Người phương Đông thời xưa cho rằng “tiểu trung hữu đại”, trong cái nhỏ có cái lớn, giọt nước nhỏ không ngừng chảy xuống có thể làm mòn tảng đá, mồi lửa nhỏ cũng đủ để đốt cháy cả cánh đồng, từ việc nhỏ có thể thấy được việc lớn. Người ta muốn thay đổi thế giới thì trước hết phải thay đổi chính mình, phải bắt đầu từ việc tu thân, sau đó mới đến tề gia, trị quốc, rồi mới bình thiên hạ được. Nếu như đặt chí ở việc bình thiên hạ, nhưng bản thân tràn đầy khiếm khuyết, thì dẫu thành công cũng không thể có được kết cục tốt đẹp.

Đạo trị quốc của cổ nhân: Nhìn dáng vẻ biết kết cục tương lai
(Tranh minh họa: Họa sĩ Lý Đường, Metropolitan Museum of Art, Public Domain)

Thời kỳ Xuân Thu, Vệ Tương Công viếng thăm nước Sở, Bắc Cung Văn Tử đi cùng. Ở nước Sở, Bắc Cung Văn Tử sau khi nhìn dáng vẻ của công tử Vi nước Sở thì dự đoán rằng người này sẽ không có kết cục tốt đẹp.

Bắc Cung Văn Tử nói với Vệ Tương Công:

Lời nói và hành vi của người này cứ như thể là quốc vương vậy. Người này không thần phục vua Sở, tất có mưu đồ khác. Tuy rằng người này có thể thực hiện được mưu đồ của mình nhưng sẽ không có kết cục tốt đẹp. Trong “Kinh thi. Đại nhã. Đãng” viết rằng mọi người làm việc thường có cái tâm chí cao xa nhưng rất ít người có thể kiên trì cái tâm ấy mà đạt được kết quả tốt đẹp. Muốn trước sau vẹn toàn quả thực rất khó, tương lai người này e rằng không tránh khỏi tai họa.

Vệ Tương Công ngạc nhiên hỏi: “Ngươi làm sao biết được điều ấy?”

Bắc Cung Văn Tử nói:

“Kinh Thi. Đại nhã. Đãng” viết “Kính thận uy nghi, duy dân chi tắc”, uy nghi đoan chính một cách cung kính mà thận trọng, đó là chuẩn tắc cho dân chúng. Quân vương không uy nghi, dân chúng sẽ không có chuẩn tắc. Một người mà bách tính không làm theo, nhưng lại ở trên mọi người thì sẽ không có kết cục tốt đẹp.

Vệ Tương Công hỏi Bắc Cung Văn Tử thế nào là uy nghi. Bắc Cung Văn Tử đáp rằng:

Nghiêm nghị khiến người ta cảm thấy e sợ được gọi là uy, dáng vẻ khiến người ta nguyện ý noi theo thì đó là nghi. Quốc quân có uy nghi của quốc quân, thần tử sẽ kính sợ, kính yêu, coi là hình mẫu noi theo. Quốc gia mà có được quốc quân như thế thì lưu lại danh tiếng tốt, truyền lại cho con cháu đời sau.

Thần tử có uy nghi của thần tử thì thuộc hạ sẽ e sợ, kính yêu, cho nên có thể bảo vệ được chức quan của mình, bảo vệ tốt được gia tộc khiến người nhà chung sống hòa thuận. Tương tự như vậy, người người đều có thể làm được điều này thì trên dưới cao thấp đều sẽ yên ổn và vững chắc. 

Trong “Kinh Thi. Bội phong” viết: “Uy nghi lệ lệ, bất khả tuyển dã” (đầy uy nghi điềm tĩnh, không thể tùy tiện dao động), đây là nói về uy nghi mà quân thần, trên dưới, cha con, anh em, trong ngoài, lớn nhỏ cần phải có. Giữa bạn bè thì nhất định phải dùng uy nghi để chỉ dẫn và góp ý cho nhau.

“Thượng thư” viết về Chu Văn Vương: “Đại quốc úy kì lực, tiểu quốc hoài kì đức”, nghĩa là nước lớn thì sợ hãi trước sức mạnh còn nước nhỏ thì cảm động và ghi nhớ ân đứcg. “Kinh thi. Đại nhã. Hoàng hĩ” cũng viết rằng Chu Văn Vương làm việc, chỉ thuận theo pháp tắc của Trời nên dân chúng cũng tự nhiên lấy ông làm chuẩn tắc để noi theo.

Thương Trụ Vương giam cầm Chu Văn Vương suốt bảy năm, chư hầu cũng theo ông ngồi tù. Trụ Vương thả Chu Văn Vương ra. Văn Vương đánh chiếm nước Sùng, sau hai lần dấy binh, nước Sùng đầu hàng làm bề tôi, Man Di nối tiếp quy phục. Chu Văn vương lập công, thiên hạ làm thơ ca múa, có thể nói thiên hạ nguyện lấy đức độ của Chu Văn Vương làm chuẩn tắc. Những điều mà Chu Văn Vương thi hành cho tới ngày nay vẫn được coi là chuẩn tắc, có thể noi theo. Đây là vì Chu Văn Vương có uy nghiêm.

Cho nên quân tử ở chức quan cao có thể khiến người khác e sợ mình, thi hành những chính sách nhân đức, xá bỏ đi những tư lợi thì có thể khiến mọi người yêu kính mình. Tiến thoái của người quân tử có thể làm pháp độ; còn sự đúng mực, dung mạo cử chỉ có thể làm khuôn mẫu; phương thức làm việc có thể khiến người khác làm theo, đức hạnh có thể khiến người khác noi theo, thanh âm khí độ có thể khiến người khác vui sướng; cử chỉ có tu dưỡng, nói chuyện có trình tự bố cục, dùng những điều này để đối đãi với người dưới thì chính là uy nghi.

“Tả truyện” viết rằng người có uy nghi là người quân tử có nhân hiếu, có mỹ đức thành tín trung hậu, lại có đức hạnh chính trực quảng đại, không chỉ có dung mạo đẹp mà ngôn hành cử chỉ cũng phải xác đáng đúng mực.

Chuyện nước Sở quả đúng như Bắc Cung Văn Tử tiên đoán. Sau khi Sở Khang Vương qua đời, con trai lên kế vị, phong cho công tử Vi làm Lệnh Doãn. Lệnh Doãn Vi là con trai của Sở Cộng Vương và vợ lẽ, luôn cậy tài kiêu ngạo, nghi lễ ngang với chư hầu, không cam lòng làm người dưới vua. Ông ta thừa dịp thắt cổ giết chết vua, tự lập mình làm Sở Linh Vương.

Sở Linh Vương giết cháu để cướp ngôi, đây là “đắc vị bất chính”. Sở Linh Vương sau khi lên ngôi vô cùng xa xỉ phóng túng, gây thù chuốc oán với quan lại, chiếm đoạt đất đai của họ, giết hại người nhà của họ. Sở Linh Vương lại rất hiếu chiến, muốn tỏ ra là bá chủ chư hầu. Ông nhiều lần đánh nước Ngô, diệt nước Trần và nước Sái, chinh chiến liên miên khiến binh lính oán hận.

Bởi thế, thừa dịp Sở Linh Vương thânh chinh cầm quân, 3 người em của ông hợp quân với tàn quân nước Trần nước Sái, hội họp những người bất mãn, giết thái tử và các con khác của Sở Linh Vương. Quân Sở nghe trong nước có biến, lại oán Sở Linh Vương, cùng nhau bỏ đi. Đại quân Sở cứ thế tan vỡ.

Trong “Tả truyện” viết: “Đa hành bất nghĩa tất tự tễ” (làm nhiều việc bất nghĩa thì tự tiêu vong), Sở Linh Vương tự biết gây thù chuốc oán quá nhiều, chẳng còn mặt mũi nào nhờ cậy quân nước khác, cũng chẳng còn ai giúp đỡ khôi phục ngôi vị, thân bại danh liệt mà thắt cổ tự tử. Kết cục thê thảm của Sở Linh Vương đúng như lời Bắc Cung Văn Tử đoán trước, không có uy nghi thì khó được “thiện chung”.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: