Văn hóa truyền thống cho rằng Thiên nhân hợp nhất, Trời và người là tương thông, do vậy trật tự ở thế gian con người có thể đạt được sự phồn vinh thịnh vượng là bởi vì nó phù hợp với Thiên đạo hay đạo Trời. Vào thời kỳ quân chủ, Hoàng đế là “phụng Thiên thừa vận”, tuân theo ý Trời, do đó được xưng là Thiên tử, đại biểu cho ý chỉ của Thượng Thiên đến nhân gian thống lĩnh dân chúng. Khi hành vi của Thiên tử phù hợp với Thiên đạo thì dân chúng sẽ ủng hộ, đất nước cường thịnh. Nhưng khi Thiên tử rời bỏ Thiên đạo, làm trái với Thiên đạo thì sẽ có người đến thảo phạt, đánh dẹp và thay thế vị Thiên tử đó. Bởi vậy là vua thì phải theo Vương đạo, và cần dùng Lễ trị để dẫn hướng dân chúng thuận theo Thiên đạo, hiểu rõ đạo làm người.

Đạo trị quốc: Sức mạnh của Vương đạo và Lễ trị
(Tranh minh họa: Chí Thanh, Vision Times tiếng Trung)

Nhà Hạ là triều đại rất sớm trong lịch sử phương Đông. Đến thời Hạ Kiệt, hoang dâm vô độ, có vị quan trong triều đã khuyên ông ta bớt phóng túng nhưng ông ta khinh thường mà nói: “Ta tựa như Thái dương vậy, Thái dương có thể tiêu vong được sao? Chỉ có Thái dương tiêu vong thì ta mới tiêu vong!” Nhưng Hạ Kiệt nhanh chóng bị tiêu diệt, nhà Hạ mất, nhà Thương lên thay. Nhà Thương suy, nhà Chu lại lên thay.

Tới thời nhà Chu, trong “Kinh thi. Đại nhã. Văn Vương” viết rằng “Chu tuy cựu bang, kì mệnh duy tân”, ý tứ là nước Chu tuy là một nước có lịch sử lâu đời nhưng sứ mệnh của nó theo kịp yêu cầu của Thiên mệnh, bởi vì Thượng Thiên sẽ chỉ giúp đỡ người có đức, chính là biểu hiện của Thiên đạo tại thế gian con người. Vì vậy, các bậc thánh vương minh quân của các triều đại đều tu dưỡng đức hạnh của bản thân mình để phù hợp với thiên mệnh. Tất nhiên không chỉ có Thiên tử, cả quân và thần đều phải có đức hạnh, tận trách, dẫn dắt dân chúng sống một cuộc sống có trật tự tốt đẹp. Nhưng yêu cầu đối với quân vương là cao, vì quân vương đóng vai trò rất chủ yếu trong hướng đi của một triều đại.

Để duy trì trật tự trong xã hội thì thông thường có hai loại phương pháp, một loại là vương đạo, một loại là bá đạo. Vương đạo là “tu nội mà an ngoại”, bắt đầu từ chính bản thân mình, tu bản thân mình mà khiến mọi việc xung quanh được an định. Sách “Luận ngữ” viết: “Người ở xa không phục, hãy tu sửa văn đức, khiến người ta tìm đến”, thông qua tu dưỡng đức hạnh của bản thân mình khiến cho người ta vui lòng phục tùng mình. Bá đạo là dùng vũ lực để chinh phục người khác, khiến cho người khác sợ hãi mà phục tùng mình, không dám phản kháng lại.

Trong “Luận ngữ” viết: “Trị vì dân bằng pháp luật và hình phạt, dân có thể tránh được sai phạm nhưng mất lòng tự trọng. Trị vì dân bằng đức độ và lễ nghĩa sẽ khiến người ta biết xấu hổ mà tự cảm hóa”. Nếu như trật tự của một quốc gia mà dựa vào pháp chế lệnh cấm để quản lý, lấy hình phạt để ước thúc dân chúng thì dân chúng sẽ vì muốn tránh bị phạt mà phục tùng, nhưng không biết hổ thẹn. Nếu trật tự của một quốc gia mà dựa vào đức hạnh đến để giáo hóa, lấy lễ chế đến ước thúc thì dân chúng không chỉ biết hổ thẹn, tuân thủ pháp luật mà còn đi con đường chính đạo. Hai phương pháp này chính là kết quả cuối cùng của Lễ trị và Pháp trị.

Thực ra, Lễ và Pháp đều là để duy trì trật tự xã hội, khác biệt chính là Lễ sẽ ngăn chặn được mọi việc trước khi chúng xảy ra còn Pháp thì để trừng phạt khi sự việc xảy ra rồi. Người được Lễ giáo hóa thì sẽ tu dưỡng đạo đức bản thân, vứt bỏ đi những ngôn hành cử chỉ không phù hợp. Còn Pháp là để khiển trách, trừng trị những lời nói và hành động vượt quá pháp luật.

Văn hóa truyền thống luôn đề xướng tinh thần Lễ trị và Vương đạo, trong hàng nghìn năm, nó đã tạo nên những thời đại thịnh trị mà người dân sống hạnh phúc. Cái gọi là “hạnh phúc” này không phải là sự thỏa mãn về mặt vật chất, mà là sự an ổn về mặt tinh thần trên cục diện quốc gia. Điều này thì xã hội hiện đại không thể tự nhận là làm được, thậm chí còn kém hơn rất nhiều.

sao ảnh hưởng tinh thần của Vương đạo lại sâu xa đến như vậy? Bởi vì văn hóa truyền thống tin rằng việc nâng cao đạo đức nội tâm của một người là mục đích của cuộc đời này và việc nâng cao đạo đức của bản thân cũng dẫn dắt mọi người nâng cao đạo đức. Cho nên tu thân, tề gia, trị quốc dẫn đến bình thiên hạ, mà bình thiên hạ không phải vì một cá nhân mà là vì mọi người, đều có thể bước đi trên con đường chính đạo.

Thiên hạ là thiên hạ của mọi người, quân vương cần tuyển chọn những người có tài có đức để bổ nhiệm và từ đó giúp nâng cao việc tu dưỡng đạo đức của dân chúng, để con người không chỉ yêu thương người thân mà còn yêu thương đến mọi người khác, từ đó khiến cho người già người trẻ nam nữ đều có thể sống hòa bình yên ổn, giữa mọi người có sự hòa thuận.

Với phương thức này, quân vương sẽ được trợ giúp khi hành vi phù hợp Thiên đạo và không được trợ giúp khi làm điều trái Thiên đạo, sẽ được lòng dân mà được thiên hạ và mất lòng dân mà mất thiên hạ. Mọi hành vi của quân vương đều được dân chúng nhìn thấy và tự lòng dân đều đo đếm được. Hoàng đế Đường Thái Tông triều nhà Đường có nói “nước nâng thuyền, nước cũng có thể lật thuyền”. Vậy khi nào nước có thể nâng thuyền, khi nào có thể lật thuyền? Chính là khi quân có Vương đạo, quan có đạo làm quan, dân có đạo làm dân, tựu chung đều chính là “nhân đạo” (đạo làm người), còn khi người đã không còn đạo nữa thì vận mệnh đất nước sẽ đổi thay hoặc tiêu vong.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Lâm Phương Vũ
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: