Tô Thức, hiệu Đông Pha cư sĩ, là nhà văn, nhà thư pháp, thi sĩ thời Bắc Tống. Ông cùng với cha là Tô Tuân và em là Tô Triệt được xưng là “Tam Tô”. Tô Đông Pha không chỉ được biết đến là một thi nhân mà còn được biết đến là một người hiểu đạo dưỡng sinh và ẩm thực.

Phàm là những nơi mà Tô Thức từng đi qua hay những địa phương mà Tô Thức từng sinh sống thì đều có những món ăn có tên Đông Pha, ví như món thịt Đông Pha, món chân giò Đông Pha, món cá Đông Pha, món đậu hũ Đông Pha, món bánh phục linh Đông Pha, món súp Đông Pha… Đằng sau mỗi một món ăn này đều có một câu chuyện đẹp, truyền tụng những điều tốt đẹp mà Tô Đông Pha để lại cho người đời.

Đạo dưỡng sinh và ẩm thực của Tô Đông Pha
(Tranh minh họa: Họa sĩ Trần Hồng Thụ thời Minh, Wikipedia, Public Domain)

Thuận theo tự nhiên khi lựa chọn và chế biến món ăn

Tô Đông Pha viết trong “Hậu kỷ cúc phú”: “Xuân thực miêu, hạ thực diệp, thu thực hoa thật nhi đông thực căn, thứ kỉ hồ tây hà nam dương chi thọ”, ý nói mùa xuân ăn cây con, mùa hạ ăn lá, mùa thu ăn hoa quả, mùa đông ăn rễ. Tô Đông Pha cho rằng, tinh hoa tự nhiên của trời đất thay đổi theo mùa, tích tụ ở các bộ phận khác nhau của thực vật. Ăn những thực vật phù hợp với sự thay đổi tự nhiên thì có thể giúp dưỡng sinh trường thọ. Điều này cũng nói cho chúng ta biết rằng chế độ ăn uống và chăm sóc sức khỏe của con người cần phải hòa hợp với tự nhiên, tuân theo tự nhiên, đạt được sự hài hòa và thống nhất với tự nhiên. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể từ trong hương vị của món ăn mà đạt được sự hài hòa về thể chất và tinh thần.

Tô Đông Pha là người yêu thích ăn ngon. Khi chế biến món ăn, ông chú trọng đến bản sắc của nguyên liệu thực phẩm. Việc phối hợp nguyên liệu cũng được làm một cách đơn giản nhất để giữ lại tối đa hương vị nguyên bản của món ăn. Ông cho rằng ăn thực phẩm tự nhiên mới có thể kéo dài được tuổi thọ. Vì vậy, khi chế biến món ăn, ông rất chú ý không trộn lẫn nhiều vị.

Ví như món thịt Đông Pha, khi Đông Pha chế tạo ra món ăn này, ông đã nói rằng, “đừng vội dùng lửa lớn nấu chín, lửa vừa đủ sẽ tốt hơn”. Sự thay đổi độ lửa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự thay đổi hương vị món ăn. Nên nấu bằng củi, điều chỉnh nhiệt độ và nấu từ từ thì khi chín nó sẽ có vị ngon tự nhiên. Khi kiểm soát được nhiệt chính xác thì sẽ giữ lại được chất dinh dưỡng và hương vị tự nhiên của món ăn. 

Đói mới ăn và dừng trước khi no

Tô Đông Pha từng nói: “Tảo vãn ẩm thực, bất quá nhất tước nhất nhục. Hữu tôn khách thịnh soạn, tắc tam chi, khả tổn bất khả tăng”, nghĩa là một ngày không uống quá một chén rượu, không ăn quá một loại thịt. Nếu có mời khách quý tới ăn cơm thì cũng không thể làm vượt quá ba món thịt.

Sở dĩ Tô Đông Pha tiết chế trong ăn uống như vậy là bởi vì ông cho rằng: “An phận tăng phúc khí, thiểu cật nhượng tràng vị thư sướng, tiết kiệm thị mỹ đức”, an phận làm tăng phúc khí, ăn ít giúp dạ dày dễ chịu, tiết kiệm là đạo đức tốt đẹp.

Khi đói mới ăn và dừng lại trước khi no không những giúp con người kiểm soát được thể trọng của bản thân mà còn giúp ngăn ngừa sự xuất hiện của các bệnh mãn tính khác. Vì thế, đồ ăn dù có ngon đến đâu đi nữa cũng phải học cách ăn điều độ, chỉ nên ăn no khoảng bảy phần, không được tham ăn tham uống. 

Những tìm hiểu khác về dưỡng sinh

Tô Đông Pha không chỉ am hiểu giá trị dưỡng sinh từ thực vật tự nhiên mà ông còn nói rằng “y học là thuật nhân từ”. Chính vì thế, ông luôn có lòng trắc ẩn từ ái, sẵn sàng chia sẻ nguyên lý và kỹ thuật chữa bệnh với người khác. Ông cũng luôn chia sẻ với người khác về những bài thuốc hay phương pháp chữa bệnh hiệu quả mà ông đã từng trải nghiệm qua hoặc nhìn thấy. Có lần, thiền sư Đông Lâm Quảng Huệ bị đau cánh tay, sau khi Tô Đông Pha biết chuyện, đã kiến nghị thiền sư sử dụng “Hổ cốt tán”“Uy linh tiên hoàn”vì ông đã sử dụng nhiều lần để chữa đau tay.

Tô Đông Pha còn có những châm ngôn dưỡng sinh như “Vô sự dĩ đương quý” (không lo nghĩ là quý), “Tảo tẩm dĩ đương phú” (đi ngủ sớm là tài phú), “An bộ dĩ đương xa” (đi bộ nhiều hơn thay cho đi xe).

“Vô sự dĩ đương quý” nghĩa là người ta không nên nghĩ quá nhiều đến công danh lợi lộc, vinh nhục, được mất. Nếu một người có thể giữ tâm thái tiêu sái phóng khoáng, thích ứng với mọi hoàn cảnh, không truy cầu điều gì thì họ có thể sống khỏe mạnh và trường thọ hơn cả khi có được sự giàu có. 

“Tảo tẩm dĩ đương phú” nghĩa là nên dưỡng thành những thói quen tốt đẹp như ngủ sớm dậy sớm… vì chúng còn quý giá hơn bất kể tài phú gì. Ăn ngon mặc đẹp, giàu có sung túc thường thường không phải là điều khiến con người sống lâu khỏe mạnh.

“An bộ dĩ đương xa”, nghĩa là một người không nên an nhàn quá mức mà nên vận động nhiều hơn, đi bộ nhiều hơn thay cho đi xe. Vận động nhiều mới có thể giúp khí lực khỏe mạnh và làm lưu thông khí huyết.

Một người nên sống một cuộc sống tích cực và lạc quan, không quan tâm quá nhiều đến được mất, sẵn sàng đón nhận mọi việc khi chúng đến, hình thành thói quen tốt như đi ngủ sớm và dậy sớm, vận động để duy trì cơ bắp và xương cốt, giữ tâm trạng vui vẻ, thì có thể cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, kéo dài tuổi thọ.

Theo Sound Of Hope
Tác giả: Mục San
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: