Từ xưa đến nay, những nhân sĩ có tri thức đều lấy dân làm gốc, lấy đức phục người, bởi vì thiện tâm và nghĩa lý mới có thể động đến tâm người, mới có thể khiến người được cảm hóa và tỉnh ngộ. Các vị quan nhân từ chính trực thời xưa đều công chính không tư tâm, lấy đức phục người, dùng đức giáo hóa dân chúng nên được dân chúng ủng hộ và yêu mến.

Đạo làm quan: Dù mất chức cũng không hại người
(Tranh minh họa: Council Auction House, Public Domain)

Trong “Tân Nguyên sử, Liệt truyện, Tuần lại” có ghi chép về một vị quan là Tăng Xung Tử của triều Nguyên. Năm Chí Nguyên thứ 24 (1287), ông được bổ nhiệm chức Đề hình án sát tư ở tỉnh Phúc Kiến. Thời bấy giờ, vị trí địa lý của tỉnh Phúc Kiến xa xôi hiểm trở, quan lại lạm dụng chức quyền sách nhiễu dân chúng, tước đoạt kế sinh nhai của họ, khiến nhiều người lương thiện trở thành đạo tặc, phải rời bỏ quê hương đi vào trong núi sâu lẩn trốn.

Sau khi Tăng Xung Tử đến nhậm chức, việc đầu tiên là ông dán cáo thị kêu gọi bách tính đang tụ tập trong núi sâu, giặc cỏ và trộm cướp, nếu muốn rời khỏi sơn trại trở về làm lương dân thì sẽ được miễn tội. Sau khi đọc cáo thị, nhiều người đã nắm lấy cơ hội để hoàn lương, họ đến nha phủ tự thú, xếp thành một hàng dài. Tất cả bọn họ đều được tha tội, và trở thành những người dân lương thiện.

Khi Ngô Mạn Khánh, quan Ngự sử phụ trách giám sát của triều đình nghe nói về sự việc này, ông đã rất đỗi vui mừng và tán thành cách làm của Tăng Xung Tử.

Không lâu sau khi Tăng Xung Tử nhậm chức thì xảy ra một vụ cướp. Quan phủ đã bắt giữ 19 nghi phạm, xét xử và phán quyết họ tội tử hình.

Sau khi Tăng Xung Tử xem xét lại lời khai của các phạm nhân trong hồ sơ vụ án, ông nói: “19 người này không phải là đạo tặc.” Ông yêu cầu xử phúc thẩm vụ án và phóng thích những người vô tội này ra.

Nếu không phá được các vụ án trộm cướp xảy ra trong vùng, các quan viên đều sẽ bị liên đới. Chính vì vậy, những quan viên liên quan đến việc điều tra vụ án đều muốn trừng phạt 19 người này. Khi họ thấy Tăng Xung Tử muốn phóng thích 19 người này, họ liền kịch liệt phản đối. Tăng Xung Tử phẫn nộ nói: “Chức quan của ta không đáng để luyến tiếc, nhưng sinh mệnh của 19 người này thì làm sao đây?” Ông đã cực lực biện hộ cho 19 người đó.

Không lâu sau thì bắt được đạo tặc thực sự, tang chứng vật chứng đều đủ cả. Các quan viên đều cảm thấy hổ thẹn vì sự ích kỷ của họ, và tâm phục sự chính trực của Tăng Xung Tử.

Theo “Thẩm tra lại án oan, phóng thích người vô tội
Đăng trên Minghui.org
Nguyên Qua biên tập

Xem thêm:

Mời nghe radio: