùy Dạng Đế hạ lệnh đóng cửa các chùa, không cho tăng nhân gặp gỡ, giao du. Chí Siêu sau khi nghe tin này đã hết sức lo lắng, ông kiên quyết dâng thư lên hoàng đế để biện hộ cho Phật giáo. Chí Siêu mặc áo cà sa đi đến các quận, thành thăm hỏi, hy vọng gặp được quan viên chấp pháp để trình bày ý kiến của mình. Nhưng những viên quan kia đã phớt lờ ông. Trên con đường duy hộ Phật Pháp tuy gặp phải chướng ngại khắp nơi nhưng ông không chút nản lòng, lại chạy một mạch đến Giang Đô để bày tỏ ý kiến của mình với quan nội sử của Tùy Dạng Đế, hy vọng quan nội sử sẽ tấu trình ý kiến của ông lên hoàng đế.

Cuối triều Tùy chiến tranh nổ ra, lại thêm nạn đạo tặc hoành hành khiến người dân vô cùng khổ sở. Xác của người dân nằm ngổn ngang khắp nơi. Lúc này, Chí Siêu đang tập hợp các đệ tử lại cùng học tập Phật Pháp. Mọi người vẫn còn một ít lương thực bên mình. Họ đều sợ đạo tặc đến cướp lương nên ai cũng muốn lấy một chút lương thực rồi chia ra mỗi người một ngả. Chí Siêu khuyên mọi người chớ nên làm loạn, hơn nữa việc tu luyện không thể bỏ cuộc giữa chừng. Mọi người đều thấy vô cùng cảm động và cùng tĩnh tâm xuống tiếp tục tu Phật.

Một đêm nọ, khi Chí Siêu và mọi người đang đả toạ thì đột nhiên thấy ngọn lửa bốc lên ngút trời, bọn đạo tặc phá cửa xông vào, tên nào cũng cầm ngọn đao thép sáng loáng trong tay. Chí Siêu và những người khác đều ngồi nghiêm trang bất động, không có ai động niệm về sự việc đang xảy ra. Bọn đạo tặc bị sự trấn tĩnh của mọi người làm cho cảm động, chúng quỳ xuống lễ bái tạ tội và đều nguyện quy y theo Chí Siêu. Ông nhân cơ hội này đã dẫn dắt họ, dựa theo tư chất của từng người mà chọn cách giáo hoá họ. Nhóm đạo tặc từ trong thâm tâm đều bội phục Chí Siêu, họ một lòng hướng Phật, chuyên cần tu luyện Phật Pháp để được tiêu bỏ tội nghiệp đã gây ra trong quá khứ.

Khi Đường Cao Tổ Lý Uyên dấy binh ở Thái Nguyên, xuất phát từ góc độ muốn cứu giúp bách tính, hoà thượng Chí Siêu đã hết lòng ủng hộ. Ông dẫn theo các tăng lữ đến Tấn Dương hoằng truyền Phật Pháp, số đệ tử đi theo Chí Siêu học tập Phật Pháp lên đến hàng trăm người. Mọi người đều giữ nghiêm giới luật, tuân thủ trật tự nề nếp khiến thế nhân tán thán mãi không thôi, đồng thời các tăng nhân cũng đã có những cống hiến cho sự ổn định của xã hội lúc bấy giờ.

Sau này đại binh của triều Đường xuống phía nam bình định các cuộc nổi loạn trong nước, đất nước nhờ đó mà được yên bình. Chí Siêu dẫn theo hơn 20 đệ tử đến kinh thành để chúc mừng hoàng đế. Đường Cao Tổ Lý Uyên kính trọng Chí Siêu, mời ông đến Thái Cực điện và hành đại lễ với ông.

Chí Siêu không tham cảnh phú quý an nhàn nên đã từ biệt hoàng đế và các đại thần rồi đi đến vùng Tấn Xuyên (thuộc tỉnh Sơn Tây ngày nay), muốn chọn ở vùng ấy một chỗ tốt để tu luyện.

Năm Đường Vũ Đức thứ năm, Chí Siêu chuyển đến vùng Miên Sơn cách huyện Giới Hưu khoảng 20km về phía tây nam. Trên dãy Miên Sơn có một ngọn núi tên là Bão Phúc, vốn rất nổi tiếng. Trên đỉnh ngọn núi có một vách núi với thung lũng sâu đến hàng trăm trượng nằm sát một đỉnh núi khác cao ngàn thước phía trên. Nơi đây có suối trong đá đẹp, cây cối rậm rạp, mưa thuận gió hoà. Sống ở đây có thể khiến người ta ở trong cảnh mà quên hết ưu phiền.

Năm Vũ Đức thứ bảy, Chí Siêu dẫn mọi người lên đỉnh núi Bão Phúc tu luyện. Đương thời có đến gần một trăm tăng nhân. Nhưng tất cả lương thực của họ gộp lại chỉ bất quá là sáu thạch lúa mì. Lúc đầu mỗi ngày họ xay năm đấu lúa mì để ăn. Từ mùa xuân đến mùa hè lượng lúa mì đã vơi đi rất nhiều. Về sau mỗi ngày họ chỉ xay hai đấu. Nhưng lượng lúa mì dự trữ còn lại dùng mãi vẫn không hết. Mọi người đều cảm thấy vô cùng kỳ diệu. Nhưng chỉ cần những đệ tử của Chí Siêu có ai sinh tâm lười biếng hoặc cầu an dật thì lập tức sẽ nhận được sự cảnh báo thần kỳ. Khi Chí Siêu tập hợp các tăng nhân thì chiếc chuông cũng theo đó mà reo lên. Nước suối trên núi cũng theo số người đông hay thưa mà chảy ra nhiều hay ít….

Trong cuộc đời mình Chí Siêu đã để lại rất nhiều câu chuyện thần kỳ, và đây là câu chuyện nổi tiếng nhất: Năm Trinh Quán thứ 14 (thời Đường Thái Tông, tức năm 640) vùng Thiểm Tây xảy ra đợt hạn hán lớn, duy chỉ huyện Giới Hưu là vẫn mưa thuận gió hoà, người ta đều nói rằng nhờ có đại đức của hòa thượng Chí Siêu mà vùng Giới Hưu mới tránh được tai hoạ. Vì vậy Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã hướng đến Miên Sơn cầu mưa. Chí Siêu lệnh cho Mạc Tư, một đệ tử đang nấu cơm, vẩy nước vo gạo về hướng tây nam, một lúc sau khắp kinh thành Trường An mưa giăng giăng đầy trời, tai nạn hạn hán lớn đã được giải trừ, dân chúng vui mừng cảm tạ công ơn giúp người dân vượt qua cơn khốn khó của hoà thượng Chí Siêu. Người ta cũng xưng tụng ông là “Phật sống của đất Miên Sơn”.

Không lâu sau khi hạn hán lớn được giải trừ, hoà thượng Chí Siêu ở trong chùa nhận ra bệnh tình của mình rất trầm trọng, ông đoán trước rằng thọ mệnh sắp hết nên càng chăm chỉ tu luyện hơn. Ngày 11 tháng 3 năm Trinh Quán thứ 15 (tức năm 641) hoà thượng Chí Siêu viên tịch, hưởng thọ 71 tuổi.

Hoà thượng Chí Siêu viên tịch chưa bao lâu thì Đường Thái Tông Lý Thế Dân dẫn theo quần thần đến Miên Sơn bái kiến ông. Đệ tử của Chí Siêu là Ngân Không ở núi Bão Phúc tiếp giá, nói rằng sư phụ của mình đã viên tịch. Thái Tông vẫn chưa được thỏa nguyện nên trong lòng thấy buồn bã, ông ngẩng mặt lên trời than rằng: “Chuyến đi này không được thấy Phật rồi”. Đúng lúc ấy đột nhiên trên không trung xuất hiện hình ảnh hòa thượng Chí Siêu và bốn chữ lớn “Không Vương Cổ Phật”. Theo Phật giáo, Không Vương Phật là một trong 1000 vị Phật quá khứ. Trong Pháp Hoa Kinh có viết rằng: “Các Thiện nam tử! Ta cùng các A Nan ở chỗ Đức Phật Không Vương đồng thời phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.

Vì sự việc này, Đường Thái Tông đã hạ lệnh xây dựng chùa Phong vân. Đoàn xa giá của vua Thái Tông quay về đến chùa Linh Khê ở núi Không Sơn, khi thấy quang cảnh tuyệt đẹp của ngôi chùa thu vào trong tầm mắt, vua Đường liền làm một bài thơ:

Hồi loan du phúc địa, cực mục ngoạn phương thần.
Bảo sát dao thừa lộ, thiên hoa cận túc xuân.
Phạn chung giao nhị hưởng, pháp nhật chuyển song luân.
Tịch nhĩ chân tiên cảnh, siêu nhiên ly tục trần.

Diễn nghĩa:

Xe loan du lãm nơi phúc địa, phóng mắt lãm thưởng cảnh xuân tươi.
Chùa tháp khẽ lay sương mai đón, thiên hoa vướng vít khắp trời xuân.
Chuông chùa văng vẳng hai hồi gióng, mặt trời nhẹ chuyển hai Pháp Luân.
U nhã tĩnh mịch nơi tiên cảnh, siêu nhiên thoát khỏi cõi tục trần.

Vì Đường Thái Tông từng hồi loan đến chùa Linh Khê núi Không Sơn, còn ở lại đây sáu ngày. Vì thế chùa này được đổi tên thành chùa Hồi Loan, đồng thời hoàng đế còn cho dựng thêm ngôi miếu Long Thiên bên cạnh chùa để kỷ niệm.

Hoà thượng Chí Siêu đã viên tịch từ hơn 1300 năm trước nhưng câu chuyện về ông vẫn còn khiến người ta cảm thán mãi. Từ hoà thượng Chí Siêu chúng ta không chỉ thấy sự thành kính của ông đối với Phật Pháp mà còn thấy rằng khi Phật Pháp gặp nạn ông đã không quản ngại gian nan bước ra duy hộ Phật Pháp, cho đến khi đối diện với việc sinh mệnh gặp nguy hiểm thì có thể buông bỏ sinh tử, một lòng tu luyện Phật Pháp. Sự kính trọng đối với Phật Pháp và người tu luyện của Đường Cao Tổ Lý Uyên và Đường Thái Tông Lý Thế Dân cũng cho thấy trí tuệ của vị hoàng đế khai quốc và vị hoàng đế là minh chủ nổi tiếng của một triều đại.

Trích đăng từ “Câu chuyện Phật gia: Hoà thượng Chí Siêu
Đăng trên ChanhKien.org

Xem thêm:

Mời xem video: