Tuổi học trò chắc đứa nào cũng biết quả ô môi bán ngoài cổng trường. Quả ô môi dài như khúc lòng dồi, cắt ngắn bán cho học sinh ăn vặt. “Thịt” ô môi có vị ngọt, nhưng mùi hơi hăng nên tôi không thích. Hoa ô môi màu hồng, không rực rỡ như như các loại hoa hồng thứ thiệt, nhưng cây ô môi cao, tán rộng, rợp bóng mát nên đi vào ký ức tuổi thơ của người dân miệt Cửu Long.

Hoa Ô Môi nhớ Mẹ
(Ảnh minh họa: DXLINH, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Bà mẹ soi gương trang điểm son phấn sắp sửa đi chơi với nhơn tình. Đứa bé chạy đến bên mẹ ngậm hoa ô môi hớn hở khoe đẹp hơn màu son môi của mẹ. Và rồi chiếc xe hò hẹn lao đi… Vài năm sau, đứa bé hồi tưởng lại khoảng khắc nhạt nhòa đó của hoa ô môi bằng giọng văn mộc mạc không chút phấn son. Đó cũng là đoạn văn tinh tế nhất trong câu chuyện hoa ô môi nhớ Mẹ bên dưới.

Tác giả Hạnh Linh viết bài này khi học lớp đệ nhị Gia Long (lớp 11 bây giờ), đăng trên báo Tiếng Chuông năm 1959, dưới bút danh Thương Linh Giang. Con gái bà nói với tôi, nhuận bút được 200 đồng. Ái chà! Hai trăm đồng hồi đó lớn lắm, tha hồ bao cả lớp ăn vặt, bò bía, gỏi khô bò, cóc dầm me chua,… ngay bên hông trường.

Bà Hạnh Linh đã ra đi cách nay vài tháng. Câu chuyện Hoa ô môi nhớ Mẹ bà để lại cho các con. Hai mất mát khác nhau – Hai nỗi nhớ khác nhau!

Vũ Thế Thành

*

Hoa Ô Môi nhớ Mẹ

Con nhặt những cánh hoa ô môi hồng xinh xắn rơi trên sân đất ướt mà lòng luống nghẹn ngào. Con khóc má ơi, khóc cho đóa hoa sao sớm rụng!

Hoa ô môi đẹp quá, hồng như màu phấn son của má dạo nào. Ngày xưa, vâng ngày xưa ấy má nhỉ? Sáng, má con mình thi nhau nhặt hoa xinh. Mỗi lần cướp được hoa trên tay má, con phá lên cười như nắc nẻ và má ghì con vào lòng hôn như mưa lên mặt lên vai. Má cài hoa lên tóc con. Con đính hoa vào áo má. Con rải hoa lên thềm, làm thảm cho “Nữ hoàng” của con đi, má bảo đừng dẫm nát xác hoa yêu kiều tội nghiệp.

Con nhớ lắm, một sáng, không gian không vẩn áng mây buồn, trong như đôi mắt má, có mấy con bướm vàng rờn bên khóm nguyệt quới sực hương, con say nhìn má trang điểm. Rồi con còn nhớ, con chạy ra sân, nhặt một cánh ô môi còn tươi, mới rơi. Con khẽ lén bước sau lưng má, và nhìn vào gương, con khúc khích cười. Má âu yếm nhìn con, ánh mắt sao chứa chan niềm thương mến. Đặt lên môi đóa hoa bé nhỏ, con nũng nịu: – Môi con có hoa hồng tươi đẹp hơn môi má. Má cười, nựng đôi má bầu bầu thịt của con và con sung sướng chờ nhận một chiếc hôn như thường lệ. Nhưng có tiếng rồ xe vang lên, má cúi xuống rồi ngập ngừng… (Phải rồi, có lẽ má hôn con sẽ nhạt làn môi thắm!…). Má hấp tấp quay đi, chiếc áo thêu kim tuyến chiếu ngời trong nắng sớm. Tiếng nổ xe giục giã hòa tiếng con gọi má nghẹn ngào. Chiếc xe bóng lộn vút đi mang theo hình ảnh má, để lại cho con một lớp bụi mờ. Bụi bay nhiều quá, vương đầy cả mắt con má ơi!

Và cũng từ ấy tính tình má thay đổi hẳn, má cau có gắt gỏng con luôn. Má thôi kể con nghe chuyện về ba trong những đêm trăng chảy ngập thềm, như ngày nào nữa. Má cũng không buồn đốt cho ba con vài nén nhang thơm, vì người má đã ướp đầy hương, hương quý nữa má nhỉ? Mười ngón tay búp măng sơn đỏ không bao giờ phủi bụi bàn thờ ba con, e bẩn. Con không dám vòi vĩnh nữa, chỉ nhặt hoa, xâu lại thành vòng “bán” cho má, vì con ngỡ má còn thích màu hoa. Đã không “mua” sao má đành nạt nộ. Con ấm ức. Má hất đổ đi càu nhàu: – Đồ xả rác!

Má ơi! Mới hôm nào, vâng, chỉ mới hôm nào má bảo thương hoa ô môi lắm sao giờ má đã vội quên? A! “Tình đời” hả má? Bây giờ con không cười đùa nữa. Cười với ai đây hở má? Con van ngoại đừng đốn cây ô môi, cho con được sống với hình ảnh má. Con vẫn nhặt hoa ô môi không phải làm duyên với má như ngày nào nữa mà để thay trà cho ngoại. Những cánh hoa bé nhỏ run rẩy trong tay con sẽ khô dần dưới ánh nắng ấm, rồi nó sẽ ngoan ngoãn cho một mùi vị hơi đặc biệt để con cúng ba.

Lâu rồi, trà “Trung quốc kỳ chưởng” không còn ở nhà mình, ngoại dành tiền mua sách cho con học. Con nói ngoại đừng hy sinh quá, ngoại chỉ mỉm cười, nụ cười héo như cành hoa úa. – Có hệ gì, trà ô môi đậm tình quê hương con ạ! Có nghe chăng má ơi! Tình quê hương đậm đà trong chén trà ô môi bốc khói! Nhạc mưa reo mãi bên thềm, răng con “lâm râm” kể chuyện, ngoại nghèo quá, chưa dành đủ tiền mua một chiếc áo ấm cho con.

Con sợ mưa, sợ lạnh, trời không thương con, mưa gió cứ dậy luôn. Ước gì con được ngồi im trong vòng tay thân ái của má, uống giọng cười hiền, ăn lời nói dịu, hẳn lòng con sẽ ấm áp lắm má ơi!

Má ơi! Má còn ở tận nơi đâu? Có bao giờ nhớ quê cũ, nơi còn một mẹ già, một con trẻ chờ má hay không? Nơi cầu tre còn đó, chiếc xuồng ba lá còn đây, dòng sông vẫn còn chảy, mà má của con đâu rồi? Ra đi lúc má chưa phai hồng, môi chưa nhạt thắm, nhưng liệu giờ má còn giữ vẹn màu son? Còn hoa ô môi, gió mưa dù tiếp diễn mưa gió của đất trời vẫn không làm nhạt được màu hoa. Con chờ má để trao màu hoa yêu kiều ấy.

Hãy về với con má ơi! Con gọi má vang dội cả cô thôn, xé rách màn im lặng trong tiếng gió ngàn có về bên má? Hay tiếng xe nổ giòn trên đường nhựa, tiếng nhạc rộn của vũ trường át mất tiếng con?

Má ơi! Con nhặt đóa hoa ôm môi ép vào “trang ký ức” mong một ngày nào đó, nó được nằm trong vòng tay thân yêu của má. Nhưng biết đến bao giờ, biết đến bao giờ nữa má ơi!!…

Hạnh Linh, Gia Long 1959

Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành
Bài đã đăng trên Sài Gòn Thập Cẩm (saigonthapcam.wordpress.com)

Mời bạn đọc tìm hiểu thêm các tác phẩm của tác giả Vũ Thế Thành.

Xem thêm:

Mời xem video: