Sách “Hoài Nam Tử” viết: “So với sự phức tạp và khả năng thay đổi của vạn vật thì trí tuệ và năng lực của con người là quá nông cạn và hạn hẹp. Nếu con người muốn quan sát thế giới bằng trí tuệ và khả năng hạn hẹp của bản thân mình, muốn coi xét con người và vạn vật theo mọi hướng, không tuân theo quy luật của Đạo mà hoàn toàn dựa vào tài năng của mình thì khoảng cách mà người ấy rơi vào hoàn cảnh khốn cùng sẽ không xa”. Ngay cả bậc Thánh nhân trong lịch sử khi làm việc lớn cũng không thể chỉ dựa vào năng lực của bản thân mình.

Đạo trị quốc: Làm việc lớn không thể dựa vào trí lực một người
Tranh “Đế vương đạo thống vạn niên đồ” của họa sĩ Cừu Anh thời Minh. (Tranh: Public Domain)

Thời xưa, Thương Thang và Chu Vũ Vương đều là những vị quân chủ thánh minh, nhưng họ quen sống trên cạn chứ không thể bơi thuyền nhỏ như Việt tộc phương nam. Y Doãn là tể tướng tài đức sáng suốt, là công thần phò tá triều Thương kiến lập sự nghiệp đế vương nhưng ông không thể cưỡi chiến mã đi thuần phục ngựa hoang như người Hồ ở phương bắc. Khổng Tử và Mặc Tử đều là những nhân vật học thức uyên bác, thông đạt nhưng họ cũng không thể tự do ra vào rừng rậm và núi cao trùng điệp như những người sinh sống ở trên núi được.

Trí tuệ và năng lực của con người trong việc nhận thức và điều khiển sự vật là hạn chế, là có giới hạn nhất định mà thôi, không thể đủ để nhận thức và điều khiển được tự nhiên. So với sự phức tạp và khả năng biến đổi của vạn vật thì trí tuệ và năng lực của con người là quá nông cạn. Nếu con người muốn dùng trí tuệ và năng lực hạn hẹp của mình để soi sáng tứ hải, bảo hộ tứ phương chứ không tuân theo quy luật của Đạo thì sẽ dễ dàng rơi vào cảnh ngộ khốn cùng. Cho nên cổ nhân chỉ ra rằng người làm việc lớn cần phải quy tụ được vạn dân, cần phải khiến nhân tâm cùng hướng.

Hạ Kiệt, vị vua thứ 17 và cuối cùng của nhà Hạ trong lịch sử là người có võ lực rất mạnh mẽ. Ông có thể dùng tay không mà bẻ gãy được xương và sừng động vật, bẻ thẳng được những chiếc móc sắt bị cong, vặn sắt thành dây thừng… Thuộc hạ của Hạ Kiệt là Thôi Xỉ và Đại Hi khi xuống nước có thể giết chết được rùa lớn, khi lên núi lại có thể bắt được gấu lớn. Thế nhưng Hạ Kiệt làm mất lòng dân. Khi Thương Thang dẫn quân tấn công Hạ Kiệt lại có thể bao vây cả Hạ Kiệt và hai thuộc hạ của ông ta tại Minh Điều, thậm chí còn bắt sống được bọn họ ở Tiêu Môn. Thực sự đúng là không thể chỉ dựa vào sức mạnh của bản thân mà nắm lấy thiên hạ.

Dựa vào trí tuệ của một người thì không thể trị quốc được, dựa vào dũng lực của một người thì không thể phô trương thanh thế được. Vậy nhưng trong lịch sử có những vị quân vương không ra khỏi triều đình mà vẫn bình trị được thiên hạ. Đó là bởi vì họ có thể tập hợp được sức mạnh, tập hợp được trí tuệ, tập hợp được lòng tin.

Giếng cạn và ao nước nhỏ sở dĩ không có rùa lớn là bởi vì chúng quá chật hẹp. Trong vườn nhỏ không có cây cổ thụ cao ngút trời là bởi vì diện tích có hạn. Một cái đỉnh nặng nếu chỉ dựa vào sức lực của một người thì sẽ rất khó để nhấc lên được nhưng nếu mọi người cùng hợp lại thì sẽ dễ dàng di chuyển được. Vì vậy, vạn người cùng làm thì sự nghiệp sẽ không bị gián đoạn, vạn người cùng làm thì sự nghiệp sẽ không bị bỏ dở giữa chừng.

Hoa Lưu, Lục Nhĩ là hai con tuấn mã của Chu Mục Vương, một ngày có thể chạy hơn ngàn dặm, nhưng nếu dùng chúng để đi săn thỏ thì sẽ thua xa chó săn. Đó là bởi vì kỹ năng của chúng là khác nhau. Cũng vậy, Đằng xà có thể bay trong sương mù, Ứng long có thể cưỡi mây, Viên hầu có thể nhảy nhanh trong rừng… Cho nên thời xưa người xây dựng kiến trúc, thợ sơn sẽ không quản đến việc vẽ tranh, thợ điêu khắc cũng không quản việc đóng mộng. Những người thợ thường chỉ giỏi một nghề. Mọi người đều giữ bổn phận của mình, làm hết phận sự của mình, chung sống hòa bình và không xâm phạm lẫn nhau. Bằng cách này, mọi người sẽ nhận được những gì đáng được nhận, mọi thứ được an toàn, đồ dùng không bị hư hỏng, sự tình không bị trì hoãn chậm trễ, trách nhiệm sẽ được rõ ràng và không bị buông lơi. Trách nhiệm chức vị ít thì sẽ dễ dàng làm hết phận sự, trách nhiệm gánh vác nhẹ thì sẽ dễ dàng hoàn thành, hơn nữa mọi người cũng đều vui vẻ gánh vác. Quân chủ ở bên trên giữ được sự giản lược, gọn gàng, các quan lại bên dưới sẽ càng dễ dàng làm tốt công việc của mình, như vậy thì quân vương và bề tôi tuy rằng làm việc cùng nhau lâu dài cũng sẽ không lừa gạt được nhau, chính trị rõ ràng, dân chúng an ổn.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: