Trong tập truyện ngắn Hoa thiên lý của Duyên Anh, tôi thích nhất truyện Con sáo của em tôi, bây giờ đọc lại vẫn thích. Hồi chín, mười tuổi, truyện ngắn này làm tôi rơi nước mắt.

Nhưng Hoa thiên lý mới là truyện ngắn đầu tiên của Duyên Anh, viết năm 1960. Hai năm sau, ông tập hợp thêm nhiều truyện ngắn khác để xuất bản, mang tên tập truyện Hoa thiên lý. Tôi bắt đầu đọc Duyên Anh từ tập truyện này.

Chắc phải có lý do nào đó mà Hoa thiên lý mới được Duyên Anh chọn để làm tựa đề cho cả tập truyện đầu tay của ông.

Hồi đó, đọc Hoa thiên lý tôi thấy văn phong nhẹ nhàng, nhưng câu chuyện đã không để lại trong đầu tôi một chút ấn tượng nào. Cậu bé Duyên Anh không thích giàn thiên lý vì không phải là cây để leo trèo, không có trái để hái ăn. Nhưng mẹ ông yêu hoa thiên lý, ông miễn cưỡng yêu theo.

Mẹ ông tự tay trồng và chăm sóc giàn thiên lý. Bà trồng ở quê nhà khi còn con gái, theo chồng lên vùng rừng núi hoang vắng cũng trồng. Không chỉ trồng thiên lý để hái hoa nấu canh cua đồng cho các con ăn mà còn thủ thỉ kể chuyện cho con nghe dưới giàn hoa lý… Sau này, bà dạy Duyên Anh làm thơ, rồi kể chuyện đời của bà cũng ở dưới giàn hoa đó. Chuyện đời của một thiếu nữ nhà quê gá duyên cùng chàng trai ôm mộng hải hồ, chỉ biết ru con chờ chồng bên giàn hoa thiên lý.

Duyên Anh lớn lên cũng mộng hải hồ như cha. Mẹ ông đứng bên giàn hoa lý chờ chồng, và bây giờ chờ con. Xa nhà, đời bầm dập, ông mới bắt đầu biết yêu hoa thiên lý. Hồi ức của đứa con xa mẹ nhớ về giàn hoa thiên lý quê nhà được Duyên Anh thuật lại bằng giọng văn buồn buồn, phẳng như mặt nước.

Duyên Anh viết nhiều, viết dễ như hát nhạc vàng, chưa kể ông còn viết nhạc, làm thơ. Nhạc thì tôi chưa nghe, nhưng thơ Duyên Anh hay không kém gì truyện, lại có phần hay hơn vì cô đọng.

Các truyện dài về đời sống giang hồ, du đãng nơi phố thị của Duyên Anh như Điệu ru nước mắt, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Ảo vọng tuổi trẻ… đã một thời lôi cuốn, tôi đọc mê mệt. Sau này, tôi không thích nữa, dù không phủ nhận những tác phẩm đó đầy tính hiện thực, vẽ ra được bức tranh của xã hội miền Nam một thời, nhưng hơi cường điệu và xen lẫn cả chút mộng mơ phi hiện thực quá mức.

Nhưng truyện tuổi thơ của Duyên Anh thì không thể chê được. Tôi đọc không sót quyển nào. Những Thằng Vũ, Bồn Lừa, Chương Còm, Dzũng Đa Kao, thằng Côn, con Thúy… Lại còn món bánh đa riêu cua ở làng quê Thái Bình của ông mà tôi không nhớ trong truyện nào đó, Duyên Anh đã tả. Đọc phát thèm, phải tìm ăn cho bằng được. Sài Gòn làm gì có bánh đa cua, chỉ có bún riêu cua, hoặc canh bún riêu! Mãi tới năm 2000, ra Hải Phòng, tôi mới được nếm mùi bánh đa riêu cua ở quán vỉa hè, đối diện với công viên gì đó (quên tên). Thấy lạ, và ngon, nhưng vẫn chưa nguôi được bánh đa riêu cua Thái Bình của Duyên Anh, mà tôi nghĩ chắc phải ngon hơn, ông tả nghe mê quá mà… Hơn nửa thế kỷ sau, dù vẫn chưa được nếm mùi bánh đa cua Thái Bình, người đọc như tôi vẫn còn thèm trong ký ức, thì đủ hiểu Duyên Anh có tài mô tả ẩm thực thế nào.

Tôi chưa thấy hoa thiên lý, không hình dung được giàn hoa đó ra sao, nhưng hễ ai nói tới hoa thiên lý, tôi lại nhớ tới giàn bí xanh. Mẹ tôi thích ăn rau bí luộc chấm nước mắm, ăn năm này tháng nọ không chán. Tôi không thích rau bí, xác xơ có gì đáng ngon để ăn đâu, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn mua chai nước mắm ngon làm quà cho mẹ tôi. Bà thích lắm. Món ăn trân quý của bà già nhà quê nơi phố thị là thế. Cả đời là thế…

Duyên Anh nhớ mẹ, viết truyện ngắn đầu tay Hoa thiên lý trong cảnh bần hàn, dưới chân cầu Tân Thuận. Mẹ tôi mất đầu năm 2011. Mùa Vu Lan năm đó, tôi ngồi bệt dưới đất viết bài Những thằng già nhớ mẹ trên chiếc bàn nhỏ ở Đà Lạt. Đó là tùy bút đầu tiên trong đời tôi.

Ở tuổi xế chiều đọc lại Hoa thiên lý, tôi thấm từng câu từng chữ. Tôi bắt đầu biết yêu rau bí luộc. Tôi trồng giàn bí ở sân thượng. Tôi biết nhận ra, rau bí luộc chấm nước mắm rất ngon. Cái ngon từ ký ức muộn màng.

Vũ Thế Thành
Trích “Những thằng già nhớ mẹ”, tái bản 2022

Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành
Bài đã đăng trên Sài Gòn Thập Cẩm (saigonthapcam.wordpress.com)

Mời bạn đọc tìm hiểu thêm các tác phẩm của tác giả Vũ Thế Thành tại đây.

Xem thêm:

Mời xem video: