Nho gia rất coi trọng tu dưỡng bản thân, cho rằng “từ thiên tử cho đến thứ dân, đều lấy tu thân làm gốc”. Tử Lộ đã từng hỏi thầy mình là Khổng Tử về Đạo của bậc quân tử. Khổng Tử trả lời: “Tu kỷ dĩ kính”, “Tu kỷ dĩ an nhân”, “Tu kỷ dĩ an bách tính”. Cơ sở của tề gia, trị quốc, thiên hạ thái bình là tu thân, chỉ có tu chính nhân tâm thì hành vi con người cũng như những quy định mà con người đặt ra mới có thể tuân theo chính đạo, người trong thiên hạ mới có thể vui vẻ tuân theo. Khổng Tử từng giảng: “Đạo chi dĩ kính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ; Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách.” Cũng là nói, mệnh lệnh và hình phạt đều chỉ là ước thúc bên ngoài, người ta vì sợ hãi nên có thể phục tùng trên bề mặt nhưng không thể vĩnh viễn khiến cho con người phát tự nội tâm yêu cầu bản thân mình làm người tốt. Chỉ có chân chính từ nội tâm minh bạch ra sự trọng yếu của đạo đức, nhân quả thiện ác thì con người mới vui vẻ tích đức hành thiện, mới biết hổ thẹn khi phạm pháp làm việc ác. Vậy nên từ xưa đến nay, bậc thánh hiền tu đức cho thiên hạ, vừa nghiêm khắc với tu dưỡng đạo đức của bản thân mình vừa chú trọng đến việc giáo hóa đạo đức cho muôn dân. Họ cho rằng đây là cái gốc của việc trị quốc.

Trong lịch sử, sự xuất hiện của những triều đại thịnh thế là bởi vì những Hoàng đế thời bấy giờ biết lấy bản thân mình làm gương cho đạo trị quốc. Họ hạ quyết tâm và nỗ lực tiến bước vì sự thịnh vượng và hùng mạnh của đất nước, suy xét đến cả tình cảnh hiểm nguy ngay trong thời bình, biết khắc chế tư dục tư tình, chiêu mộ hiền tài, đẩy mạnh hồng dương Nho gia, hồng dương Phật Đạo, coi trọng giáo hóa đạo đức, cuối cùng đạt đến chính sự thông đạt, muôn dân hòa thuận, mở ra thời đại quốc thái dân an.

Trong các vị minh quân xưa này thì Đường Thái Tông Lý Thế Dân được xem là mẫu mực. Ông sinh năm 599, là con trai thứ của Đường Cao Tổ và Đậu hoàng hậu, là vị Hoàng đế thứ hai của nhà Đường. Ông còn là một chính trị gia, nhà quân sự, đồng thời cũng là thi nhân và nhà thư pháp đạt đến trình độ cao thâm.

Đường Thái Tông trị quốc
(Tranh: Public Domain)

Lý Thế Dân dùng cung tên lấy được thiên hạ, hành quân thần tốc, võ nghệ vang danh. Ngay sau khi lên làm Hoàng đế, ông không hề tự mãn. Ông mở rộng tấm lòng tiếp nhận lời khuyên răn, nỗ lực học tập cai trị thiên hạ, trở thành một trong những bậc minh quân nổi tiếng nhất trong lịch sử. Ông tuyển mộ những người tài hiền đức, vui vẻ tiếp nhận những lời khuyên. Ông xem dân như con, không phân biệt người Hán hay người dân tộc. Ông được thế nhân đời đời ca ngợi, khai sáng ra thời đại Trinh Quán thịnh trị trong lịch sử.

Sau khi Đường Thái Tông lên ngôi, ông thường lấy việc nhà Tùy bạo chính dẫn đến tiêu vong làm bài học lịch sử. Thái Tông cho rằng làm Hoàng đế nên có chí lớn quảng đại có thể bao dung được nhiều thứ, tâm bình thản và công chính có thể khắc chế và quyết đoán. Không có uy đức thì không cách nào vươn xa, không có từ ái nhân hậu thì không cách nào phục người. Lấy nhân đức an ủi vỗ về cửu tộc (chín thế hệ trong gia đình), lấy lễ nghĩa tiếp đãi đại thần. Cúng thờ tổ tiên phụng dưỡng cha mẹ, tùy theo vị trí mà biết cung kính. Bản thân cần cù lao động, lấy hành đức làm việc nghĩa. Đây chính là cảnh giới đạo đức mà một vị Hoàng đế nên có. Vì để đạt đến tiêu chuẩn này, ông chuyên tâm học tập, đọc nhiều đạo lý của bách gia, tinh thông lục nghệ, lấy lịch sử làm gương để biết thịnh suy, rộng mở tấm lòng thu nhận lời khuyên răn, lấy người làm gương để biết được mất.

Đường Thái Tông hiểu rất rõ đạo lý ai đắc được lòng dân thì sẽ có thiên hạ. Chính vì vậy, ông trị quốc bằng nhân đức, thực hiện chính sách cho dân nghỉ ngơi. Ông chủ trương cắt giảm chi phí, giảm bớt lao dịch, tuyển dụng quan lại thanh liêm để người dân có ăn mặc dư giả.

Có thể quy nạp việc trị quốc bằng nhân đức của Đường Thái Tông vào mấy điểm sau:

  • Đạo của quân vương trước tiên phải nghĩ cho bách tính.
  • Thực hành khoan hồng và giản lược pháp luật, nhấn mạnh tu đức.
  • Cắt giảm chi phí, đặt thấp bản thân mình vì đại cục không vì tư tình.
  • Giảm bớt lao dịch, phát triển sản lượng, hồi phục kinh tế.
  • Khoan dung với người, sẵn sàng tiếp nhận lời khuyên, tự phản tỉnh bản thân mọi lúc.
  • Tuyển dụng quan lại thanh liêm.
  • Coi trọng văn hóa và giáo hóa đạo đức.

Làm quân vương trước hết phải nghĩ cho dân

Đường Thái Tông cho rằng: “Đạo của quân vương, trước hết nhất định phải nghĩ cho dân, nếu như lấy cung phụng bản thân mà khiến người dân chịu tổn hại thì cũng giống như tự cắt thịt mình mà ăn cho no bụng, bụng thì no nhưng thân thể ngã gục.”

Ông ví quan hệ của người dân và quân vương như nước với thuyền: “Quân vương giống như thuyền, người dân giống nước. Nước có thể đẩy thuyền, cũng có thể lật thuyền.”

Vậy nên, ông cho rằng nỗi lo của Hoàng đế không phải đến từ bên ngoài mà là ở tại bản thân mình. Hoàng đế có nhiều dục vọng, tiêu xài hoang phí, thu thuế nặng nề từ người dân, dân chúng vì vậy sẽ vô cùng khổ sở, quốc gia sẽ nguy hiểm, Hoàng đế cũng sẽ khó giữ lấy mình.

Năm Trinh Quán thứ 2, trong nước phát sinh hạn hán và nạn đói, nhiều người dân phải bán con cái mình để đổi lấy quần áo và đồ ăn. Đường Thái Tông không chỉ hạ lệnh mở kho cứu tế người dân mà còn lấy vàng bạc tơ lụa trong kho hoàng gia để chuộc lại con cái cho những người dân bị tai họa và đưa cho cha mẹ của họ. Ông viết trong chiếu thư rằng: “Nếu như có thể khiến cho mùa màng bội thu, thiên hạ thái bình, thậm chí chuyển dịch tai họa lên thân của trẫm thì trẫm cũng cam tâm tình nguyện.”

Không lâu sau thì trời mưa xuống, hóa giải được nạn hạn hán, người dân ai nấy đều vui mừng.

Cắt giảm chi tiêu

Đường Thái Tông lúc đầu lên ngôi, đã ý thức rõ ràng về việc quan lại dư thừa, cảm thấy “dân số ít nhưng số lượng quan lại nhiều”, tệ đoan quá nhiều, chủ yếu biểu hiện ở: tiêu phí tài nguyên, chức vị chồng chéo nhau, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, mưu sĩ quá nhiều, mọi sự vụ thường không được giải quyết.

Chính vì vậy, Thái Tông đã tiến hành cải cách triệt để cơ cấu triều đình. Kết quả là số lượng thành thị quận huyện trên toàn quốc giảm được một nửa, châu phủ giảm được một phần ba. Tể tướng Phòng Huyền Linh tuân theo ý chỉ của Thái Tông cắt giảm ba phần tư số quan lại văn võ trong triều đình, chỉ chừa lại chưa đến 643 người.

Điều khiến cho các nhà sử học ngạc nhiên là sự cải cách lớn như vậy không hề gây nên sự bất ổn định nào cho xã hội, có thể thấy rằng cách hành sự của Thái Tông vô cùng cẩn trọng, bảo đảm không xuất hiện sai sót nào.

Phát triển sản lượng, hồi phục kinh tế

Đường Thái Tông hiểu rõ rằng trải qua chiến loạn vào những năm cuối nhà Tùy, người dân khát khao sự ổn định và nghỉ ngơi an dưỡng. Đồng thời, Thái Tông cũng ý thức rõ ràng dân chúng phải đi cướp bóc là bởi vì “lao dịch nặng nề, quan chức tham nhũng, ăn không đủ no mặc không đủ ấm”. Chính vì vậy, ông đã đề xướng tiết kiệm, giảm bớt lao dịch. Sau khi lên ngôi, ông cho giải tán ba nghìn cung nữ để cắt giảm chi phí quốc gia, hạ lệnh cho dừng việc cống nạp vật phẩm, cắt giảm lao dịch, giúp bách tính an cư lạc nghiệp.

Thái Tông cho rằng: “Mọi việc căn bản đều phải coi trọng chuyên tâm tận lực mà làm. Quốc gia lấy dân làm gốc, dân lấy ăn mặc làm gốc. Việc ăn mặc lấy không để lỡ cơ hội làm gốc.” Chính vì vậy, ông rất chú ý đến việc phát triển sản lượng, không bỏ lỡ các giai đoạn sản xuất nông nghiệp để lấy lợi cho sản lượng.

Tháng Hai năm Trinh Quán thứ 5, quan sử điều động phủ binh để duyệt binh cho nghi lễ thành niên của thái tử đúng vào lúc gieo vụ mùa xuân, Thái Tông đã hạ lệnh thay đổi thời gian cử hành nghi lễ thành tháng Mười. Ngoài ra, ông còn ban lệnh ân xá chiêu mời những người lưu vong hồi hương tham gia sản xuất. Người dân yên tâm làm việc, kinh tế triều nhà Đường cũng bắt đầu hồi phục và phát triển.

Khoan dung với người khác, tiếp nhận lời khuyên, mọi thời khắc tự cảnh tỉnh bản thân

Đường Thái Tông là một bậc minh quân nổi tiếng với việc lắng nghe tiếp nhận lời khuyên. Thái Tông cho rằng: “Người làm vua tuy không nói nhưng biết tiếp nhận lời khuyên răn mới là thánh nhân”, “Lắng nghe nhiều ý kiến từ nhiều phía mới biết rõ đúng sai được mất, nếu chỉ nghe từ một phía thì dễ bị hồ đồ.”

Vậy nên, ông khuyến khích bề tôi tiến cử lời khuyên, mở rộng chức quyền cho quan can gián, phàm là chiếu lệnh không phù hợp thì phải tâu rõ, không được hùa theo.

Ngụy Trưng là vị quan can gián chính trực, tuy là thân tín của thái tử Lý Kiến Thành (người định hãm hại Thái Tông nhưng bị Thái Tông trừ hại) nhưng Đường Thái Tông không nhắc đến mà bổ nhiệm Ngụy Trưng làm quan can gián. Thái Tông không những cho phép Ngụy Trưng trực tiếp tham vấn chính sự, mà còn rất sủng ái và tôn kính ông ta. Ngụy Trưng dâng lên hơn chục tấu sớ, thẳng thắn chỉ ra lỗi, Thái Tông mở lòng tiếp nhận lời khuyên răn, lựa chọn con đường đúng đắn mà làm theo.

Sau khi Ngụy Trưng qua đời, Thái Tông thương tâm nói: “Người ta lấy đồng làm gương soi để chấn chỉnh quần áo; lấy lịch sử thời xưa làm gương có thể thấy được thịnh suy; lấy người làm gương có thể biết được mất. Ngụy Trưng không còn, trẫm đã mất đi một tấm gương!”

Một lần vào dịp tuyển định quan viên ưu tú thì phát hiện có một số người giả mạo, Thái Tông đã chiểu theo mệnh lệnh ban bố xử tội chết cho những kẻ đó. Binh bộ lang trung Đới Trụ đã khuyên ngăn: “Chiểu theo pháp luật nên xử lưu đày.”

Thái Tông tức giận nói: “Khanh nghĩ tuân thủ pháp luật để làm trẫm mất đi danh dự sao?”

Đới Trụ nói: “Mệnh lệnh của Hoàng đế là xuất phát từ nóng giận nhất thời mà truyền xuống, còn pháp luật là quốc gia công bố dùng nó để lấy được sự tin cậy của thiên hạ. Bệ hạ vô cùng tức giận với hành vi dối trá nên mới muốn giết họ, tuy nhiên bệ hạ cũng biết rằng chiểu theo pháp luật là không thể làm như vậy. Nếu như sử dụng pháp luật để đo lường thì có thể dằn lòng mà có được sự tín nhiệm của toàn thiên hạ.”

Thái Tông nói: “Khanh có thể chấp pháp như vậy, trẫm làm sao có thể không an tâm cho được!”

Về sau, Đới Trụ liên tiếp nhiều lần dâng lời khuyên răn, Thái Tông đều nghe theo ý kiến của ông ta, thiên hạ không có án oan nào phát sinh.

Thái Tông nói với quần thần: “Người ta nói Hoàng đế có địa vị tôn quý, việc gì cũng không sợ. Trẫm thì không như vậy. Bên trên trẫm kính sợ sự dõi theo của Trời, bên dưới trẫm sợ hãi sự ngưỡng vọng của quần thần vô cùng sát sao. Trẫm còn sợ không phù hợp với Thiên ý và nguyện vọng của dân chúng.”

Sử dụng pháp luật một cách hoàn thiện, khoan hồng và giản lược

Sau khi Đường Thái Tông lên ngôi, ông tiếp nhận kiến nghị của Ngụy Trưng xác lập nền trị vì nhân ái khoan dung, ban chỉ lệnh cẩn trọng với việc sử dụng hình phạt. Thái Tông cho rằng việc coi trọng đức hạnh quan trọng hơn so với chế độ pháp luật hà khắc.

Một lần nọ ông hỏi đại thần Vương Khuê: “Vì sao những người trị quốc hiện giờ không giống với thời xưa?”

Vương Khuê nói: “Thời Hán tôn sùng học thuyết Nho gia, phong tục tập quán dân gian thuần hậu; hiện nay xem nhẹ Nho học, coi trọng pháp luật nên quốc gia càng ngày càng suy bại.”

Thái Tông tỏ ra đồng ý với điều này.

Cháu trai trưởng của Hữu kiêu vệ đại tướng quân là Thuận Đức nhận tơ lụa đút lót của người khác, sau khi Thái Tông biết chuyện bèn nói: “Thuận Đức người này nếu như hữu dụng cho nước nhà thì ta có thể san sẻ sự giàu có của đất nước cùng anh ta. Anh ta không cần phải tham luyến tài vật nữa!”

Thái Tông quý trọng anh ta có công với đất nước, không trị tội anh ta mà còn thưởng tặng bốn mươi cuộn tơ lụa.

Quan chấp pháp Thiếu Khanh Hồ nói: “Thuận Đức vi phạm pháp luật nhận của đút lót, vốn là không nên miễn tội, vậy vì sao bệ hạ lại ban thưởng cho anh ta?”

Thái Tông nói: “Nếu như anh ta còn có nhân tính, việc nhận ban thưởng so với nhận hình phạt sẽ khiến anh ta cảm thấy hổ thẹn. Nếu như anh ta không biết hối cải, không khác gì loài cầm thú thì việc giết anh ta cũng không có tác dụng gì cả!”

Tuyển chọn quan thanh liêm

Ở phương diện tuyển chọn nhân tài, Đường Thái Tông khống chế các thế lực gia tộc. Ông hạ lệnh tìm kiếm những bậc nhân sĩ phẩm đức cao thượng và thanh liêm. Ông lấy “lập công, lập đức, lập ngôn” làm tiêu chuẩn, đánh giá cao tầng lớp sĩ phu, nhất loạt trừ danh những kẻ không có công đức. Ông còn chú ý chiểu theo tiêu chuẩn năng lực và hiệu quả để tuyển chọn quan lại, không xét thân phận, không kể ân oán.

Trong các đại thần văn võ nổi tiếng, có Ngụy Trưng từng là đạo sĩ, Uất Trì Cung từng là thợ rèn, Trương Lượng xuất thân từ nông dân. Ngụy Trưng vốn làm quan cho thái tử Lý Kiến Thành, từng bày mưu kế ám hại Thái Tông. Lý Tịnh, Uất Trì Cung từng là tướng bại trận của quân địch. Thái Tông đều trọng dụng họ. Dựa trên cơ sở khoa cử triều Tùy, ông tiến thêm một bước hoàn thiện chế độ tuyển chọn quan lại và nhân tài ưu tú, dùng khoa cử thay cho thế lực gia tộc, phá bỏ thế lực dòng dõi có địa vị và thanh thế, để cho những nhân sĩ có xuất thân thấp kém có cơ hội cống hiến cho xã tắc.

Thái Tông đưa ra bốn yêu cầu cho các quan viên có “phẩm cách và địa vị xã hội”, gọi là “tứ thiện”: đạo đức nhân nghĩa, minh bạch thanh liêm, công bình, thành kính chuyên cần không giải đãi. Từ thuở đầu kiến lập thời đại Trinh Quán, mỗi người đều chiểu theo yêu cầu của Thái Tông mà làm, tận tâm làm tròn trách nhiệm. Thái Tông còn lấy tám chữ “cư quan siểm trá, tham hỗn hữu trạng” để định đoạt những quan lại có đức hạnh thấp kém.

Đối với vấn đề tham ô quan liêu, Đường Thái Tông ngoại trừ việc dùng hình phạt ra, ông chủ yếu để cho chúng thần minh bạch từ trong tâm về “tham” kì thực là một loại hành vi ngu xuẩn. Thái Tông bèn cảnh tỉnh quần thần: “Chim đậu trên cây, vì sợ cây không đủ cao nên làm tổ trên ngọn. Cá bơi trong nước, vì sợ nước không đủ sâu nên núp vào hang bên dưới. Nhưng cả chim và cá đều bị con người bắt được, nguyên nhân chỉ vì bản thân tham ăn mồi. Các khanh đừng bao giờ lấy thân mình để thử nghiệm pháp luật.”

Một lần nọ, trong dân gian có người dâng tấu thư thỉnh cầu thanh trừ nịnh thần. Thái Tông bèn hỏi: “Ai là nịnh thần?”

Người dâng tấu thư nói: “Hoàng đế có thể giả bộ tức giận để thử quần thần xem. Người tranh biện mạnh mẽ là quan chính trực, người sợ hãi uy nghiêm của Hoàng đế mà thuận theo chính là nịnh thần.”

Thái Tông nói: “Hoàng đế là ngọn nguồn của con sông, quần thần là dòng chảy của sông lớn. Ngọn nguồn ô nhiễm rồi mà còn yêu cầu nước sông phải trong sạch đó là việc không thể nào. Trẫm dùng cách lừa người thì làm sao có thể yêu cầu quần thần chính trực được? Trẫm một mực thành tâm trị vì thiên hạ nên thường cảm thấy hổ thẹn cho những Hoàng đế trong quá khứ thích dùng quyền mưu để đối đãi với chúng thần tử. Kế sách của nhà ngươi tuy là tốt nhưng trẫm không muốn dùng đến.”

Trung Hoa dưới sự trị vì của Đường Thái Tông, Hoàng đế lấy mình làm gương, quan lại một lòng vị công làm tốt bổn phận, việc lạm dụng chức quyền và tham ô hủ bại hạ xuống đến mức thấp nhất trong lịch sử, nền chính trị vô cùng thanh bạch.

Coi trọng văn hóa, giáo hóa đạo đức

Đường Thái Tông rất coi trọng việc xây dựng trường học. Vì vậy trường học và chế độ giáo dục ngày càng hoàn thiện. Học phủ cao nhất trong toàn quốc là Quốc Tử Giám, bên dưới có sáu loại trường học là: quốc tử học, thái học, tứ môn học, luật học, thư học, toán học. Các cấp trường học đều lấy kinh điển Nho gia làm những mục sách nhất định phải đọc. Những ai có thành tích học tập nổi trội sẽ được gửi đến sử bộ tham gia khoa cử khảo thí.

Đường Thái Tông còn rất chú trọng biên tập thư sách và lịch sử. Ông ra lệnh tìm kiếm thư sách còn lưu lại của những học giả quá cố trong dân gian. Cuối thời nhà Tùy, tàng thư thời Tùy ở Lạc Dương chỉ còn lại 14 nghìn bộ, tổng cộng khoảng 9 vạn cuốn; nhưng đến sau khi Thái Tông lập ra Hoằng Văn Quán, tàng thư có đến hơn 20 vạn cuốn. Thái Tông hạ lệnh thành lập Quốc Sử Quán chuyên tuyển chọn biên tập lịch sử thời Nam Bắc triều cho đến thời nhà Tùy, một mặt là vì giáo dục chính thống thời Đường, mặt khác là để tiếp thụ những bài học lịch sử từ trong đó. Ngoài ra, ông còn chiêu mộ những học giả Nho gia nổi tiếng đảm nhiệm chức vụ quan dạy học. Nhờ vậy, các nhà Nho học đồng thời tề tụ về kinh thành, nhân tài liên tục xuất hiện để Thái Tông bồi dưỡng ra vô số những bậc lương đống cho quốc gia.

Đường Thái Tông vô cùng coi trọng hoằng dương Phật pháp. Ông hỗ trợ hết sức cho Đường Huyền Trang phiên dịch kinh thư. Ông còn đích thân hết lòng đàm luận về kinh thư lúc ở Lạc Dương. Điều này khiến cho Phật giáo đạt đến đỉnh điểm hưng thịnh vào giữa thời Đường. Từ thiên tử cho đến người dân bình thường đều giữ cùng một tâm thái tin tưởng vững chắc vào Phật pháp, khiến cho khí thế quốc gia thời sơ Đường rất thịnh. Thời kì này có nền chính trị thanh bạch rõ ràng, xã hội an định, mưa thuận gió hòa, mùa màng mỗi năm đều bội thu. Mỗi dịp đến ngày lễ tết, vua, quan và dân cùng nhau vui vẻ chúc mừng, bách tính an cư lạc nghiệp, không ai nhặt của rơi trên đường, ban đêm không đóng cửa nhà, không có trộm cắp, nhà tù trống không, thiên hạ thái bình ở ngay trước mắt.

Bởi vì là một thời kỳ như vậy nên các nước chư hầu đều phục tùng, vùng biên giới Đại Đường an định. Đại Đường thời đó là đế quốc duy nhất trên thế giới nhất thống thiên hạ với nền văn minh cường thịnh bậc nhất. Thủ đô Trường An là đô thị lớn trên thế giới, thương lái từ các nơi không ngừng lui tới. Nhân tài hào kiệt các nước khi gặp phải hiểm nguy cũng đều cầu cứu sự che chở của Đại Đường. Chính phủ thời Đường thiết lập vùng biên giới và cửa quan rộng mở. Không ngừng du nhập văn hóa bên ngoài và nền văn minh vật chất. Khí vận thịnh thế như thế này quả là một hiện tượng vô cùng hiếm thấy trong lịch sử.

Năm 649 SCN, Đường Thái Tông băng hà ở Hàm Phong Cung, hưởng thọ 52 tuổi, lấy hiệu là Văn võ đại thánh đại quảng hiếu hoàng đế. Ông là một người tận tâm tận lực yêu dân như con, văn thao võ lược, anh dũng hơn người, có khả năng khai sáng sự nghiệp và tài năng giữ vững cơ nghiệp, đúng là “thiên cổ nhất Đế”.

Theo “Văn hóa mạn đàm: Các bậc minh quân tu nội mà an ngoại
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Đường Phong

Xem thêm:

Mời xem video: