Con người khi đứng trước danh, lợi, quyền thế sẽ rất khó để khống chế dục vọng của bản thân mình. Đặc biệt, một người làm quan có chức vị càng cao, nắm giữ quyền lực càng lớn trong tay, lại càng khó khống chế hơn nếu họ không có đạo đức cao thượng. Người quân tử có đức, vì không tham mà gìn giữ được sự trong sạch của lương tri, vì nhân nghĩa nên đi tới đâu sẽ mang phúc lành tới đó.

Thi sĩ Đào Uyên Minh: Người không tu Đạo mà đã ở trong Đạo
(Tranh minh họa: Họa sĩ Thạch Đào, thời Minh – Thanh, Wikipedia, Public Domain)

Chu Đôn Di, tự Mậu Thúc, hiệu Liêm Khê, là người Doanh Đạo, Đạo Châu triều Tống, thế nhân gọi ông là “Liêm Khê tiên sinh”. Ông từ nhỏ thích đọc sách, “lấy các tấm gương tiết tháo để khích lệ bản thân, coi sự hiển quý kiệu xe mũ mão, sự giàu có vàng bạc châu báu nhỏ bé như hạt bụi”, cho rằng “người quân tử coi việc trau dồi Đạo là cao quý, coi việc thân an lành là giàu có”. Ông làm quan thanh liêm chính trực, nổi tiếng là viên quan thanh liêm, phán xử sáng suốt, nhiều lần minh oan cho người tù tội, dám lên tiếng vì người dân. Ông coi trọng giáo hóa, “Dùng việc học Đạo để dẫn dắt trí thức, trí thức đều theo sự giáo hóa của ông”. Sử sách ca ngợi ông là “Chí hướng cao xa, học rộng thực hành mạnh mẽ, có phong thái của người xưa”. Chuyện về ông được ghi chép trong “Tống sử”.

Năm 24 tuổi, Chu Đôn Di được triều đình bổ nhiệm làm Chủ bạ huyện Phân Ninh, Hồng Châu. Khi đó nhà tù của huyện đang giam giữ rất nhiều phạm nhân, hồ sơ các vụ án bị kéo dài rất lâu không phán xử. Sau khi nhậm chức, ông lập tức thẩm án, xử lý theo pháp luật, đối với một số người dân vô tội bị giam giữ, ông phóng thích cho về nhà. Có một vụ án lâu năm, do tình trạng vụ án phức tạp, đã kéo dài chưa xét xử được, Chu Đôn Di tiếp nhận liền “lập tức thẩm vấn xét xử”, chỉ thẩm vấn 1 lần liền ngay lập tức làm rõ sự tình và có phán quyết. Trước sự việc này, người trong huyện không ai là không thán phục và ca ngợi.

Chu Đôn Di rất nhanh chóng được tiến cử làm Tham quân lo liệu việc của quân Nam An, và vẫn phụ trách việc xử án. Khi đó có một phạm nhân, căn cứ theo pháp luật thì không đáng bị phán xử tử hình, nhưng Chuyển vận sứ của quân Nam An là Vương Quỳ muốn xử nặng, khăng khăng xử tử. Vương Quỳ khi đó nổi tiếng hung hãn tàn ác, các quan dù nhận thấy vụ án này phán xử sai, nhưng sợ quyền thế, không ai dám đứng ra nói. Duy chỉ có Chu Đôn Hi bước ra, dùng lý lẽ dốc sức tranh biện. Khi thấy Vương Quỳ hoàn toàn không nghe, Chu Đôn Di lập tức từ quan ra đi, và nói: “Như thế này mà vẫn có thể làm quan sao? Coi thường mạng người lấy lòng thượng cấp”. Câu nói này khiến Vương Quỳ tỉnh ngộ, từ bỏ ý đồ ban đầu, tù phạm được may mắn thoát chết. Sau việc này, Vương Quỳ không chỉ khen ngợi sự hiền năng của Chu Đôn Di mà còn dốc hết sức tiến cử ông với triều đình.

Không lâu sau, Chu Đôn Di được điều làm Tri huyện Nam Xương. Người Nam Xương vui mừng. Những tên tiểu lại xảo quyệt của nha môn và những kẻ xấu ác đều sợ hãi bất an, không chỉ lo lắng mà còn cảm thấy xấu hổ.

Khi Chu Đôn Di đảm nhiệm chức Thông phán Hợp Châu, những sự việc không qua tay ông xử lý thì những người bên dưới không dám quyết định, cho dù là giao cho làm thì người dân cũng không nguyện ý phục tùng.

Khi đảm nhiệm Phán quan vận chuyển Quảng Đông, Chu Đôn Di điểm lại những người bị tội tù, coi việc minh oan cho người vô tội là trách nhiệm bản thân, không quản gian khổ đi tuần tra những khu vực mà ông cai quản, cho dù là nơi chướng khí và xa xôi hiểm trở, ông cũng đi tuần tra xem xét. Khi ông đến Đoan Châu, nơi nổi tiếng với nghề làm nghiên mực, người dân địa phương đem tố cáo chuyện Tri châu lũng đoạn toàn bộ việc khai thác đá làm nghiên mực. Chu Đôn Di làm rõ, phát hiện ra Tri châu các đời đều làm việc này, bèn xử lý, đồng thời đề xuất lên triều đình quan địa phương không được tham gia khai thác đá, hơn nữa bản thân quan địa phương mỗi người không được lấy quá hai nghiên mực. Tấu sớ của ông được triều đình phê chuẩn. Thế là ông đã trả quyền khai thác đá làm nghiên mực lại cho người dân.

Chu Đôn Di coi trọng việc giáo hóa, mỗi khi đến một địa phương làm quan, ông đều đề xướng xây dựng trường học, phát triển giáo dục, đồng thời tận dụng thời gian lên lớp giảng dạy. Nhân phẩm và học thức của ông từng cảm động rất nhiều người đến theo ông học tập.

Năm Chu Đôn Di 30 tuổi, quan Đại Lý Tự là Trình Hướng vốn từ lâu đã nghe danh tiếng Chu Đôn Hi là người cương trực, giỏi xử án, “thấy ông khí mạo phi thường, nên dùng luận đàm, biết ông là người học đạo, nên đã kết bằng hữu với ông”. Trình Hướng để hai người con trai của mình là Trình Hạo và Trình Di bái ông làm thầy. Sau này, Trình Hạo, Trình Di đều trở thành những nhà giáo dục nổi tiếng. Sau này, cả hai người đều cảm khái về thời niên thiếu được thầy giảng đạo, nên “vui thích và có chí cầu đạo”.

Khi nhậm chức Thông phán Cán Châu, Chu Đôn Hi và Triệu Biện đã gây dựng tình bạn sâu sắc. Triệu Biện khâm phục Chu Đôn Di có phong thái “tấm lòng phóng khoáng lỗi lạc”. Chu Đôn Di thì kính trọng Triệu Biện có bẩm tính “cương trực không a dua, thiết diện vô tư”. Cả hai muốn thông qua việc dạy học để giúp đỡ những người đọc sách tăng cường tu dưỡng tự thân, gây dựng phong trào học tập trong xã hội, từ đó nâng cao tố chất của người dân. Hai người cùng nhau lập ra trường học “Thanh Khê thư viện”, đồng thời giảng dạy trong trường. Triệu Biện giảng “Cẩn thận ngay cả khi ở một mình, đó là cánh cửa bước vào đạo đức”. Chu Đôn Di giảng “Người quân tử không có lỗi lầm lặp lại”, ý nghĩa đều là đạo làm người nghiêm khắc yêu cầu bản thân, được mọi người yêu thích đón nhận. Mỗi khi họ đến giảng dạy, “sĩ tử đến theo học rất đông”, toàn bộ trường học không còn chỗ trống. Dưới sự khởi xướng của hai người, Kiền Châu hiển hiện cảnh tượng phồn vinh, nền chính trị trong sáng, trăm nghề hưng thịnh, phong thái người dân thuần khiết chất phác.

Chu Đôn Hi coi nhẹ danh lợi, không bao giờ dùng quyền để mưu đồ cá nhân. Ông đã viết bài thơ “Nhậm sở ký hương quan cố cựu” cho người trong dòng tộc ở quê hương, trong bài thơ có câu “quan thanh liêm được mộng hồn yên”, đã nói ra tôn chỉ làm quan của ông. Ông nói như thế, cũng làm như thế, và từng tự thuật rằng: “Khoai rau đủ qua năm, ăn mặc là áo vải. Ấm no là phú quý, khỏe yên là vô giá. Ta vui dễ hài lòng, liêm khiết sớm tối răn”.

Qua đó có thể thấy sự kiên trì tiết tháo và tôn chỉ của ông. Tuy làm quan các nơi, nhưng bổng lộc của ông rất ít. Cho dù như thế, ông vẫn dùng phần lớn lương bổng của mình để tài trợ cho người khác, bản thân ông thanh bần nhưng chưa bao giờ ông coi đó là cái khổ, trái lại, ông sống rất yên vui. Một lần ông bị bệnh, một người bạn đến thăm ông, cảm thán rằng: “Nhìn vào nhà ông ấy, ăn mặc trang phục như của người hầu, cũng chỉ có 1 chiếc rương cũ, không nổi trăm tiền, không ai là không phục ông ấy. Đây là những điều chính mắt tôi trông thấy”. Thân làm quan châu, cuộc sống đơn giản chất phác như thế này, sao có thể không khiến người ta kính phục được!

Trong bài thơ “Ký Chu Mậu Thúc” của mình, Triệu Biện có viết: “Thơ bút không nhàn quan đích thực, tụng đình vô sự dân hân hoan”, ca ngợi Chu Đôn Di khi nhậm chức, việc kiện tụng, xử án hầu như không còn, dân chúng hân hoan.

Tô Thức cũng đã từng cảm khái nói rằng: “Tiên sinh vốn toàn đức, thanh liêm lui một góc”.

Trong bài tự của tập thơ “Liêm Khê thi”, Hoàng Đình Kiên cũng ca ngợi ông rằng: “Nhân phẩm rất cao, tấm lòng phóng khoáng lỗi lạc, trong sạch như cảnh vật sau cơn mưa”.

“Trong sạch như cảnh vật sau cơn mưa” cũng đã trở thành thành ngữ lưu truyền lại đời sau, ý nghĩa gốc là cảnh tượng trong sáng tinh khiết của vạn vật sau khi mưa tạnh, cũng thường dùng để ví tấm lòng, cái tâm rộng mở của con người. Mọi người khâm phục cách Chu Đôn Di làm người, làm quan, tu học, mỗi khi ông đến nơi nào thì đều được người dân nơi đó kính yêu.

Chu Đôn Di từng xây dựng thư đường ở chân núi Lư Sơn. Do trước thư đường có một con suối, nên ông đặt tên là Liêm Khê, để nói nên chí hướng thanh bạch, và xây dựng trường học Thanh Khê thư viện ở đó, những năm cuối đời, ông về quy ẩn nơi này. Có lúc ông đọc kinh tham ngộ Đạo, giao du với cao tăng, Đạo sĩ, có lúc ông giảng dạy, giáo dục người. Cả cuộc đời, ông rất yêu hoa sen, ông đào một cái hồ trước thư đường, đặt tên là Liên Trì, trồng hoa sen, dùng sự thanh cao tinh khiết của hoa sen để gửi gắm tâm chí cả đời mình.

Trong tác phẩm “Ái liên thuyết” nổi tiếng của mình, ông viết: “Tôi chỉ yêu hoa sen, mọc ra từ bùn lầy mà không nhiễm bẩn, giỡn với sóng xanh mà không lơi lả, bên trong trống rỗng thông đạt mà bên ngoài thẳng tắp, không dây leo không cành nhánh, hương càng xa càng thơm dịu… hoa sen, loài hoa của người quân tử”. Có thể nói, hoa sen cũng giống như Chu Đôn Di vậy, ông cũng giống hoa sen vậy. Phong thái quân tử thanh cao thanh khiết như hoa sen, chính là tấm gương chân thực ở bất kỳ hoàn cảnh nào ông cũng làm được kiên trì chí hướng tiết tháo không lay chuyển đó. Đọc “Ái liên thuyết” khiến người ta sản sinh sức mạnh tinh thần gạn đục khơi trong, quét sạch bụi trần, khích lệ thế nhân, bất kể trong hoàn cảnh nào cũng kiên trì chân lý và đạo nghĩa, không chung đường chung lối với sự xuống dốc của xã hội, không đi lầm đướng với thứ ác, trước sau bảo trì chân ngã của mình, mỹ đức như hương thơm hoa sen, càng xa hương càng dịu dàng thanh khiết.

Theo “Sáng trong như cảnh vật sau cơn mưa, nhân phẩm như hoa sen
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Vũ Tường

Xem thêm:

Mời xem video: