Kinh Dịch giảng: “Đức hạnh kém mà nhận địa vị tôn quý, trí tuệ và năng lực thấp mà lại mưu sự lớn, sức lực yếu ớt mà nắm giữ trọng trách, người như vậy không có mấy kẻ là không gặp tai họa.” Đức hạnh của người trị vì có ảnh hưởng trực tiếp tới phúc họa của vương triều. Đạo đức và chính trị liên quan mật thiết với nhau, đây không phải là hiện tượng riêng biệt trong nền văn hóa phương Đông, ví như nền cộng hòa của nước Mỹ cũng được xây dựng trên nền tảng đạo đức.

Đức hạnh của người trị vì và phúc họa của vương triều
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Hán Văn Đế Lưu Hằng, vị hoàng đế thứ năm của nhà Tây Hán cùng với con là Hán Cảnh Đế là hai vị quân vương tài năng đức độ trong lịch sử. Trong thời gian trị vì, họ đã lựa chọn phương châm trị quốc “khinh dao bạc phú” (nhẹ lao dịch, ít thuế má) và “dữ dân hưu tức” (cho dân được nghỉ ngơi). Hai cha con tài đức sáng suốt đã khai sáng nên thời đại thái bình thịnh trị, được hậu nhân gọi là “Văn Cảnh chi trị”.

Hán Văn Đế từ ăn đến mặc đều rất giản dị, mộc mạc. Trong sách “Sử Ký” ghi lại đại ý rằng: “Thành viên của hoàng tộc thì trang phục không được xa hoa, rèm màn không được trang trí hay thêu thùa hoa văn, nghĩ đến thiên hạ mà làm gương cho họ, ngay cả các quan đại thần và quý tộc trong triều cũng không được xa xỉ lãng phí, qua đó mà tiết kiệm được chi phí quốc gia, thêm vào đó thi hành cụ thể các chính sách dưỡng sức nghỉ ngơi để lấy lại sức cho dân chúng, minh quân cầm quyền thì dân chúng yên vui không lo lắng”.

Hán Văn Đế có đức hạnh cao thượng. Dù thân phận là Hoàng đế tôn quý nhưng khi mẹ nằm trên giường bệnh, ông đều đích thân nếm thuốc trước sau đó mới dâng lên cho mẹ uống. Đối với bề tôi, Hoàng đế cũng luôn dùng tâm khiêm tốn để đối đãi. Trong mọi việc, ông đều suy ngẫm về những thiếu sót về đức hạnh của bản thân. Nếu như tìm không ra những thiếu sót về đức hạnh của mình, ông sẽ thỉnh mời quần thần thẳng thắn chỉ ra. Đối với những lời can gián, ông đều tĩnh tâm suy nghĩ và sửa đổi.

Đối mặt với tình hình nội bộ trong nước, việc xảy ra ôn dịch, lũ lụt, hạn hán liên tục suốt 3 năm ở các nơi khiến Hoàng đế rất lo lắng. Ông đã cho triệu kiến quần thần đến bàn bạc. Quần thần đã nói rằng: “Hoàng đế yêu dân như con, sống tiết kiệm, đã thi hành nhiều chính sách có lợi cho dân chúng, thiên tai nhân họa là điều không thể tránh khỏi, khẩn cầu Hoàng đế bớt lo lắng”.

Hoàng đế nói: “Trời giáng tai họa, nhất định là bản thân có chỗ thất đức làm cho quỷ Thần tức giận. Ta cần phải kiểm điểm lại thiếu sót của bản thân, liệu có phải là đã cấp bổng lộc cho quan viên quá nhiều? Tiêu pha hưởng lạc quá nhiều? Thỉnh cầu các đại thần không được giấu diếm điều gì, hãy nói ra, trẫm nhất định sẽ sửa đổi”.

Con của Hán Văn Đế là Hán Cảnh Đế, khi đối mặt với ngoại xâm ngoài biên cương, tự cho rằng mình ngu dốt nên đức không thể xa, đức mỏng mà lại không thể thông đạt cho nên dân chúng bốn phương sống không được yên ổn. Hoàng đế nói rằng: “Nay trẫm thức khuya dậy sớm, chăm lo việc nước, lo lắng cho nỗi đau khổ của dân chúng, vì điều đó mà bất an và trong tâm cũng chưa bao giờ quên điều đó”. Lời này của Hoàng đế đã nói rõ ra đạo quân vương “vô ngã vô tư vì muôn dân thiên hạ”.

Vì hai vị Hoàng đế thời kỳ này đều đức hạnh, nên thiên hạ cũng ở trong cảnh thái bình.

Trái ngược lại, vào những năm cuối thời Tây Hán, thời Hán Nguyên Đế tại vị, tình trạng rối loạn và tai họa xảy ra rất nhiều. Đại thần Kinh Phòng đã hỏi Hán Nguyên Đế rằng: “Nếu như dùng người hiền thì thịnh trị, dùng kẻ bất tài thì rối loạn là đạo lý tất yếu, vì sao quân vương bạo ngược trong lịch sử như U Vương, Lệ Vương lại không bổ nhiệm người tài đức?”

Hán Nguyên Đế đáp: Chính vì quân vương ngu dốt nên nhầm người kém cỏi với người tài đức, giao cho họ trọng trách lớn lao, chỉ có người đắc đạo mới có thể học được từ quá khứ và biết được tương lai”.

Thấy được sự hiểu biết của Hán Nguyên Đế, Kinh Phòng lập tức cởi mũ, quỳ xuống đất, lạy và can gián: “Trong thời kỳ Xuân Thu đã xảy ra nhiều tai họa khủng khiếp như một lời nhắc nhở cho tất cả các thế hệ quân vương. Kể từ khi Bệ hạ lên ngôi, mặt trời và mặt trăng mờ mịt, các vì sao đi ngược lại, núi lở suối tuôn, động đất đá rơi, mùa hè có sương giá mùa đông có sấm sét, mùa xuân điêu linh mùa thu tươi tốt, lũ lụt hạn hán, sâu bệnh, dân chúng đói khát dịch bệnh, trộm cướp hoành hành, kinh thành đầy rẫy tội phạm, tất cả những tai họa được ghi lại đầy đủ trong thời Xuân Thu. Bệ hạ xem hiện giờ là trị hay loạn?”

Tuy nhiên, Hán Nguyên Đế vẫn không nhận ra lỗi lầm của mình, ham an nhàn, tiếp tục trọng dụng hoạn quan, hồ đồ thiếu quyết đoán. Kinh Phòng dù bị tiểu nhân ghét gièm tấu, bị giáng chức, vẫn nhiều lần dâng mật tấu lên Hoàng đế để đưa ra phương pháp trừ tai họa và những góp ý về việc triều chính. Nhưng cuối cùng ông đã bị gièm pha vu khống đến nỗi bị chết oan trong tù ngục.

Thời kỳ Hán Nguyên Đế, do hoang phí nên khi đê sông Hoàng Hà vỡ, triều đình thậm chí không có tiền đắp đê. Bản thân Hán Nguyên Đế cũng tự mình than vãn rằng: “Quốc gia đã cực loạn rồi”.

Trong cuốn “Hán Thư. Ngũ hành chí” có câu: “Quân vương hiền đức thấy có biến hóa của thiên tượng thì sẽ tu đạo, tự xét lại mình, thi hành đức chính để tiêu trừ điều không may, còn quân vương dâm loạn thì sẽ bị diệt vong mà không được trời cảnh báo”. Từ đó có thể suy ra rằng, nếu như một quốc gia bề ngoài cường mạnh nhưng người trị vì và quan lại không quan tâm đến dân chúng, không đề cao đạo đức và thi hành đức chính thì quốc gia đó sẽ rơi vào suy vi, thậm chí tiến đến hủy diệt.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Sử Khiêm Vũ
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: