Mạnh Tử nói: “Điểm khác biệt giữa người quân tử và kẻ phàm nhân là do suy nghĩ nội tâm ôm giữ những điều khác nhau. Điều người quân tử suy nghĩ trong tâm là Nhân, là Lễ. Đạo mà người quân tử học là để khiến hết thảy quay trở về với thiên lý.” Người quân tử có thể cầu thiện, tiếp nhận lời thiện, dùng đức hạnh cảm hóa người khác, vậy nên Mạnh Tử cho rằng đạo lý làm người trước tiên phải “thiện”. Việc trị quốc dưới góc nhìn của Mạnh Tử cũng là như vậy, cần khoan dung lắng nghe, tiếp nhận ý kiến của người khác và hướng thiện. Khi trị quốc cần khơi dậy thiện niệm trong tâm mỗi người, từ đó giúp họ quay về chính đạo, vậy mới đem lại lợi ích dài lâu cho quốc gia và bách tính.

Đạo trị quốc của Mạnh Tử
(Tranh minh họa qua Sound of Hope)

Chuyện kể rằng khi nước Lỗ dự định để Nhạc Chính Tử cai quản việc triều chính, Mạnh Tử đã rất đỗi vui mừng. Công Tôn Sửu, học trò của Mạnh Tử bèn hỏi rằng: “Thưa, Nhạc Chính Tử rất có kinh nghiệm chăng?”

Mạnh Tử nói: “Không”.

Công Tôn Sửu hỏi: “Vậy sao thầy lại vui mừng đến vậy?”

Mạnh Tử đáp: “Ông ta thích nghe những lời thiện ngôn, hơn nữa hành sự cũng tận hết chức trách.”

Công Tôn Sửu hỏi: “Những điều này đã đủ rồi ư?”

Mạnh Tử nói:

“Dựa vào những điều này có thể trị vì thiên hạ, huống hồ là nước Lỗ? Nếu thích nghe lời thiện ngôn, sẽ nguyện ý kết giao với người thiện, do vậy kẻ tiểu nhân sẽ không có đất dung thân. Nếu không thích nghe lời thiện ngôn, thì những người có kiến thức thực sự sẽ bị từ chối, đẩy xa cả ngàn dặm. Hơn nữa những kẻ sàm ngôn, a dua nịnh hót sẽ kéo đến. Nếu bên cạnh ông ta là những kẻ tiểu nhân này, thì sao có thể cai quản quốc gia được tốt? Làm quan phải dám duy hộ chính nghĩa và công lý. Không làm tròn chức trách, thì còn làm quan gì nữa?”

Từ đây có thể thấy Mạnh Tử cho rằng trị quốc thì phải giữ gìn chính nghĩa, biết lo lắng cho đại cục, minh tường đại nghĩa, coi việc hướng thiện, tuyên dương thiện là nhiệm vụ của mình.

Lại có lần nước Tần và nước Sở chuẩn bị giao chiến. Tống Khanh chuẩn bị đến hai nước du thuyết, khuyên can dừng binh. Ông bèn tìm đến Mạnh Tử.

Mạnh tử hỏi rằng: “Ngài định khuyên can họ thế nào?”

Tống Khanh nói: “Tôi sẽ nói với họ rằng, giao chiến rất không có lợi.”

Mạnh Tử nói:

“Động cơ của tiên sinh rất tốt, nhưng cách đề cập lại không ổn. Ngài dùng lợi ích để khuyên can Tần Vương, Sở Vương, thì họ sẽ vì có lợi mà vui mừng, thế nên mới dừng động binh. Quan binh của quân đội cũng vì lợi mà vui mừng, nên mới vui vẻ bãi binh. Làm thần tử, tâm tồn quan hệ lợi-hại mà phụng sự bậc quân vương, làm con tâm tồn quan hệ lợi-hại mà phụng sự phụ thân, như vậy giữa quân thần, phụ tử nhân nghĩa đều mất hết. Tâm tồn quan hệ lợi-hại mà đối đãi với nhau, mà không khiến quốc gia diệt vong, là điều chưa từng có.

Nếu tiên sinh dùng đạo lý nhân nghĩa mà khuyên can Tần Vương, Sở Vương, họ sẽ vì nhân nghĩa mà dừng động binh đao. Quan quân trong quân đội cũng vì nhân nghĩa mà vui vẻ bãi binh. Làm thần tử tâm tồn nhân nghĩa mà phụng sự quân vương, làm con tâm tồn nhân nghĩa mà phụng sự phụ thân, sẽ khiến mối quan hệ lợi-hại giữa vua tôi, phụ tử hoàn toàn bị loại bỏ. Tâm tồn nhân nghĩa mà đối đãi với nhau, mà không khiến thiên hạ quy phục, là điều chưa từng có. Do vậy chỉ cần nói về nhân nghĩa là đủ rồi, hà tất phải nói về lợi nữa đây?”

Tống Khanh gật đầu khen phải.

Mạnh Tử lại nói tiếp:

“Nếu họ thực sự nhận thức được, rằng nhân ái thì vinh quang, bất nhân sẽ phải chịu điều sỉ nhục, thì dẫu ở bất cứ nơi đâu cũng coi nhân đức là điều quý báu. Nếu chỉ coi trọng danh lợi, cũng coi như bản thân tự chiêu mời tai họa. Họa hại và hạnh phúc đều là do tự mình tìm đến.”

Có thể thấy Mạnh Tử cho rằng “nhân nghĩa” là xuyên suốt mọi việc trị quốc, từ đối nội cho đến đối ngoại. Đứng trên góc độ bình hòa của nhân nghĩa mới có thể khiến con người dùng quan niệm đạo đức mà đối đãi với nhau, sẽ không có sự xung đột về lợi ích. Người người đều trung thành, khiêm nhường, nhân ái chính nghĩa, thiên hạ mới trường tồn.

Trong lý niệm của Mạnh Tử, người quân tử chỉ có thể truy cầu những thứ phù hợp với đạo lý, tôn sùng đạo đức của bậc thánh hiền, thương yêu bách tính. Đồng thời người đó cần coi nhẹ quyền thế, coi nhẹ lợi ích, coi nhẹ tham dục, có vậy mới có thể giáo hóa quân thần, giúp bách tính dựng lập quan niệm tư tưởng đạo nghĩa tối thượng, trọng nghĩa khinh tài. Trị quốc như vậy thì đạo đức ắt sẽ tồn nhập lòng người. Dùng nhân phẩm, đức hạnh chân chính cảm hóa người khác và vạn vật, khơi dậy thiện  niệm trong tâm họ, mà giúp họ quay trở về với chính đạo. Đây mới là ý nghĩa và giá trị chân chính của việc lấy “thiện” trị quốc.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Lý Mai biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: