Trong cuốn “Tác ẩn” viết: “Vương giả dĩ dân vi thiên, dân dĩ thực vi thiên, năng tri thiên chi thiên giả, tư khả hĩ”, nghĩa là bậc quân chủ của một nước nhất định phải coi trọng vấn đề mà dân chúng cho là quan trọng nhất; vấn đề hàng đầu của dân chúng, cũng là vấn đề quan trọng nhất với dân chúng là vấn đề  lương thực; chỉ cần đem vấn đề thiết yếu nhất của dân chúng trở thành vấn đề thiết yếu nhất của quân vương là được.

“Dân dĩ thực vi thiên” từ lâu đã trở thành một câu thành ngữ nổi tiếng. Đại ý là nói dân chúng thiên hạ xem lương thực là thứ quan trọng nhất để sinh tồn. Câu nói biểu thị tính trọng yếu của lương thực đối với dân chúng, càng ẩn chứa đạo trị quốc to lớn. Cổ nhân cho rằng nếu như dân chúng lầm than, lương thực không đủ ăn, nạn đói xảy ra ở khắp nơi thì sẽ có cướp bóc, nhân dân sẽ phản loạn triều đình. Một khi dân chúng không thể nhẫn nhịn được nữa thì thiên hạ nhất định đại loạn. Điều này đối ứng với đạo lý ẩn chứa trong câu ngạn ngữ “nước có thể nâng thuyền, nước cũng có thể lật thuyền”. Một triều đình ẩn chứa nguy cơ thiếu lương thực thì cũng chính là ẩn chứa nguy cơ xảy ra tai họa.

Đạo trị quốc: Dân dĩ thực vi thiên
Quân vương thời xưa làm lễ tịch điền, đích thân cày ruộng. (Tranh minh họa: Public Domain)

Liên quan đến câu thành ngữ này có một điển cố có xuất xứ trong “Sử ký. Lịch sinh lục cố liệt truyện” của tác giả Tư Mã Thiên như sau:

Sau khi triều Tần bị diệt vong, giữa Lưu Bang và Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ lại xảy ra cuộc chiến tranh giành quyền vị. Trong trận Bành Thành, quân đội Lưu Bang bị tổn thất nghiêm trọng nên rút lui về Huỳnh Dương, Thành Cao hòng lấy thủ làm công. Nhưng quân lương của quân Hán dần dần không đủ. Trên Ngao Sơn ở phía tây bắc Huỳnh Dương có một toà thành nhỏ xây từ thời Tần, trong thành có nhiều kho chứa lương thực. Cũng vì được xây dựng ở Ngao Sơn nên nó được gọi là Ngao Thương. Ngao Thương là kho lương thực quan trọng nhất ở Quan Đông, vì thế chiếm lĩnh được kho lương này là điều vô cùng quan trọng.

Quân Hạng Vũ tấn công dũng mãnh khiến cho Huỳnh Dương nguy cấp. Lưu Bang định cắt nhường phía đông Thành Cao cho Hạng Vũ, lui quân về giữ vùng Củng Lạc, cho rằng làm như vậy có thể tổ chức lại lực lượng để cùng quân Sở quyết chiến.

Lúc ấy, mưu sĩ Lịch Thực Cơ biết được chủ ý này của Lưu Bang đã lên tiếng khuyên rằng: “Thần nghe nói, kẻ biết đạo trời, việc vua có thể thành; kẻ không biết đạo trời, việc vua không thể thành. Vua cần đặt dân chúng lên trên hết, và người dân thì coi lương thực là trên hết” (Vương giả dĩ dân nhân vi thiên, nhi dân nhân dĩ thực vi thiên).

Ý tứ Lịch Thực Cơ muốn nói là bậc đế vương phải dựa vào sự hậu thuẫn của dân, còn dân lấy cái ăn làm trọng. Ngao Thương là vị trí trọng yếu tàng trữ phong phú lương thực, thế mà Lưu Bang lại muốn bỏ đi. Một khi kho lương thực này mất đi rồi thì sẽ bất lợi vô cùng đối với quân đội nhà Hán.

Lưu Bang trầm tư rồi hỏi: “Theo cao kiến của tiên sinh, ta nên làm thế nào?”

Lịch Thực Cơ nói rằng: “Hiện giờ Hạng Vũ đang tích trữ lương thực ở Ngao Thương nhưng quân Sở lại không có trọng binh phòng thủ. Đại vương phái binh tấn công Ngao thương, giành được lương thực, thu phục dân chúng nước Sở. Quân Hán có lương thực lại có lòng dân nước Sở thì có thể đánh bại quân Sở”. 

Lưu Bang làm theo mưu kế mà Lịch Thực Cơ đã vạch ra, quả nhiên sau đó đã xoay chuyển được thế cục, giành được thắng lợi.

Câu “Dân nhân dĩ thực vi thiên” xuất hiện đầu tiên trong “Sử Ký”. 180 năm về sau, Ban Cố người Tây Hán khi viết “Tiền Hán thư” cũng viết lại câu chuyện lịch sử này nhưng ông đã bỏ đi chữ “nhân”, khiến nó trở thành câu thành ngữ “Dân dĩ thực vi thiên” mà ngày nay thường dùng.

Bởi vì “dân dĩ thực vi thiên”, lương thực là thứ quan trọng nhất đối với sự sinh tồn của con người, là điều con người dựa vào để sống cho nên khi dân mà no đủ, giàu có thì họ sẽ an cư lạc nghiệp tại quê hương, trân quý và xem trọng sản nghiệp của gia đình mình. Khi dân đã an cư lạc nghiệp, xem trọng sản nghiệp của bản thân rồi thì sẽ cung kính với quan lại bên trên và tránh việc phạm tội. Khi dân đã kính trên và sợ phạm tội thì sẽ dễ dàng trị vì.

Còn khi quốc gia để dân chúng nghèo khó, không đủ cái ăn để sinh tồn thì dân chúng sẽ không thể an cư lạc nghiệp. Vậy nên họ coi nhẹ sản nghiệp gia đình. Khi dân chúng đã bất an, coi nhẹ sản nghiệp của gia đình thì sẽ dám mạo phạm thượng cấp và không sợ vi phạm pháp lệnh, như vậy sẽ rất khó cai trị.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: