Năm 2004 tôi có việc ra Huế, đi ngang qua hiệu sách (chắc là quốc doanh) nên ghé vào xem chơi. Thấy cô (hay bà?) hàng sách xinh đẹp, áo dài, tóc thề đúng điệu Huế, tôi vờ vĩnh “Tôi muốn một sách viết về Huế của ông Y”. Cô hàng đang cười, bỗng mím môi, quay phắt mặt đi…

Coi đó, thái độ con gái Huế nắng mưa, “ong”“chanh” không thể tả. Thật ra tôi không thích tác giả Y này, vì gian ý lập lờ trong tài liệu và cả câu chữ. Viết sử có thể chủ quan, nhưng viết gian thì không chấp nhận được. Thái độ của o hàng sách này cho thấy, dân Huế cũng chẳng ưa cha nội Y này. Tôi cười cười, vậy cô giới thiệu cho tôi sách nào về Huế đi. Cô hàng đưa cho tôi quyển có bìa nửa tím nửa trắng, lâu quá tôi quên rồi, chỉ nhớ do nhiều tác giả viết. Tôi liếc thấy trên kệ sách có quyển “Những người bạn cố đô Huế”. Tới đây thì hết dám giỡn. Tôi nói, chị cho tôi xem quyển đó. Lật qua vài trang, xem lướt phần mở đầu, mục lục… Tôi hỏi, ra được bao nhiêu tập nhiều rồi?. – Dạ, 13 tập. – Chị lấy hết cho tôi 13 tập đó, đóng gói giùm. Tôi thanh toán trước, cho gửi sách lại đây, tôi sẽ quay lại lấy sau.

Thỉnh thoảng tôi đọc sách về Huế, thấy hơi một chút tác giả lại trích đoạn từ BAVH – Đô thành hiếu cổ… nên hiếu kỳ muốn đọc. Hồi trước thấy chợ sách cũ Đặng Thị Nhu có bán 1 tập, nhưng bằng tiếng Pháp. Trình độ tiếng Pháp tôi cọc cạch, đọc sách kỹ thuật còn toát mồ hôi, huống chi sách loại này.

Đô thành hiếu cổ là tập san ra đời năm 1914 và đình bản năm 1944, do linh mục Léopold-Michel Cadière làm chủ bút. Ông cũng là sáng lập viên Hội Đô thành hiếu cổ trước đó 1 năm (1913).

Tâp san “Đô thành hiếu cổ” được dịch từ “Bulletin des Amis du vieux Huế, BAVH”, mà nghĩa đen là “Những bạn của Huế xưa”. Bây giờ dịch là “Những người bạn cố đô Huế”. Tôi thích từ “Đô thành hiếu cổ” hơn vì năm 1913, Huế vẫn còn là kinh đô của Đại Nam, dù Nam kỳ là thuộc địa Pháp, còn Bắc và Trung kỳ là xứ bảo hộ.

Tập san BAVH mỗi năm ra vài số (khoảng 4 số), liên tục như thế trong 30 năm, cho đến khi đình bản năm 1944 do thời cuộc. Tập san đăng những nghiên cứu về Kinh thành Huế, lịch sử Huế, ngôn ngữ học, dân tộc học, văn hóa dân gian xứ Huế,…

NXB Thuận Hóa đã cho dịch tập san này sang tiếng Việt, mỗi năm đóng thành 1 tập. Theo như lời giới thiệu trong tập I (năm 1914), NXB cho biết họ đã dịch trọn bộ, in tập đầu tiên năm 1997, và mãi tới năm 2016 mới ra tập cuối cùng. Nếu tính cả thời gian khởi đầu dịch thuật từ năm 1990, thì mất 25 năm.

Tôi có trong tay bản dịch Tập I (năm 1914) được NXB Thuận Hóa phát hành năm 1997, chỉ in 500 bản thôi thì đủ hiểu khó khăn biết chừng nào, vậy mà NXB vẫn “lỳ đòn” không bỏ cuộc, in cho đến tập cuối cùng.

Tôi chỉ đọc lai rai 13 tập BAVH mua năm 2004, xem mục lục rồi tìm bài đọc, chưa hết tập này đã xọ tập kia, thích bài nào đọc bài đó, đến nay đã non 20 năm vẫn chưa đọc xong. Mỗi tập có độ dầy không giống nhau vì tùy số bài của tập san trong năm đó.

Mới đây một người quen gửi tặng tôi trọn bộ BAVH gồm 31 tập – Chuyện đời còn đa đoan nhiều thứ, không biết chừng nào mới đọc xong, mà những bài trong tập san này, đọc một lần chưa chắc đã “tiêu hóa” nổi.

Những nghiên cứu ban đầu về Huế của BAVH có thể có những sai sót, nhưng thế hệ sau sẽ bổ sung. Công đầu vẫn thuộc về những người khai phá. Dù có những điểm không đồng ý với tác giả bài báo, nhưng các dịch giả đã tôn trọng tác giả, dịch nguyên văn và chú thích những bất đồng bên dưới.

Người đọc như tôi (mà đọc cũng chưa xong bộ sách) chỉ còn biết vái chủ biên Léopold-Michel Cadière và những cộng sự của ông 3 vái, còn 2 vái dành cho NXB Thuận Hóa và các dịch giả. Không có tấm lòng yêu Huế cuồng si thì không thể làm được những điều như thế. Đa tạ!

Do thanh hieu co 02 Do thanh hieu co 01

Vũ Thế Thành
Bài đã đăng trên Sài Gòn Thập Cẩm (saigonthapcam.wordpress.com)

Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành
Mời bạn đọc tìm hiểu thêm các tác phẩm của tác giả Vũ Thế Thành.

Xem thêm:

Mời nghe radio: