Nền văn hóa truyền thống được truyền thừa suốt mấy ngàn năm lịch sử đã lưu lại rất nhiều trí tuệ, là những đạo lý nhân sinh để lại cho hậu thế. Có một câu tục ngữ không chỉ hàm chứa đạo lý, mà còn là lời cảnh tỉnh: “Bách thiện hiếu vi tiên, vạn ác dâm vi thủ”, trong trăm cái thiện thì hiếu thảo là việc tốt đẹp nhất, trong vạn cái ác thì tà dâm là chuyện đồi bại nhất.

Người xưa cảnh tỉnh: Bách thiện hiếu vi tiên, vạn ác dâm vi thủ
(Tranh minh họa thời Tống, Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Wikipedia, Public Domain)

Bách thiện hiếu vi tiên

“Hiếu kinh” viết rằng: “Hiếu là kinh của trời, là nghĩa của đất và là đạo hạnh của con người”. “Hiếu” là lẽ thường của thiên đạo xoay chuyển, là cái lý của đất nâng đỡ vạn vật, là đức hạnh mà con người nhất định phải thực hành.

Cha mẹ yêu thương con cái vừa là thiên tính vừa là nghĩa vụ, con cái hiếu kính cha mẹ là trách nhiệm, cũng là đạo làm người phải có. Một người nếu không có lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, người đã sinh ra và nuôi dưỡng mình, thì sẽ không có khả năng yêu thương người khác thực sự, càng không thể có tâm để ý tới sự hưng suy của xã hội, quốc gia. Bởi vậy mới nói “Bách thiện hiếu vi tiên”, cái gốc của sự thiện lương nằm ở chữ Hiếu.

Suốt mấy ngàn năm lịch sử, văn hóa truyền thống luôn đề cao lòng hiếu thảo của con người. Phàm là người hiếu kính với cha mẹ đều được mọi người tôn sùng, kính trọng và tán dương. Trong xã hội xưa, từ Thiên tử đến thần dân đều phải tận sức làm tròn bổn phận hiếu kính của người con đối với cha mẹ mình.

Sử sách ghi lại rất nhiều tấm gương hiếu đạo của người xưa, khiến chúng ta đọc lên phải tự thấy không bằng.

Vào triều đại nhà Thanh, ở cửa nam của huyện Vĩnh Thanh có một người ăn mày tên là Tiểu Trương. Mọi người thường gọi cậu là Trương ăn mày. Tiểu Trương sinh ra trong một gia đình bần cùng, cha mất sớm, mẹ mù lòa. Từ sau khi cha mất, Tiểu Trương đành phải dựa vào ăn xin để nuôi mẹ. Hai mẹ con họ không có nhà để ở nên đã trú tạm tại một ngôi miếu cổ cũ nát trong làng.

Một ngày nọ, tuyết rơi phủ trắng mặt đất. Quan tri huyện là Ngụy Kế Tề tình cờ đi qua ngôi miếu cổ cũ nát kia và nghe thấy tiếng hát từ bên trong truyền ra. Âm điệu tuy không phải là tuyệt hay, đặc sắc nhưng lại rất tình cảm, vui tươi và cảm động lòng người. Vị quan tri huyện liền tiến lại xem thì nhìn thấy một tên ăn mày đang cầm một chén rượu, quỳ gối dâng lên trước mặt một bà lão. Tên ăn mày vừa gõ vào bát, vừa cất lời hát, bà lão nở nụ cười ấm ấp.

Tiểu Trương nhìn thấy vị quan huyện đang ngó xem thì có chút giật mình, sau lại đáp rằng: “Thưa ngài, kẻ hèn mua vui cho mẹ.”

Ngụy Kế Tề nghe xong, cảm khái nói: “Ta sống đến từng này tuổi rồi mà còn chưa từng làm trò tiêu khiển cho mẹ vui như tên ăn mày này!” Về sau, ông cũng đem chuyện này kể lại cho mọi người, ai nấy đều cảm động trong lòng và lấy đó làm bài học cho mình.

Vạn ác dâm vi thủ

Người xưa cho rằng trong vạn việc ác thì tà dâm là việc ác đứng đầu và cũng là việc ác phải chịu quả báo nặng nề nhất, bởi vì căn nguyên của vạn cái ác trong thế gian không ngoài nguyên do xa hoa dâm đãng.

Người thời nay, nhất là giới trẻ, dù ít dù nhiều đều thường có tâm háo sắc phóng túng. Cổ nhân còn có một câu nói: “Sắc tự đầu thượng nhất bả đao”, trong Hán tự thì trên đầu chữ sắc là một cây đao. Một người bị sắc dục ảnh hưởng thì nhất định không có khả năng tự hạn chế, cuộc đời người ấy cũng sẽ dần dần xuất hiện lệch lạc, thậm chí làm nguy hại xã hội, tạo ra sự rối loạn và bất an cho xã hội. Trái lại, người không bị sắc dục chi phối thường là một người lương thiện, bởi họ đối với bản thân tự nhiên cũng có yêu cầu nghiêm khắc  hơn, tự ràng buộc được mình, phẩm cách của họ cũng cao thượng hơn.

Người không thể khống chế được ham muốn dục vọng của bản thân thì thuận theo đó những dục vọng không tốt khác cũng liền đến, hơn nữa vĩnh viễn không thỏa mãn được. Người ấy cũng sẽ thiếu đi liêm sỉ, không biết xấu hổ. Nếu không thể dừng lại thì cuối cùng người ấy sẽ tạo ra những ác nghiệp không thể vãn hồi.

Trong lịch sử có rất nhiều câu chuyện kể về kết cục của việc dâm dục. Cuốn “Khoa danh khuyến giới lục” ghi chép rằng:

Bùi Chương là người ở Hà Đông, Sơn Tây. Cha của Bùi Chương là bạn thân thiết của Đàm Chiếu pháp sư. Pháp sư Đàm Chiếu là người tinh thông tướng thuật. Ông xem tướng Bùi Chương, thiên đình đầy đặn, địa các tròn trịa, công danh sự nghiệp trong tương lai nhất định có thành tựu lớn.

Năm Bùi Chương 20 tuổi, anh ta lấy vợ tên là Lý Thị. Năm sau, Bùi Chương đến Thái Nguyên làm quan còn người vợ ở nhà. Mấy năm sau, Bùi Chương gặp lại pháp sư Đàm Chiếu, ông hết sức kinh ngạc nói: “Mấy năm trước, ta nhìn cậu có tướng hiển quý sao bây giờ lại đổi khác như vậy? Thiên đình đầy đặn của cậu trước đây sao bây giờ lại hõm vào như vậy? Địa các vốn tròn trịa sao bây giờ lại nhọn như vậy? Hơn nữa, lòng bàn tay còn có vùng khí đen, e rằng sẽ gặp họa, cậu nên đề phòng. Tướng của cậu trở nên như vậy, không biết là cậu đã làm việc thiếu đạo đức gì?“

Bùi Chương nghe xong liền ngẫm nghĩ lại những việc làm của mình mấy năm qua. Nghĩ đi nghĩ lại, Bùi Chương chỉ thấy duy nhất một việc trái với luân thường đạo lý là đã có hành vi dâm dục với một người phụ nữ ở Thái Nguyên, còn lại không làm việc gì thất đức cả.

Pháp sư Đàm Chiếu thở dài một hơi rồi nói: “Cậu vốn có tiền đồ rạng rỡ, vậy mà lại không biết trân quý mà cùng người phụ nữ khác hành dâm. Cậu đúng là đã tự hủy hoại phúc đức của mình, thật là quá đáng tiếc!“

Ít lâu sau, đúng như lời pháp sư nói, tai họa ập xuống Bùi Chương. Lúc anh ta đang tắm rửa thì bị người lẻn vào hành thích, con dao đâm trúng vào bụng mà chết. Không ai biết nguyên nhân khiến Bùi Chương bị đâm chết.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: SOS: “Dâm thư” nguy hiểm đang núp bóng sách dành cho trẻ em