Cổ nhân có câu: “Nói nhỏ ở nhân gian, Trời nghe thấy như tiếng sấm”, “Trời cao có mắt”, ý tứ là có những đấng cao hơn hiểu rõ ý niệm ngôn hành của con người, từ đó có những cảnh báo tương ứng. Các bậc minh quân, thánh hiền thời cổ đại đều tin vào đạo Trời, gặp việc khó khăn thì lập đàn tế cầu khấn, lại tin rằng nếu làm trái với đạo Trời thì sẽ có thiên tượng cảnh tỉnh, nếu tiếp tục cố tình vi phạm thì Thiên lý không dung, tất sẽ gặp báo ứng, nhẹ thì mất ngai vị, nặng thì vương triều suy vong.

Đạo trị quốc của cổ nhân: Trời cao có mắt
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan)

Theo ghi chép trong cuốn “Thượng Thư”, một năm sau khi nhà Chu diệt nhà Thương, thiên tử nhà Chu là Chu Vũ Vương lâm bệnh nặng. Chu Công lập đàn tế, cầu xin Thần linh, đại ý rằng nguyện đổi mạng mình để Chu Vũ Vương được khỏi bệnh, tiếp tục sứ mệnh thiên tử mà Trời cao giao phó. Sau khi cầu khấn xong, Chu Công gieo quẻ thì xuất hiện điềm lành. Sử quan đã chép lại những lời khấn cầu của Chu Công rồi đặt chúng vào một chiếc rương quý để cất giữ. Lời khấn của Chu Công khiến Trời cao cảm động, ngày hôm sau, bệnh tình của Chu Vũ Vương liền thuyên giảm.

Sau khi Chu Vũ Vương qua đời, Chu Thành Vương lên ngôi còn Chu Công làm nhiếp chính. Chú của Chu Thành Vương là Quản Thúc Tiên và những người em khác đã tung tin đồn vu cáo Chu Công mưu cướp ngôi, lại cấu kết với con cháu nhà Thương nổi dậy chống lại vương thất nhà Chu. Chu Công chinh chiến trong hai năm, bình định được phản loạn.

Sau này Chu Thành Vương trong lòng nghi ngờ Chu Công. Chu Công tự biết, bèn lui về ở ẩn. Khi Chu Thành Vương đọc được lời khấn của Chu Công trong chiếc rương quý kia thì hối hận, lại đón Chu Công trở về.

Không chỉ kính Trời, cầu Trời, các bậc minh quân hay nhiếp chính thời xưa cũng rất để tâm tới sự cảnh báo của Trời cao. Sau khi nhà Thương diệt nhà Hạ, Vua Thang bố cáo thiên hạ, trấn an lòng dân. Nhưng rồi nhà Thương bị hạn hán nặng mấy năm liền, ngũ cốc mất mùa, thần dân đều sợ hãi. Vua Thang lo lắng, từng nhiều lần tự mình thiết tế cầu mưa nhưng không có kết quả. Lúc ấy, viên quan đại thần phụ trách việc cúng tế nói cần dùng người làm vật tế, xin Trời mưa xuống. Vua Thang không đành lòng hy sinh tính mạng dân chúng nên tự mình tỉa tóc cắt móng tay, lấy bản thân mình làm vật tế.

Ông đi vào rừng dâu, quỳ gối trước đài cầu nguyện “tự trách 6 tội lỗi của mình”, nói rằng: “Một mình tôi có tội không liên quan đến vạn dân, vạn dân có tội đều là lỗi ở tôi. Chỉ do một người bất kính, cúi xin Thiên thượng thương xót dân chúng”. Ngay sau đó, Trời cao có mắt, mưa to như trút nước, dân chúng hết sức vui mừng.

Còn như quân vương không chú tâm tới thiên tượng, không tự cảnh tỉnh khi có thiên tai nhân họa, thì thường là quân vương mất nước. Trước khi nhà Hạ tiêu vong thì sông Y Thủy và Lạc Thủy cạn kiệt. Trước khi nhà Thương tiêu vong thì, sông Hoàng Hà cạn kiệt. Khi sông Kinh Thủy, Lạc Thủy, Vị Thủy cạn kiệt, núi Kỳ Sơn sụp đổ thì Chu U vương bị giết, vận mệnh nhà Tây Chu cũng kết thúc. Điều này kỳ thực không chỉ giới hạn ở một thời kỳ hay một triều đại nào, mà là xuyên suốt lịch sử.

Người xưa thực sự tin rằng “Trên đầu ba thước có Thần linh”. Họ tin rằng Trời cao minh tỏ suy nghĩ và hành vi của con người, sẽ phù trợ những người có đức hạnh, vì đó là hợp với đạo Trời. Nói cách khác, đạo đức của con người chính là sự phản ánh của đạo Trời vào nhân thế. Tất cả thiện ác trong thế gian, nhất tư nhất niệm của con người đều không trốn thoát khỏi lưới Trời. Vì vậy, phàm là thấy hiện tượng thiên văn dị thường nào xảy ra, các bậc minh quân và thánh hiền thời xưa sẽ trước tiên tự xét xem hành vi của mình, lập tức sửa sai.

An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời nghe radio: