Ngày nay, mỗi dịp hội ngộ, người ta thường chúc nhau phát tài để thể hiện tấm lòng đối với nhau. Người hiện đại coi trọng tiền tài của cải như vậy thực sự là khác biệt lớn với quan niệm “mừng vui trong cảnh nghèo khó” của người xưa.

Trí tuệ cổ nhân: Mừng vui trong cảnh nghèo khó
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Trong cuốn sách cổ Quốc Ngữ có chép lại một câu chuyện như vậy. Thời Xuân Thu, ở nước Tấn có một vị quan đại phu là Thúc Hướng. Có một lần, ông đến gặp Hàn Tuyên Tử thì thấy vị Khanh đại phu này đang ưu sầu, nhà cửa có vẻ nghèo khó, Thúc Hướng bèn nói lời chúc mừng Hàn Tuyên Tử.

Hàn Tuyên Tử nói:

Cái chức Khanh đại phu của ta chỉ hữu danh vô thực, nghèo khó thật không có gì để có thể kết giao. Ta đang vì chuyện này mà phát buồn phát sầu. Ngài lại nói lời chức mừng ta, là nguyên cớ vì sao?

Thúc Hướng trả lời:

Trước đây, Loan Vũ Tử quản lý việc cúng tế trong triều nhưng trong nhà ông ngay cả dụng cụ để tế lễ cũng không có đủ. Vậy mà ông vẫn có thể truyền bá đạo đức tốt đẹp, tuân theo pháp chế, danh tiếng truyền đến cả vua các nước chư hầu. Chư hầu các nước thân thiết với ông, kẻ địch quy thuận ông, bởi thế mà nước Tấn yên ổn, người người đều tuân thủ pháp tắc, cho nên tránh được tai họa.

Khi chức ấy truyền xuống đời con là Hoàn Tử, Hoàn Tử kiêu căng ngạo mạn, xa xỉ vô độ, lòng tham không đáy, làm việc phạm pháp, tích trữ tài vật, tham tài trục lợi, lẽ ra đã gặp phải tai họa to lớn. Nhưng, nhờ âm đức của Loan Vũ Tử nên ông ta mới có thể yên ổn mà chết già.

Về sau chức ấy truyền cho đời cháu là Hoài Tử, Hoài Tử không học theo những việc làm của cha Hoàn Tử mà học tập đức hạnh của ông nội Loan Vũ Tử. Lẽ ra ông ta có thể được nhiều hơn, nhưng vì chịu lụy từ tội nghiệt do Hoàn Tử để lại mà cuối cùng phải lưu vong đến nước Sở.

Hàn Tuyên Tử lại nói:

Còn như Khích Chiêu Tử, tài sản của ông ta bằng một nửa tài sản của hoàng thất nước Tấn. Người hầu trong nhà ông ta bằng một nửa tam quân. Ông ta cậy vào tài sản và thế lực của mình, ở nước Tấn sống xa hoa vô cùng. Cuối cùng ông ta cũng nhận phải tội chết, bị phơi thây ở sân triều đình, liên lụy khiến họ hàng cũng bị giết hết.

Trong tám người họ Khích, có năm người làm quan đại phu, ba người làm quan khanh, quyền thế của họ đủ lớn, nhưng vì sao vẫn phải chịu cảnh ấy? Đó là bởi vì không có một người nào đồng tình với hành vi của họ, vì họ không có đức hạnh.

Hiện tại, ngài gặp cảnh nghèo khó như của Loan Vũ Tử, ta cho rằng ngài có thể kế thừa đức hạnh của ông ấy, cho nên mới chúc mừng ngài. Nếu ngài không sầu lo vì đức hạnh hay vì không có đóng góp cho triều đình, dân chúng, mà lại chỉ sầu lo vì tài vật của cải nghèo khó thiếu thốn, thì quả thực là ta thương cảm cho ngài, không thể nói lời chúc mừng được nữa.

Hàn Tuyên Tử nghe xong những lời nói của Thúc Hướng, vội dập đầu nói:

Ta ở vào thời điểm sắp diệt vong, toàn bộ là dựa vào ngài đã cứu ta. Chẳng những bản thân ta, con cháu ta nhận lời giáo huấn của ngài, mà gia tộc ta cũng phải đội ơn ngài.

Người xưa giảng “âm đức”, “tích đức”, những lời này người thời nay khó mà hiểu hết, cũng không công nhận. Nhưng nếu chịu khó quan sát thẳng thắn chừng vài ba thế hệ ở một gia tộc nào đó trong lịch sử hay ở quanh ta, dấu vết biểu hiện của âm đức rất khó tẩy xóa, phủ nhận.

Ngày nay, con người khi gặp chuyện tốt đẹp hay xấu tệ thì đều cho đó là ngẫu nhiên, nhưng cổ nhân không cho là vậy. Văn hóa truyền thống cho rằng hết thảy danh vọng, tài vận, phúc lộc của một người đều là do đức và nghiệp tích từ nửa đời trước hoặc là các đời trước mà sinh ra. Người nào có được “âm đức” thì làm gì cũng thông thuận, hoặc nếu có khó khăn thì cũng là “hữu kinh vô hiểm”. Còn người nào có “ác nghiệp” thì làm gì cũng trắc trở, khó khăn, mà nếu không từ thủ đoạn đạt được thành công thì hậu quả lại là thân bại danh liệt, thậm chí tổn hại đến sinh mệnh của bản thân.

Cổ nhân giảng rằng nghèo khó không đáng để ưu sầu, giàu có không đáng để mừng vui, khuyết đức thiếu đức mới là điều đáng trăn trở. Người thất đức thì càng giàu có càng có thể hại người hại mình. Người vô đức thì dù có tài sản, có tiền bạc, có địa vị cũng không thể hưởng thụ được, phải suốt ngày sống trong sự mất ăn mất ngủ, dằn vặt khổ đau, các thế hệ sau càng khó có thể sống được thanh thản. Bởi vậy, người xưa cho rằng thiện lương là nguồn gốc của hết thảy hạnh phúc, còn phát tài, giàu có chưa hẳn đáng để chúc mừng, ngưỡng mộ hay kỳ vọng.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: