Xã hội hiện đại thường thích tâng bốc người nổi tiếng, đưa tin nào là người này lái chiếc xe thể thao hàng hiệu nào, biệt thự nhà ai hoa lệ, đám cưới của ai xa hoa. Ngược lại, trong lịch sử xa xưa, các bậc minh quân hiền thần đều chủ trương tiết kiệm, thanh đạm. Đây không phải là vì thời xưa thiếu thốn của cải vật chất hơn thời hiện đại mà là vì người xưa có hiểu biết rất rõ ràng về nhân quả của việc tiết kiệm và xa hoa.

Đạo trị quốc của người xưa: Phẩm đức của đức tính tiết kiệm
(Tranh minh họa: Public Domain)

“Tả Truyện” viết: “Kiệm, đức chi cộng dã, xỉ, ác chi đại dã”, tiết kiệm và đức hạnh luôn đi cùng nhau, còn xa xỉ là tội ác lớn.

Tư Mã Quang, học giả nổi tiếng thời Bắc Tống, giải thích rằng người có phẩm đức đều do tiết kiệm mà có, bởi vì người tiết kiệm ít dục vọng. Quân tử ít dục vọng sẽ không bị ngoại vật chi phối, vậy nên trong làm người, làm việc có thể giữ được sự chính trực và đạo đức. Người bình thường có ít dục vọng thì có thể tiết chế chi tiêu, làm cho gia đình giàu có, có thể hành sự cẩn thận, tránh xa tội ác. Bởi vậy có thể thấy tiết kiệm là nền tảng chung của đạo đức.

Ngược lại, xa xỉ ắt là nhiều dục vọng. Người có học mà nhiều dục vọng thì sẽ ham phú quý, rồi vi phạm đạo đức, chuốc lấy tai họa. Người bình thường có nhiều dục vọng thì sẽ tham lam, lãng phí, dẫn đến gia đình suy bại, tính mệnh tiêu vong. Người xa xỉ nếu làm quan trong triều nhất định sẽ nhận hối lộ, nếu mưu sinh trong dân gian tất sẽ thành đạo tặc. Cho nên mới nói xa xỉ là tội ác lớn nhất.

Người xưa có một loại nhạy cảm gần như “tiên tri” với những hành vi xa xỉ phóng túng của kẻ cầm quyền. Sách “Quốc Ngữ” ghi rằng vào năm Chu Định Vương thứ 8, quân vương phái Lưu Khang Công đi sứ sang nước Lỗ tặng lễ vật cho các đại phu nước Lỗ. Lưu Khang Công quan sát thấy Quý Văn Tử và Mạnh Hiến Tử là người tiết kiệm, trong khi Thúc Tôn Tuyên Tử và Đông Môn Tử lại quá xa xỉ.

Sau khi Lưu Khang Công về nước, Chu Định Vương han hỏi ông xem trong các đại phu ở nước Lỗ có vị nào hiền đức. Lưu Khang Công đáp: “Ở nước Lỗ, Quý Văn Tử, Mạnh Hiến Tử có thể giữ được chức vị lâu dài; Thúc Tôn Tuyên Tử, Đông Môn Tử có thể sẽ bại vong, cho dù gia tộc không suy bại thì bản thân họ nhất định cũng không cách nào tránh được tai họa.”

Định Vương hỏi: “Tại sao vậy?”

Lưu Khang Công đáp: “Quý Văn Tử, Mạnh Hiến Tử tiết kiệm, khiến gia tộc được phù hộ. Thúc Tôn Tuyên Tử, Đồng Môn Tử xa xỉ, người xa xỉ sẽ không có sự đồng cảm, thương xót kẻ bần khốn. Kẻ bần khốn nếu không được cảm thông, chiếu cố thì tình trạng phạm tội gia tăng, hoạn nạn tất sẽ giáng xuống, cuối cùng sẽ nguy hiểm cho bản thân. Huống hồ, nếu bầy tôi xa xỉ, quốc gia sẽ không kham nổi, vì thế mà đi đến diệt vong.”

Định Vương hỏi tiếp: “Vậy gia tộc Thúc Tôn Tuyên Tử và Đông Môn Tử còn có thể duy trì được bao lâu?”

Lưu Khang Công đáp: “Địa vị của Đông Môn Tử không bằng Thúc Tôn Tuyên Tử nhưng lại xa xỉ hơn Thúc Tôn Tuyên Tử, cho nên không thể hưởng bổng lộc liền hai triều được. Thúc Tôn Tuyên Tử địa vị không bằng Quý Văn Tử, Mạnh Hiến Tử nhưng lại xa xỉ hơn họ, cho nên không thể hưởng bổng lộc ba triều liên tiếp.”

Vào năm Chu Định Vương thứ 16, Lỗ Tuyên Công qua đời, Đông Môn Tử mất đi chỗ dựa, gia tộc của Đông Môn Tử chỉ còn cách chạy sang nước Tề.

Vào năm Chu Giản Vương thứ 11, hai năm trước khi Lỗ Thành Công, người kế vị của Lỗ Tuyên Công, qua đời, Thúc Tôn Tuyên Tử vì đã làm rất nhiều điều xấu, nên bị các đại phu nước Lỗ hợp lại tìm cách lưu đày. Vì thế, Thúc Tôn Tuyên Tử phải chạy sang nước Tề.

Lời dự đoán của Lưu Khang Công quả đã ứng nghiệm. Gia tộc xa xỉ thì nhất định bại vong. Đông Môn Tử chỉ được hưởng bổng lộc một triều, còn Thúc Tôn Tuyên Tử chỉ được hưởng bổng lộc hai triều.

Bậc minh quân nếu biết lấy tiết kiệm để trị quốc thì xã hội có tôn ti trật tự, cốt nhục có ân tình, tranh tụng chấm dứt. “Sử Ký” ghi rằng vào thời Hán Bình Đế, Thái hoàng Thái hậu ban chiếu thư rằng:

“Phương pháp trị vì quốc gia trước hết phải khiến cho bách tính giàu có lên; mà then chốt để bách tính giàu có lại ở chỗ biết tiết kiệm.

Khi quốc gia hưng thịnh, đức hạnh trọng yếu không gì bằng của bậc quân vương là tiết kiệm. Dùng mỹ đức tiết kiệm để giáo hóa bách tính thì tôn ti trật tự sẽ hình thành, ân tình giữa người thân sẽ càng thắm thiết, căn nguyên của phân tranh tố tụng sẽ biến mất. Đây là nền tảng làm nên sự giàu có, sung túc, không dùng hình phạt mà có thể trị quốc tốt, làm sao có thể không nỗ lực thực hiện chứ!

Trong các đại thần, người có thể tự thực hành tiết kiệm, coi nhẹ tiền tài, coi trọng nhân nghĩa, thì Chúc Bình Tân, Công Tôn Hoằng làm được tốt nhất. Họ quý ở chỗ làm thừa tướng nhưng chỉ mặc áo vải bố, mỗi bữa chỉ ăn một món ăn mặn với cơm thô, lương bổng lĩnh được đều dùng để chiêu đãi người hiền lương và khách khứa, bản thân không dư giả tiền tài. Đó là biểu hiện của người biết khắc chế nội tâm, tự ngã, mà ngôn hành biết tuân thủ pháp chế.”

Lấy tiết kiệm trị quốc, dù là nhân dân hay quan viên thì đều biết khắc chế bản thân, ăn mặc chi phí tiết kiệm, tiền tài tiêu pha vừa đủ, không tham ô, không nhận hối lộ, còn dư giả thì giúp đỡ người khác, nhờ vậy giữa người với người có sự thương mến, quan tâm, hòa thuận, phân tranh giảm thiểu, xã hội an định.

Tiết kiệm không đồng nghĩa với bần cùng, keo kiệt. Người có phẩm đức tiết kiệm không phải vì thiếu thốn tiền tài, cũng không phải vì keo kiệt bủn xỉn, mà vì họ hiểu được rằng “Tiết kiệm là mỹ đức”. Rất nhiều người có thói quen tiết kiệm, ngược lại, lại càng biết cách hưởng thụ cuộc sống, quý trọng thiên nhiên, trân quý của ngon vật lạ, cũng sẵn lòng chia sẻ, vui vẻ giúp người, bởi vì bất cứ mỹ đức nào cũng hàm chứa nội hàm vị tha (vì người khác), không ích kỷ.

Người tiết kiệm không chấp trước vào phóng túng hưởng lạc, nội tâm không có dục vọng ắt sẽ trở nên mạnh mẽ, nên dễ giữ vững cách làm người làm việc theo chính đạo, tu thân dưỡng đức. Người xa xỉ chấp trước vào vật chất, dễ sinh lòng tham, thậm chí còn dùng thủ đoạn bất chính mưu cầu tiền tài, cuối cùng chiêu mời tai ương hoạn nạn.

Theo “Phẩm đức của đức tính tiết kiệm
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Khởi Tuệ

Xem thêm:

Mời xem video: