Phóng túng dục vọng làm bại đức vong thân là đạo lý mà người xưa coi trọng. Đạo đức truyền thống cho rằng dục vọng (những ham muốn) của con người là không thể phóng túng, đối với sắc dục lại càng phải tiết chế. Người xuất gia phải tuân thủ nghiêm ngặt giới luật, cấm dục một cách tuyệt đối. Còn đối với người bình thường không xuất gia, căn cứ vào các kinh điển Nho gia hay Thánh kinh thì cũng đều khuyên răn con người không được có quan hệ nam nữ ngoài hôn nhân. Từ góc độ tu mệnh của Đạo gia mà xét thì cuộc sống vợ chồng không có tiết chế là điều rất không nên. Đây là những lời giáo huấn truyền thống của cả phương Đông và phương Tây, cũng là lời vàng ngọc của cổ nhân. Từ góc độ trị quốc, quốc quân không tiết chế sắc dục thì không chỉ hại bản thân, mà còn dẫn đến vong quốc. Trong “Tả truyện” có chép một đoạn lịch sử làm rõ việc này.

Tấn Bình Công bị bệnh nặng, thỉnh cầu lương y từ nước Tần. Tần bá phái một thầy thuốc là Y Hòa, tinh thông y thuật và Chu dịch, đến thăm khám.

Đạo trị quốc của cổ nhân: Tiết chế sắc dục
(Tranh minh họa: Họa sĩ Lý Đường, Metropolitan Museum of Art, Public Domain)

Y Hòa sau khi khám bệnh cho Tấn Bình Công đã nói: “Bệnh này không cách nào trị được. Chủng bệnh này của ngài như bị ‘cổ’ (*). Nó không phải do quỷ ám, cũng không phải do ẩm thực tạo thành, mà do gần gũi nữ sắc, bị họ mê hoặc mà mất đi ‘chí’. Chẳng những bệnh của Tấn hầu không thể chữa khỏi, mà lương thần của nước Tấn cũng sẽ chết, và thiên mệnh sẽ không còn phù hộ cho nước Tấn nữa.” 

(*) “Cổ” là tà thuật nuôi tà vật cấm kỵ. Một số vụ án nổi tiếng ở hậu cung thời xưa liên quan đến việc dùng loại tà thuật này.

Tấn Bình Công hỏi: “Nữ sắc là không thể gần gũi sao?”

Y Hòa đáp: “Cần phải tiết chế!”

Sau đó Y Hòa đã khéo léo dùng âm nhạc để diễn đạt:

Thánh vương đời trước sáng tạo âm nhạc là để tiết chế trăm sự. Cho nên âm nhạc có tiết tấu của ngũ thanh (cung, thương, giốc, chuỷ, và vũ), giai điệu nhanh chậm trước sau điều tiết lẫn nhau, thanh âm hài hòa du dương sau đó hạ xuống, sau khi ngũ thanh hạ xuống thì không cho phép đàn nữa. Lúc này mà lại đàn, thì thủ pháp sẽ bị nhiễu loạn, xuất hiện tà âm, mê hoặc tâm thần khiến người ta quên đi sự ngay chính bình hòa. Bởi vậy, người quân tử không nghe loại âm nhạc này. Con người đối với sự vật cũng là đạo lý này, khi sự vật khiến con người bị nhiễu loạn thì nên bỏ nó đi, như vậy sẽ không bị mắc bệnh. Người quân tử sống cuộc sống vợ chồng hòa thuận, phải dùng lễ nghi để tiết chế, tuyệt đối không dùng chuyện vợ chồng để mê hoặc tâm thần.

Trời có sáu loại khí hậu (lục khí), sinh ra năm loại mùi vị, thể hiện ra năm loại sắc và ứng nghiệm là năm loại thanh âm. Nếu như ‘dâm’ (tức là không có tiết chế) thì sẽ dẫn đến bị sáu loại bệnh. Lục khí chính là: âm, dương, phong, vũ, hối, minh (*). Khí hậu trong một năm phân chia thành bốn mùa, thứ tự là tiết tấu của ngũ thanh, nếu như thái quá thì sẽ thành họa. Khi trời lạnh, con người không có tiết chế thì sẽ bị hàn bệnh, trời nóng mà không tiết chế thì sẽ bị nhiệt bệnh, trời gió mà không tiết chế thì sẽ bị ngoại cảm bệnh, trời mưa mà không tiết chế thì sẽ bị nội thương bệnh, ban đêm mà không tiết chế sẽ bị bệnh mê muội, ban ngày mà không tiết chế thì sẽ bị tâm bệnh. Nữ sắc chốn phòng the vừa khiến người ta bị kích thích cảm quan mà dẫn đến thân thể khô nóng, vừa khiến người ta mộ khí nặng nề mà dẫn đến tâm thần mê muội. Nếu không tiết chế nữ sắc thì sẽ sinh bệnh nội nhiệt, mê muội.

Hiện giờ quân vương ngài phóng túng vô độ, miệt mài không phân ngày đêm, đã không tiết chế dục vọng lại không thuận theo thiên thời thì làm sao có thể không bị bệnh đến nông nỗi này?

(*) Lục khí này là chỉ lạnh, nóng, gió, mưa, tối (âm u), sáng (quang tạnh). Có sự khác biệt về lục khí trong các tài liệu y học, nhưng đều cùng ý nghĩa thiên nhân hợp nhất.

Sau khi nói xong, Y Hòa cáo từ và đi ra ngoài cửa cung thì gặp Triệu Mạnh, một trong lục khanh của nước Tấn. Biết Y Hòa nói rằng lương thần nước Tấn sẽ chết, Triệu Mạnh vội giữ Y Hòa lại và hỏi: “Y Hòa, ngài vừa nói lời mơ hồ, ai là lương thần vậy?”

Y Hòa đáp: “Chính là đại phu ngài đây! Ngài đã chấp chính ở nước Tấn tám năm nay, nội bộ nước Tấn chưa từng động loạn, ngoại giao với các chư hầu chưa hề kém đi, vì vậy có thể gọi ngài là lương thần!”

Sau đó, Y Hòa nhìn Triệu Mạnh một lúc rồi nói:

“Tôi nghe nói, đại thần quốc gia đã nhận được bổng lộc và ân sủng của quốc quân thì nên vì quốc quân mà gánh vác trách nhiệm. Nếu như quốc quân có tai họa, đại thần lại không thể thay đổi cách làm sai lầm của quốc quân thì đại thần nhất định sẽ bị trời phạt. Hiện giờ quốc quân nước Tấn bởi vì hoang dâm mà dẫn đến bị bệnh nan y, không còn ý chí mà quan tâm xã tắc, liệu có tai họa nào lớn hơn thế này? Đại phu ngài không thể khuyên can Tấn hầu cho nên tôi mới tiên đoán ngài như vậy”.

Triệu Mạnh hỏi: “Cái gì gọi là ‘cổ’?”

Y Hòa trả lời:

Các giác quan của con người bị mê đắm trong thanh sắc, và tâm thần bị mê hoặc trong hôn ám, bệnh sinh ra đó là ‘cổ’. Theo văn tự giải thích, côn trùng sinh ra trong đồ đựng dụng cụ được gọi là ‘cổ’, côn trùng bay ra trong hạt ngũ cốc gọi là ‘cổ’. Trong Chu Dịch nói, nữ giới mê hoặc nam giới, gió lớn thổi rụng cây trên núi cũng được gọi là ‘cổ’. Đây đều là cùng một loại vật”.

Triệu Mạnh nói: “Ngài thực sự là lương y!” Sau đó ông đã ban tặng cho Y Hòa lễ vật hậu hĩnh và tiễn Y Hòa về nước.

Lời tiên đoán của Y Hòa quả nhiên nhanh chóng ứng nghiệm. Không lâu sau, Triệu Mạnh đi Nam Dương tế tổ thì đột nhiên bị chết. Mười năm sau, Tấn Bình Công qua đời. Nước Tấn từ đó vua yếu nước suy, quyền lực lọt vào tay 6 vị đại phu, lịch sử gọi là nạn “lục khanh”. Cuối cùng nước Tấn phân liệt, hình thành ba nước Hàn – Triệu – Ngụy.

Từ quan điểm của Trung y, trời là dương đất là âm, trên là dương dưới là âm, thể hiện ra ở con người chính là tâm chí phải nên giống như bầu trời, rộng lớn và thẳng thắn, phải như gió trong trăng tỏ, còn sắc dục phải tiết chế, phải ẩn giấu kiên trinh như mặt đất rắn chắc. Sa vào nữ sắc khiến cho người ta trở nên quyến luyến không muốn rời, khiến tâm sắc dục bị dao động, điều này trái ngược hẳn với yêu cầu của đạo dưỡng sinh. 

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: