Cha mẹ, vợ chồng và anh em là ba mối quan hệ quan trọng nhất trong một gia đình. Cho dù ngày nay không chung sống cùng nhau, tam-tứ đại đồng đường như thời xưa, thì mối quan hệ giữa anh em vẫn ảnh hưởng rất nhiều đến sự thịnh suy, lâu dài của một gia đình, gia tộc.

Đạo chung sống giữa anh chị em: Nhường nhịn thì sẽ dư đủ
(Tranh: Họa sĩ Diêu Văn Hãn thời Thanh, Public Domain)

Trong sách “Đệ Tử Quy” viết: “Tài vật khinh, oán hà sinh, ngôn ngữ nhẫn, phẫn tự mẫn”. Nếu anh chị em trong một gia đình mà không ai tham lam tài vật thì giữa anh chị em nhất định sẽ không xảy ra oán hận nào cả. Còn đối với những lời nói không thỏa đáng mà anh chị em có thể khoan dung nhường nhịn, bỏ qua được cho nhau thì phẫn hận tự nhiên cũng sẽ tiêu tan.

Cho nên tục ngữ mới nói: “Nhượng tắc hữu dư, tranh tắc bất túc”, anh em nhường nhịn thì thứ gì cũng dư đủ, còn tranh giành thì sẽ thiếu hụt. “Huynh đệ hòa mục gia bất tán, Trục lí hòa khí thuận khí hoàn”, anh em hòa thuận thì gia đình không bị tiêu tan, chị em dâu hòa thuận thì không khí gia đình dễ chịu. Trong một gia đình, anh chị em nhường nhịn nhau thay vì tranh giành thì không chỉ khiến không khí gia đình vui vẻ thoải mái mà còn khiến cha mẹ yên lòng. Bởi vậy, anh em hòa thuận, yêu thương che chở cho nhau cũng là một cách thể hiện lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ.

Những câu chuyện về anh em tranh giành tài vật, quyền lợi mà nảy ác tâm có rất nhiều. Ví như câu chuyện rất nổi tiếng trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa, kể về hai người con của Tào Tháo là Tào Phi và Tào Thực. Sau khi Tào Phi lên ngôi Hoàng đế, vì để củng cố vương vị của mình nên đã một mực muốn diệt trừ người em tài hoa là Tào Thực.

Một lần, Tào Phi nói với Tào Thực: “Nội trong vòng bảy bước chân, ngươi phải làm cho ta một bài thơ, bài thơ mang ý tứ huynh đệ nhưng lại không được dùng hai từ huynh đệ. Nếu như ngươi không làm được, ta sẽ giết ngươi.”

Tào Thực thấy anh trai dù đã làm Hoàng đế nhưng vẫn không buông tha cho mình thì trong lòng cảm thấy vô cùng ưu thương. Trong vòng bảy bước chân, Tào Thực quả nhiên đã đọc ra một bài thơ:

Chử đậu trì tác canh,
Lộc thị dĩ vi trấp,
Cơ tại phủ há nhiên.
Đậu tại phủ trung khấp,
Bản tự đồng căn sinh,
Tương tiễn hà thái cấp.

Nghĩa là:

Đun đậu nấu làm canh,
Lọc đậu để lấy nước.
Cành đậu đốt ở dưới nồi,
Hạt đậu ở trong nồi khóc.
Vốn từ một gốc sinh ra,
Sao lại đốt nhau khốc liệt như vậy?

Tào Thực dùng đậu và thân cây đậu để so sánh với huynh đệ cùng cha mẹ (cùng gốc) sinh ra, dùng hình ảnh nấu đậu để liên tưởng đến cảnh huynh đệ, cốt nhục giết hại lẫn nhau khiến hình ảnh trở nên sinh động và nội dung sâu sắc. Câu chuyện làm bài thơ trong bảy bước của Tào Thực đã trở thành một giai thoại và khiến người đời không khỏi xót xa.

Kỳ thực, những câu chuyện anh em vì tranh đoạt vương vị hay tài sản mà giết hại lẫn nhau như vậy có rất nhiều. Nhưng cũng có rất nhiều câu chuyện anh em nhường nhịn nhau mà lưu danh sử sách, được người đời tán dương ca tụng.

Vào những năm cuối triều nhà Thương, nước Cô Trúc là một nước chư hầu nhỏ bé. Vua nước Cô Trúc có ba người con trai, trong đó người con lớn là Bá Di, người con thứ hai là Á Bằng, người con thứ ba là Thúc Tề.

Vua nước Cô Trúc rất yêu quý Thúc Tề nên muốn sau này lập Thúc Tề làm vua. Nhưng dựa theo lễ chế thì cần phải lập người con trai cả làm vua. Khi vua cha mất, Thúc Tề một mực không nhận ngôi vua, nhất quyết nhường ngôi cho anh cả Bá Di. Nhưng Bá Di muốn tôn trọng di nguyện của cha nên cũng một mực không nhận.

Cuối cùng Bá Di bỏ trốn khỏi nước, Thúc Tề thấy vậy cũng trốn đi. Bởi vì hai anh em đều nhường nhịn nhau không nhận ngai vị nên các đại thần đành phải lập người con thứ hai là Á Bằng lên làm vua. Người đời sau vì vậy đánh giá rất cao đức hạnh của Bá Di và Thúc Tề, lấy đó làm gương về sự nhường nhịn.

Những câu chuyện trên khiến cho chúng ta nhìn thấy rõ sự “Tranh giành” “Nhường nhịn” giữa anh em trong gia đình. Con người sống trong xã hội đại đa số là có dục vọng, nếu muốn thứ gì mà không thể đạt được thì sẽ dốc lòng theo đuổi. Nếu một người chỉ một mực theo đuổi mà không có hạn độ thì sẽ xảy ra tranh đoạt, giành giật. Khi càng xảy ra tranh đoạt giành giật thì sẽ càng hỗn loạn, một khi có hỗn loạn thì sẽ lâm vào khốn cảnh, tàn sát.

Bậc thánh nhân thời cổ đại bởi vì hy vọng con người không lâm vào khốn cảnh cho nên đã chế định ra lễ nghĩa, phép tắc, khiến con người có hạn độ trong dục vọng và vật chất. Nhờ vậy mà rất nhiều người sẽ không bởi vì vật chất ít mà không thỏa mãn, vật chất cũng không bởi vì dục vọng của con người mà trở nên cạn kiệt. Đây được xem là khởi nguyên của Lễ. Nếu trong một gia đình, rộng lớn hơn là một xã hội ai ai cũng tuân thủ theo lễ nghĩa, phép tắc thì việc tranh giành, tàn sát sẽ không khốc liệt, thậm chí không xảy ra.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: