Kinh Dịch: Trí giả mượn lực mà hành
- An Hòa
- •
Mỗi người đều mong muốn bản thân mình có một cuộc đời sung túc và thuận lợi, nhưng xuất thân bần hàn, vận khí không tốt, năng lực không đủ đều là những trở ngại khiến người ta không có được cuộc đời như mong muốn. Làm sao để hóa giải những điều này và đi đến thành công? Kinh Dịch chỉ ra một cách chính là “mượn lực”. Một người hiểu được “mượn lực” thì cuộc đời mới có thể đi đến hướng thành công một cách nhanh chóng và lâu dài nhất.
Trong quẻ Ly của Kinh Dịch viết: “Lục ngũ chi cát, li vương công dã”, ý tứ là nói hào vị Sáu Năm của quẻ Ly có thể đạt được cát tường là bởi vì nó được trợ giúp của quý nhân. Trong cuộc sống, không ít người vốn không có năng lực lớn mạnh, và đối với họ mà nói thì đạt được thành công là điều khó khăn, vậy nhưng họ vẫn làm được việc lớn. Nguyên nhân trọng yếu chính là họ có quý nhân chỉ bảo, trợ giúp.
Vô luận là trong lịch sử hay ở trong cuộc sống hiện tại, sau lưng rất nhiều nhân sĩ thành công, người làm thành được việc lớn đều có quý nhân. Họ nhận được sự dìu dắt, sự chỉ bảo và trợ giúp của quý nhân, nhờ quý nhân mà thành tựu, thậm chí thành tựu vượt xa quý nhân.
Nói về tầm quan trọng của “mượn lực”, Tuân Tử viết: “Người nhờ vào ngựa xe, không phải họ đi đường giỏi, nhưng có thể đi xa đến ngàn dặm. Người nhờ vào thuyền bè, không phải là giỏi bơi lội, nhưng có thể vượt sông Trường Giang. Tính của người quân tử không phải lạ hơn người khác, chỉ là vì họ khéo nhờ vào vật ở bên ngoài mà thôi.”
Trong lịch sử rất nhiều quân vương, chí sĩ, người công thành danh toại, không có ai là không có ngoại lực trợ giúp mà hoàn thành việc lớn. Thời Xuân Thu, nếu không có Bào Thúc Nha cực lực tiến cử thì Quản Trọng sẽ khó có thể trở thành Tể tướng, cũng khó có cơ hội để thi triển tài năng của mình, khiến nước Tề trở thành nước hùng mạnh nhất và Tề Hoàn công được tôn lên đứng đầu Ngũ bá. Vậy nên nhà chính trị gia, nhà quân sự và nhà tư tưởng Quản Trọng phải thốt lên rằng: “Sinh ra ta ấy là cha mẹ ta, mà hiểu ta ấy là Bảo Thúc Nha vậy.”
Hán Cao Tổ Lưu Bang đánh bại được Hạng Vũ hùng mạnh thành lập vương triều Tây Hán. Ông không phải người quá đức hạnh, trước khi khởi nghĩa thì ham rượu ham sắc, hay xem thường kẻ dưới, có thể chung trí trong họa nạn nhưng không thể cùng người hưởng phúc. Tuy vậy Lưu Bang rất biết quyền biến và trọng dụng người cần thiết. Lúc ấy sát cánh bên Lưu Bang là Trương Lương, Hàn Tín và Tiêu Hà, ba người được coi là “Hán sơ tam kiệt”, cũng tức là ba anh hùng hào kiệt giúp Lưu Bang dựng nên nghiệp đế.
Lưu Bang cũng nói rằng, phàm việc mưu tính trong màn trướng mà quyết định được chiến thắng ở ngoài nghìn dặm thì ông không bằng được Trương Tử Phòng. Trị nước nhà, vỗ yên trăm họ, vận tải lương thực không bao giờ đứt thì ông không bằng được Tiêu Hà. Nắm trong tay trăm vạn quân đã đánh là nhất định thắng thì ông không bằng được Hàn Tín. Ba người này đều là những kẻ hào kiệt. Bởi vì Lưu Bang biết dùng họ cho nên mới lấy được thiên hạ.
Một người khác cũng giỏi “mượn lực” là Lưu Bị, vua Thục Hán thời Tam Quốc. Lưu Bị là người không giỏi binh pháp chiến thuật nơi sa trường, bày mưu tính kế cũng lại thuộc hàng không có gì đặc sắc. Tuy nhiên về khả năng nhìn người, kết thân bằng hữu, Lưu Bị lại là người có ánh mắt hơn người.
Lưu Bị có Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân huyết chiến nơi sa trường, lại có Gia Cát Lượng, Phượng Sồ giúp về đối sách. Đây là những người có cống hiến to lớn cho sự nghiệp đế vương của Lưu Bị, và điều quan trọng hơn nữa là họ rất trung thành với ông.
Các bậc minh quân thời cổ đại hiểu được “mượn lực” của hiền tài, nghe ý kiến của hiền tài mà công thành danh toại. Bởi vậy có thể thấy, người hiểu được “mượn lực” mới là người thực sự hiểu rõ được bản chất của sự vật, cũng mới là người giành được chiến thắng cuối cùng.
Trí giả mượn lực mà hành, “mượn lực” có thể khiến một người đạt được lợi ích, có thể đem lại thành công cho người ấy. Nhưng trong cuộc sống, làm thế nào mới có thể “mượn lực”, được quý nhân trợ giúp?
Cổ ngữ có câu: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, tức là đạo của trời không thiên vị bất kỳ ai, công bằng với tất cả mọi người nhưng bởi vì lương thiện là phù hợp với đạo trời nên được trợ giúp. Người có tâm địa thiện lương vận khí sẽ tốt, làm việc thường sẽ có thuận lợi hơn, người khác cũng nguyện ý kết giao và trợ giúp. Cổ nhân cho rằng đây chính là cách “mượn lực” mạnh hơn tất cả, bởi đây là lực Trời.
Còn những người ngang ngược ích kỷ, nghịch thiên mà hành, hãm hại người khác, gian dâm, vô sỉ… thì đều là những người không có khả năng “mượn lực”. Hơn nữa những người như vậy phần lớn cũng không có được kết cục tốt đẹp.
Theo Vision Tímes tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Lưu Bị Lưu Bang khiêm tốn Gia Cát Lượng Kinh dịch trí giả quý nhân