Dù Triều đình nhà Nguyễn hòa hoãn với Pháp, nhưng dân chúng cùng binh lính đồng lòng nổi lên chống Pháp. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra, một cuộc khởi nghĩa khiến quân Pháp hãi hùng là khởi nghĩa Bãi Sậy của Đinh Gia Quế.

Đinh Gia Quế và khởi nghĩa Bãi Sậy

Đinh Gia Quế xuất sinh từ gia đình giàu có ở xã Nghiêm Xá, huyện Thường Tín, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), lớn lên theo Nho học, vượt qua kỳ thi khảo hạch đỗ khóa sinh.

Sau gia đình chuyển đến làng Thọ Bình, tổng Bình Dân, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu (nay là thôn Thọ Bình, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), ông làm nghề dạy học nên có uy tín trong vùng, được Triều đình phong làm Chánh tổng rồi thăng lên Chánh tuần huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu.

Lúc này nhà Nguyễn đến hồi mạt, Đinh Gia Quế làm quan ở địa phương chứng kiến sông Hồng lụt lội, mùa màng thất thu, có năm thì bị sâu bệnh, dân chúng khốn khổ vì thuế khóa. Phủ Khoái Châu, Hưng Hên nơi Đinh Gia Quế làm quan, dân chúng có câu “oai oái như Phủ Khoái xin lương”.

Năm 1882, quân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội, rồi đưa quân tiến đánh các nơi ở bắc hà. Năm 1883, quân Pháp cho một chiếc tàu nhỏ đến Hưng Yên, quân nhà Nguyễn dù đông hơn nhưng Tuần phủ Nguyễn Đức Đạt, Án sát Tôn Thất Phiên sợ hãi bỏ thành chạy, quân Pháp hạ thành Hưng Yên không tốn một viên đạn.

Thấy quan quân Triều đình không chống giặc bảo vệ dân, Chánh tuần huyện Đông Yên Đinh Gia Quế từ quan về nhà. Ông gặp danh sĩ có tiếng trong vùng là Nguyễn Đình Mai bàn việc chiêu mộ quân khởi nghĩa chống Pháp.

Đinh Gia Quế và Nguyễn Đình Mai dựng cờ khởi nghĩa chống Pháp, vì đều là những người có uy tín trong vùng nên dân chúng nô nức tham gia. Lá cờ nghĩa có thêu 8 chữ Nho: “Nam đạo cần Vương – Bình Tây phạt tội”. Đinh Gia Quế tự xưng là Đổng quân vụ (gọi tắt là Đổng Quế).

Lực lượng và căn cứ nghĩa quân

Trong số những người tham gia nghĩa quân có các gia đình mà cha mẹ anh em cùng tham gia; có cả những nhà khoa bảng có uy tín như gia đình cử nhân Nguyễn Hữu Đức; có các hào phú đóng góp tiền bạc của cải như Chánh tổng Sài Văn Vận.

Làng An Vỹ, tổng An Cánh, huyện Đông Yên có Chánh tổng Nguyễn Đình Học, mấy đời làm Tổng lý, nhà giàu nổi tiếng phủ Khoái Châu, có trên 60 mẫu tư điền, thổ cư 3 mẫu. Ông thành lập đội chống cướp bảo vệ dân, có thầy dạy võ rất bài bản. Không chỉ giúp làng mình chống cướp, ông còn giúp dân vùng lân cận chống Tàu Ô cùng cướp biển từ sông Hồng tràn vào. Khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, ông để 3 con trai cùng 100 dân binh nòng cốt là đội chống cướp của ông gia nhập nghĩa quân.

Nghĩa quân ngày càng đông, các tướng lĩnh Triều đình không đồng ý chính sách hòa hoãn với Pháp của vua Tự Đức cũng tham gia nghĩa quân như Đề Ban, Đề Dần, Đốc Chính sau này trở thành những trụ cột xuất sắc trong hàng ngũ nghĩa quân.

Vợ chồng Nguyễn Túc và Nguyễn Thị Biên đều là những người giỏi võ nghệ, bênh vực dân nghèo, đưa 40 thủ hạ gia nhâp nghĩa quân.

Lúc này đê Văn Giang 18 năm liên tiếp bị vỡ khiến các vùng Khoái Châu, Văn Giang, một phần Yên Mỹ, một phần Mỹ Hào, nước ngập mênh mông. Làng xóm, đồng ruộng phì nhiêu thành bãi lau sậy, cỏ lau mọc có chỗ cao tới ba thước. Do đó, mới có tên gọi là Bãi Sậy. Nhận thấy nơi đây cỏ lau mọc san sát có thể ẩn mình, nghĩa quân chọn Bãi Sậy làm căn cứ chống Pháp.

Nguyễn Đình Mai thiết kế rồi cho người xây dựng một tòa thành ở ấp Thọ Bình, thành rộng 5 mẫu bắc bộ (một mẫu bằng 3600m2). Xung quanh đồn có nhiều hầm hố để cố thủ, có nhiều con đường đi các nơi. Nghĩa quân không đóng hết trong thành mà phân tán trong các làng xã.

Viên công sứ A de Miribel đã phải công nhận rằng: “Tất cả những nông dân vùng Bãi Sậy đều đi theo Đinh Gia Quế chống lại quân Pháp”.

Sau lễ tế cờ, Đổng Quế cùng hơn 500 quân vượt sông Hồng tấn công quân Pháp ở Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên.

Quân Pháp tấn công quân khởi nghĩa Bãi Sậy nhiều lần

Trước sự hoạt động mạnh của nghĩa quân, quân Pháp cử Đại tá Donnier thuộc Lữ đoàn Négrier chỉ huy quân tiến từ Hải Phòng lên đánh nghĩa quân Đinh Gia Quế. Đại tá Donnier với đội quân hùng hậu, trang bị hiện đại tấn công vào Bãi Sậy nhưng bị thiệt hại nặng nề, phải cay đắng rút lui.

Sau trận này nghĩa quân hoạt động còn mạnh hơn trước, tấn công các đồn bốt lẻ, mai phục tấn công các toán quân Pháp đi tuần tiễu.

Trước tình thế đó, năm 1884, tướng De Courcy đích thân chỉ huy quân Pháp tấn công vào bãi sậy nhưng một lẫn nữa quân Pháp thất bại nặng nề.

Không thể làm gì, Pháp liền giao cho Hoàng Cao Khảo (đang làm Án sát Hưng Yên dưới Triều vua Đồng Khánh) cầm quân đánh nghĩa quân.

Hoàng Cao Khải cầm quân Triều đình, lại có thêm cả quân Pháp do Đại tá Noninié chỉ huy, được hỗ trợ mạnh mẽ cả về công binh, pháo binh, tàu chiến trang bị đại bác. Khải diễu võ giương oai dưới sông Hồng chuẩn bị tiến đánh nghĩa quân, lên kế hoạch chỉ một trận đánh sẽ tiêu điệt được nghĩa quân.

Khải cho quân theo bãi sậy tiến vào, nhưng dưới lớp cỏ lau là những hầm hố, rắn độc cũng rất nhiều. Đại tá Noninié dẫn một cánh quân Pháp tiến vào nhưng đều bị chết mà không hề có tiếng súng nào.

Hoàng Cao Khải cho quân dàn thành hàng ngang rồi tiến vào, quân của Khải phải qua đám sậy cao 3 mét với nhiều gai nhọn mỏ quạ, cà gai, dứa dại cứa đứt cả da thịt, dưới đầm lầy lại có cả đỉa đói.

bai say
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Quân của Khải đang dò dẫm tiến từng bước thì nghĩa quân nấp trong các hầm hào địa đạo bất ngờ nổ súng khiến hàng chục tên bị chết, số còn lại nằm sát xuống tránh đạn. Lúc này nghĩa quân xông tới đánh giáp lá cà khiến thêm hàng chục tên tử trận.

Quân Pháp chạy đến nơi trống trải thì bị sa vào hố chông cùng các cạm bẫy khiến tử trận rất nhiều. Khải quá tức giận cho quân đốt bãi sậy, đám cháy lan cả vào quân của Khải khiến binh lính sợ hãi mạnh ai nấy chạy không cần nghe lệnh.

Kết quả là phía quân Pháp 10 phần thì chết 7, 8, binh lính hoảng sợ kinh hoàng khi nghĩ đến Bãi Sậy, một số binh lính đào ngũ. Quân Pháp phải rút về phủ lỵ Khoái Châu nhưng vẫn bị nghĩa quân tập kích.

Trần Hưng

Tam khảo cuốn “Khởi nghĩa Bãi Sậy” của Vũ Thanh Sơn, tác giả là người con của vùng đất Bãi Sậy.

Xem thêm:

Mời xem video: