Những người già thường hay nói: “Tích đức, tích đức”, mà tích đức gồm có tích âm đức và tích dương đức. Nói một cách đơn giản, làm việc thiện giúp người mà được mọi người biết đến được gọi là “dương đức” hay “dương thiện”. Còn làm việc thiện việc tốt một cách bí mật, mọi người không biết thì được gọi là “âm đức”, dân gian gọi là “âm chất”. Người tích âm đức tuy rằng không được mọi người biết đến nhưng trời cao là có mắt, người ấy vẫn được hưởng phúc báo tương xứng.

Hành thiện tích đức và sự hưng thịnh suốt 300 năm của một gia tộc
(Tranh minh họa: Chí Thanh, Vision Times tiếng Trung)

Trong “Liễu Phàm tứ huấn” viết rằng, người tích dương đức bởi vì được thế nhân khen ngợi mà được nổi danh, còn người tích âm đức được trời cao ban cho phúc báo. Phúc báo nằm ở chính người tích âm đức hoặc con cháu của người đó. Cho nên câu nói: “Nhà nào tích điều thiện tất có niềm vui, nhà nào tích điều ác tất có tai ương” là rất có đạo lý. Trong sách cổ ghi lại nhiều câu chuyện về việc tích âm đức được phúc báo. Trong Cựu Đường Thư có ghi chép lại về sự phát đạt và hưng thịnh suốt hơn 300 năm của gia tộc họ Tôn ở Tể Ninh, Sơn Đông.

Dòng họ Tôn ở Tể Ninh, Sơn Đông là một dòng họ hưng thịnh và hiển danh hiếm có vào thời nhà Thanh, Minh. Thời ấy, gia tộc họ Tôn được xưng là “Tôn bán thành”, “nửa của cải của kinh thành là thuộc về họ Tôn, nửa đại viện của kinh thành là của họ Tôn, nửa nhân tài của kinh thành là của họ Tôn”.

Trong suốt hơn 300 năm lịch sử, dòng họ Tôn có khoảng bốn vạn mẫu đất, hơn 300 tòa nhà, ba trạng nguyên vào cuối thời nhà Thanh đều là con cháu gia tộc họ Tôn. Gia tộc họ Tôn từng có người đứng đầu về quân sự, tướng soái, đại học sĩ, và là “hiệu trưởng” đầu tiên của nhiều trường học, nhiều người đỗ đạt và đảm nhận các chức vị cao của triều đình.

Sự thịnh vượng của dòng họ Tôn bắt đầu từ đời Tôn Ngọc Đình. Tôn Ngọc Đình đỗ tiến sĩ năm Càn Long, đảm nhận chức Đại học sĩ trong các năm từ niên hiệu Gia Khánh đến Đạo Quang, sau làm Lưỡng giang tổng đốc. Tôn Ngọc Đình có ba người con. Người con đầu là Tôn Thụy Trân làm tới chức Thượng thư, Tôn Thiện Bảo làm Tuần phủ Giang Tô.

Con trai của Tôn Thiện Bảo là Tôn Dục Quế đỗ trạng nguyên năm Đạo Quang 24. Tôn Dục Quế cũng là người Sơn Đông đỗ trạng nguyên cách người cuối cùng 100 năm. Sau khi đỗ trạng nguyên, Tôn Dục Quế nhậm chức sử quan ở Hàn Lâm Viện, về sau làm quan án sát ở Chiết Giang.

Cùng thời với Tôn Dục Quế còn có Tôn Dục Vấn là con trai của Tôn Thụy Trân đã đỗ bảng nhãn, về sau làm đến chức quan Thượng thư. Cháu trai của Tôn Dục Vấn là Tôn Tập làm quan Phủ doãn Thuận Thiên. Các đời họ Tôn làm quan chức dù nhỏ hay lớn đều thanh liêm, chính trực, noi gương tổ tông.

Trước khi có được sự đỗ đạt, thịnh vượng liên tục như vậy, đã có một chuyện xảy ra với cha của Tôn Ngọc Đình là Tôn Khoáng Đồ như sau.

Vào những năm Càn Long, Tôn Khoáng Đồ là cha của Tôn Ngọc Đình đã trúng Minh thông bảng. Vào những năm Ung Chính và Càn Long, trong số những ứng cử viên bị trượt ở kỳ thi hội, người ta sẽ chọn ra những người ưu tú khác để bổ sung vào những học vị còn trống. Danh sách này là Minh thông bảng.

Sau khi được trúng Minh Thông bảng, Tôn Khoáng Đồ được bổ nhiệm làm huyện lệnh huyện Tiền Đường. Ở khu vực miền núi của huyện Tiền Đường có một số người triều Minh vì trốn tránh chiến tranh mà sống ẩn cư ở đây. Họ vẫn ăn mặc phục sức triều Minh và không giao lưu với người dân nơi đây, chưa từng đi vào thị trấn, họ sống theo cách sống cũ.

Một hôm, có người báo với quan phủ rằng những người triều Minh này đang bày mưu tạo phản. Tri phủ nghe xong, lập tức cho chuẩn bị quân đội đến núi tiêu diệt hết những người này. Tôn Khoáng Đồ lo ngại rằng quân đội một khi tiến đến thì sẽ tạo ra rất nhiều cái chết thương tâm, oan uổng, trăm họ lầm than. Vì thế ông đã kiến nghị rằng để bản thân mình vào núi xem xét kỹ trước, nếu những người đó thực sự là bày mưu tạo phản thì quân đội tiến vào cũng chưa muộn.

Tri phủ đồng ý với đề xuất của Tôn Khoáng Đồ. Tôn Khoáng Đồ liền cải trang rồi đi vào sâu trong núi. Sau thời gian thăm dò, ông phát hiện ra những người này đều là những người dân lương thiện. Ông liền công khai thân phận của mình, đồng thời khuyên nhủ họ thay đổi phục sức, thuận theo cách quản lý của triều đình nhà Thanh.

Những người dân này nhận thấy sự chân thành của Tôn Khoáng Đồ nên đã nghe theo. Tôn Khoáng Đồ trở về báo cáo tri phủ. Tri phủ về sau đã đưa những người này hòa nhập cuộc sống mới, đồng thời lập danh sách ghi tên họ lại, tổng cộng có hơn một nghìn hộ dân.

Tôn Khoáng Đồ giúp cứu sống hơn một nghìn hộ dân, bởi vậy mà phúc báo dành cho ông cũng như con cháu là phi thường lớn.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: