Dù Triều đình nhà Nguyễn hòa hoãn với Pháp, nhưng dân chúng cùng binh lính đồng lòng nổi lên chống Pháp. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra, một cuộc khởi nghĩa khiến quân Pháp hãi hùng là khởi nghĩa Bãi Sậy của Đinh Gia Quế.

Khởi nghĩa Bãi Sậy - P2: Gặp mai phục, nghĩa quân bị tổn thất
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Liên tục tấn công các đồn bốt

Quân Pháp dù tiến đánh Bãi Sậy nhưng không thu được thắng lợi nào, trong khi đó nghĩa quân ngày càng lớn mạnh, vũ khí cũng được trang bị hiện đại hơn nhờ số súng thu được trong những trận đánh.

Dân chúng trở thành tai mắt cho nghĩa quân, nhờ đó tối đến nghĩa quân ra ngoài căn cứ tập kích quân Pháp. Đồng thời nghĩa quân tấn công các đồn binh Bình Phú, Lực Điền, Thuỵ Lân (Yên Mỹ), đồn Bần, đồn Thúa (Mỹ Hào), đồn Phủ Ân Thi, đồn Ứng Lôi (Phù Cừ), các đồn ở huyện Văn Giang và phục kích quân Pháp trên đường số 5, đường 39.

Nghĩa quân có nhiều trận đánh đồn, như trận đánh đồn Vân La do vợ chồng Nguyễn Túc và Nguyễn Thị Biên chỉ huy. Dân các làng Văn La, Tự Nhiên, Đa Hoà thấy đồn đã bị nghĩa quân chiếm thì rủ nhau đến lấy hết vải vóc, lương thực rồi đốt cháy đồn trước khi quân Pháp cho viện binh. Trận đánh này tiêu diệt được viên chỉ huy người Pháp nên khiến quân Pháp rất sợ.

Sau đấy vợ chồng Nguyễn Túc và Nguyễn Thị Biên còn có nhiều trận đánh xuất sắc nữa. Đổng Quế phong chức Lãnh binh cho hai vợ chồng, rồi tặng câu đối:

Nộ đảo sơn hà tam xích kiếm
Công thành phu phụ nhất gia binh

Dịch:

Núi sông rạp đổ gươm ba thước,
Vợ chồng xông pha lính một nhà

Một trận đánh nổi tiếng khác là trận đánh vào phủ đường Ân Thi, nghĩa quân diệt sạch quân Pháp ở đây khiến quân Pháp vô cùng sợ hãi

Sau này các tài liệu đánh máy của Pháp ở Hải Dương tiết lộ: “Nghĩa quân vẫn thật sự cai trị các làng, còn quan cai trị Pháp đặt ở các phủ huyện để cai trị dân thì tỏ ra bất lực và hoảng sợ trước sự phát triển của nghĩa quân, bỏ trốn vào các tỉnh lỵ. Phần đông các tổng lý lại có cảm tình hoặc ủng hộ quân khởi nghĩa”.

Tháng 11/1884, Pháp chi viện thêm 6.000 quân tiến đánh các cuộc khởi nghĩa và quân Cờ Đen ở Phủ Lạng Thương, Lạng Sơn, Tuyên Quang. Nhờ đó quân Pháp ở bắc tập trung quân tấn công căn cứ Bãi Sậy, nhưng nghĩa quân vẫn giữ vững căn cứ.

Lấy mẫu súng trường

Kế bên Bãi Sậy có làng Hoàng Vân, cả làng làm nghề thợ rèn, nơi đây cũng trở thành xưởng quân giới cho nghĩa quân, sửa chữa và chế tạo vũ khí. Những thợ rèn ở đây còn tạo ra loại súng bắn đạn ghém, dù không hiện đại và mạnh như đại bác quân Pháp, nhưng cũng có tính sát thương cao.

Nghĩa quân cần mẫu súng trường nhãn 1874 của Pháp cho xưởng quân giới. Vậy là Đốc binh Nguyễn Đức Thảng nghĩ cách tự mình chui vào cũi cho người thân tín đến giao nộp cho quân Pháp, đồng thời nghĩa quân cũng vây sẵn phía ngoài.

Quân Pháp tập trung cả lại xem tướng giặc bị bắt thì Nguyễn Đức Thảng đạp cũi xông ra cùng quân áp giải cũi từ trong đánh ra, nghĩa quân bên ngoài cùng đánh vào. Quân Pháp hoàn toàn bất ngở trở tay không kịp. Tuy nhiên nghĩa quân không ham đánh, theo kế hoạch lấy được mẫu súng trường này thì rút ngay.

Loại súng này được đưa cho thợ rèn làng Hoàng Vân để chế tạo ra loại súng trường cho nghĩa quân.

Quyển sách “La Province de Hưng Yên” viết xong tháng 1/1933 bằng tiếng Pháp, có đoạn như sau:

“Từ năm 1883-1885 giặc cướp nổi lên khắp nơi dưới sự chỉ huy Đổng Quế. Lau sậy giúp họ có chỗ ẩn nấp, lính tráng không vào được. Từ ngoài nhìn vào không thấy, họ như đàn hổ nấp trong bụi rậm. Bất thình lỉnh nhẩy ra vồ mồi. Điều đó giải thích tại sao các cuộc cố đánh dẹp, quân giặc thắng và đại nhân Hoàng Cao Khải lại thua.”

Trước hoạt động ngày càng mạnh của nghĩa quân, quân Pháp khủng bố dân chúng xung quanh nhằm cách ly với nghĩa quân, đồng thời cho đốt cháy một số khu vực bãi sậy nhưng vẫn không ngăn được các hoạt động của nghĩa quân.

Quân Pháp liền lập nhiều đồn mới, đồng thời tăng thêm lính cho các đồn cũ. Nhưng nghĩa quân vẫn tấn công các đồn lấy vũ khí và lương thực.

Trong nửa năm đầu 1885, nghĩa quân phối hợp với nghĩa quân ở Nam Định do Tạ Hiện chỉ huy khiến quân Pháp bị thiệt hại nặng.

Chủ tướng trúng mai phục

Cuối tháng 6/1885, Hoàng Cao Khải lại nhận lệnh đưa quân tấn công Bãi Sậy, nhưng một lần nữa bị nghĩa quân đánh bại. Hoàng Cao Khải cùng tàn quân chạy qua sông Hồng đến huyện Thường Tín thuộc tỉnh Hà Đông. Đổng Quế và Nguyễn Đình Mai cùng một nhóm quân vượt sông Hồng đuổi theo. Nghĩa quân diệt gần hết số lính địch, tiếc là không bắt được Khải, sau đó thì rút về.

Quân Pháp biết tin chủ tướng Đổng Quế và Nguyễn Đình Mai xuất quân đuổi theo Khải thì liền cho quân mai phục ở bến đò vạn Phúc để tiêu diệt nghĩa quân khi rút về.

Nghĩa quân đi vào ổ phục kích, quân Pháp bắn vào khiến nhiều nghĩa sĩ ngã xuống. Đổng Quế đi sau được một số quân hộ tống chạy thoát, quân Pháp truy đuổi. Đổng Quế phải chạy đến tận Bắc Ninh, hai tuần sau khi tình hình đã yên ông mới cải trang trở về căn cứ.

Lúc này Đổng Quế đã 60 tuổi, sức yếu, sau lần này ông bị ốm nặng không cầm quân được, phải giao lại quyền cho Lãnh binh Nguyễn Đình Tính. Ông mất vào cuối tháng 12/1885.

Nguyễn Đình Mai cũng chạy thoát khỏi trận phục kích của quân Pháp, nhưng bị thất lạc. Ông phải cải trang đi tìm Đổng Quế và số nghĩa quân đã thất lạc sau trận phục kích, nhưng mật thám nhận ra và chỉ điểm cho quân Pháp bắt được ông.

Quân Pháp tra tấn Nguyễn Đình Mai để ông khai ra nơi trú ngụ của Đổng Quế và một số đầu lĩnh khác. Tuy nhiên Nguyễn Đình Mai thà chết không khai. Quân Pháp đã giết chết ông, dân chúng đưa ông đi chôn cất rồi lập miếu thờ.

Như vậy hai thủ lĩnh Đinh Gia Quế và Nguyễn Đình Mai là những người đầu tiên dựng cờ khởi nghĩa, là trụ cột của nghĩa quân đều mất cùng lúc, đây là thiệt hại rất lớn cho nghĩa quân. Lãnh binh Nguyễn Đình Tính chỉ huy nghĩa quân Bãi Sậy tiếp tục chống Pháp.

Trần Hưng

  • Tham khảo cuốn “Khởi nghĩa Bãi Sậy” của Vũ Thanh Sơn, tác giả là người con của vùng đất Bãi Sậy.
  • Tài liệu đánh máy của người Pháp ở Hải Dương

Xem thêm:

Mời xem video: