Theo dòng sử Việt, Đinh Bộ Lĩnh được xem là vị tướng có tài cầm quân bách chiến bách thắng, dẹp loạn 12 sứ quân, được mệnh danh là “Vạn Thắng Vương”, đến khi lên ngôi thì lấy tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế.

Dòng dõi con nhà tướng

Năm 923, Dương Đình Nghệ được nhà Nam Hán cho giữ chức Thứ sử Giao Châu, nhưng ông không ham danh lợi mà lại muốn khởi nghĩa để giành lại nền độc lập cho đất nước. Ông đã tìm được 3.000 hào trưởng cũng như bậc tuấn kiệt lúc bấy giờ đứng dưới cờ nghĩa của mình

Trong số 3.000 trang tuấn kiệt này, nổi lên có Đinh Công Trứ người Hoa Lư, Kiều Công Tiễn (hào trưởng đất Phong Châu tức Phú Thọ ngày nay) và Ngô Quyền (con trai hào trưởng đất Đường Lâm). Sau này Kiều Công Tiễn mưu sát Dương Đình Nghệ rồi làm phản rước quân Nam Hán vào. Ngô Quyền diệt được Kiều Công Tiễn, đánh đuổi quân Nam Hán và lên ngôi Vua.

Là tướng tài, Đinh Công Trứ đều có mặt trong các cuộc chiến quan trọng dưới thời Dương Đình Nghệ, cùng Ngô Quyền dẹp phản loạn Kiều Công Tiễn, đánh bại quân Nam Hán, chấm dứt thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập bền vững cho dân tộc.

sông Bạch Đằng
Chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng chấm dứt thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập cho dân tộc. (Tranh dân gian: Chiến thắng sông Bạch Đằng lần thứ nhất)

Sau đó, Đinh Công Trứ được cử làm trấn thủ Hoan Châu (tức Nghệ An, Hà Tĩnh). Tuy nhiên, một thuộc hạ của ông bất cẩn làm cháy kho lương khiến ông bị mất chức. Đinh Công Trứ đưa người vợ đang mang thai là Đàm Thị cùng một số tùy tùng thân tín khăn gói đến đất Hoa Lư sinh sống.

Trên đường đi đoàn người nghỉ dưới chân núi Bái Lĩnh (còn gọi là núi Đính, nay gọi là núi Bái Đính, thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình). Chính trong hoàn cảnh ấy, Đinh Công Trứ đã dự định đặt tên con là Bộ Lĩnh để ghi nhớ chặng đường vất vả này.

Ngô Vương tặng gươm quý

Khi Đinh Công Trứ mất, gia đình cử hành tang lễ xong thì không may tư dinh lại bị cháy hết chỉ còn tro tàn. Đàm phu nhân phải mang con trai là Đinh Bộ Lĩnh đi đến kinh thành Cổ Loa để báo tin cho Ngô Quyền biết.

Trải qua nhiều gian khó suốt hai tháng ròng, hai mẹ con mới đến đuợc kinh thành Cổ Loa. Ngô Quyền biết tin thì ngậm ngùi nói:

“Ta với tướng quân xưa cùng là tướng của Dương Tiên Công, người giữ châu Ái, người quản châu Hoan, tình thân lân quận, nghĩa nặng đồng liêu. Sau tướng quân lại cùng ta dẹp nội loạn, phá ngoại xâm.

Nay ta đã định đô dựng nước, tưởng chừng vua tôi cùng chung hưởng thái bình, nào ngờ tướng quân hưởng lộc chưa được bao lâu đã vội về trời. Thôi thì số mệnh đã định, phu nhân đừng quá đau buồn, ta ban cho phu nhân vàng lụa để về quê nhà làm nhà tậu ruộng, nuôi Bộ Lĩnh cho khôn lớn để sau còn ra giúp nước.”

Thấy Đinh Bộ Lĩnh còn nhỏ, Ngô Quyền vỗ về hỏi rằng: “Con có muốn xin ta điều gì không?”

Đinh Bộ Lĩnh đáp rằng muốn xin một thanh gươm.

Ngô Quyền ngạc nhiên hỏi rằng: “Cháu còn trẻ tuổi, không lo việc học đi, định dùng gươm để làm gì?”

Đinh Bộ Lĩnh đáp rằng: “Tâu đức vua, đến khi tiểu thần khôn lớn, trưởng thành sẽ dùng thanh gươm ấy phò giúp nhà vua đánh dẹp bốn phương, định yên nước nhà.”

Nhà vua khen ngợi Đinh Bộ Lĩnh dù còn nhỏ nhưng đã có khí quách, đúng là dòng dõi con nhà tướng, rồi lấy một thanh gươm quý trao cho Đinh Bộ Lĩnh.

Khi trao gươm cho Đinh Bộ Lĩnh, Ngô Quyền hẳn cũng không thể ngờ được về sau đứa trẻ này sẽ thay mình lên ngôi, dẹp yên cát cứ trong nước, mang lại thái bình ổn định cho giang sơn xã tắc.

Cờ lau tập trận

Ở quê nhà, Đinh Bộ Lĩnh thường cùng đám trẻ dựng cờ lau chơi đánh trận giả và nhanh chóng trở thành thủ lĩnh đám trẻ thời ấy. Những đứa trẻ theo Đinh Bộ Lĩnh thuở xưa có một số đã thành tướng lĩnh trụ cột sau này như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ.

Hào hùng Vạn Thắng Vương - P1: Thuở nhỏ được trao gươm quý
Đền thờ Đinh Tiên Hoàng tại Cố đô Hoa Lư. (Ảnh: Jean-Pierre Dalbéra, Flickr, CC BY 2.0)

Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép về Đinh Bộ Lĩnh như sau:

“Khi Công Trứ mất rồi, ngài hãy còn nhỏ, Đàm thị đưa về ở động núi. Chăn trâu ngoài nội, chơi với đám trẻ con, ngài được chúng chịu phục cả. Hễ ngài đi đâu, chúng cứ phải tréo tay làm kiệu rước đi, giống như kiệu thật; lại lấy bông lau làm cờ rước kèm hai bên làm như nghi vệ thiên tử. Kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác, đi đến đâu, ở đấy cũng phải phục tùng. Đám thì kiếm củi, thổi cơm; đám thì nộp lương, giúp việc.”

Trong dân gian vẫn lưu truyền rằng:

Kiệu tay, lọng nón, cờ lau,
Phong lưu trong đám chăn trâu cũng vừa.
Mai ngày ta được làm vua,
Tán vòng, tán tía cũng thừa phong lưu.

Về danh hiệu “Vạn Thắng Vương”, Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép rằng:

Phụ lão các sách bảo nhau: ‘Đứa bé này khí lượng như thế ắt làm nên sự nghiệp, Chúng ta nếu không theo về, ngày sau hối thì đã muộn’. Bèn dẫn con em đến theo, rồi lập làm trưởng ở sách Đào Áo. Người chú của vua giữ sách Bông chống đánh với vua. Bấy giờ, vua còn ít tuổi, thế quân chưa mạnh, phải thua chạy. Khi qua cầu ở Đàm Gia Nương Loan, cầu gãy, vua rơi xuống bùn, người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng hộ vệ vua, nên sợ mà lui. Vua thu nhặt quân còn sót, quay lại đánh, người chú phải hàng. Từ đấy ai cũng sợ phục, phàm đi đánh đến đâu đều dễ như chẻ tre, gọi là Vạn Thắng Vương.

Về rồng vàng hộ mệnh cho Đinh Tiên Hoàng, trong “Hoa lư thi tập” của Hoàng Quang Thuận có bài thơ như sau:

Thiên tôn sư tử phục hướng Đông
Văng vẳng trời Nam sáo mục đồng
Cờ lau thuở ấy còn soi bóng
Rồng vàng lượn sóng giữa thinh không

  • Còn nữa

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: