Trong “Minh tâm bảo giám” có một đoạn viết: “Tâm an mao ốc ổn, tính định thái căn hương. Thế sự tĩnh phương kiến, nhân tình đạm thuỷ trường”, ý tứ là một người tâm mà an thì ở nhà tranh cũng ổn, tính mà định thì ăn rễ rau cũng thấy thơm, việc đời phải yên tĩnh mới thấy rõ, tình người đạm nhạt vô dục mới được lâu dài.

Tâm an thì ở nhà tranh cũng ổn, tính định ăn rễ rau cũng thấy thơm
(Tranh minh họa: Xuân tuyền tiểu ẩn đồ, Họa sĩ Chu Thần, Public Domain)

Một người nếu tâm bất an sẽ vĩnh viễn không có cảm giác ổn định, vững vàng. Người mà trong lòng có dục vọng, ham muốn quá mạnh thì vĩnh viễn không thể trải nghiệm được cảm giác nhấm nuốt rau mà vẫn cảm nhận được hương vị thơm ngon của cuộc sống. Chỉ người nào có tâm an, tính định mới có thể an yên, vui vẻ với cuộc sống mộc mạc, giản dị, mới có thể hưởng thụ được cảm giác tiêu sái, thong dong.

Muốn thân an thì điều quan trọng trước hết phải là giữ tâm an. Một khi có tâm an thì tính cách cũng ổn và thân thể cũng liền theo đó mà trở nên thả lỏng. Người như vậy sẽ sống khỏe mạnh và vui vẻ.

Xã hội ồn ào náo nhiệt, khiến cảm xúc và tâm thái của con người luôn bị động theo. Người ta dễ dàng nảy sinh những cảm xúc phẫn nộ, hoài nghi mà “ăn không ngon, ngủ không yên”. Cho dù trước mặt người ấy có đủ sơn hào hải vị thì họ cũng không nuốt được, sao còn nói đến cảm nhận hương vị đây?

Nhiều người dù ở nhà cao cửa rộng vẫn suốt ngày phiền não, buồn rầu. Có không ít người mà thân ở trong những căn hộ xa hoa nhưng lại cảm thấy cô đơn giống như ở trong nhà giam, căn bản là không thể hưởng thụ cuộc sống an ổn.

Sở dĩ người ta không đạt được tâm an, luôn thấy lo âu phiền não, phần nhiều là vì bị chi phối bởi những “được, mất”, những “danh, lợi, tình” trong cuộc đời.

“Tâm an” thực chất là một loại cảnh giới, không nhất thiết phải thật sự ở nhà tranh, ăn rễ rau… Những vị hiền triết thời cổ đại, sau khi đã nhìn thấu sự phiền não trong con đường theo đuổi danh lợi, thì thường thường lựa chọn cuộc sống thanh bần để ẩn cư. Họ vui với cuộc sống điền viên, tĩnh lặng thưởng trà ngắm trăng sáng, làm một người “mắt điếc tai ngơ”, không màng thế sự.

Cũng có những người ở nơi phồn hoa đô thị mà vẫn hiểu rõ những điều huyền ảo trong cuộc đời. Họ mặc dù “thân ở nơi phố xá nhưng tâm lại như nước chảy”, không màng danh, không tranh công đoạt lợi.

Cho nên người hiền đức thời xưa ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có thể ngủ mà không nằm mộng, tỉnh dậy thì không lo không sầu, ẩm thực không cầu quá ngon. Cái “an” của họ không chỉ khiến họ “vô lo vô ưu” mà còn là thái độ lạc quan xử thế, sống tự do tự tại.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: