Dù Triều đình nhà Nguyễn hòa hoãn với Pháp, nhưng dân chúng cùng binh lính đồng lòng nổi lên chống Pháp. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra, một cuộc khởi nghĩa khiến quân Pháp hãi hùng là khởi nghĩa Bãi Sậy của Đinh Gia Quế.

Khởi nghĩa Bãi Sậy - P4: Quân Pháp 2 lần thay tướng
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Các nghĩa quân gây tổn thất lớn cho Pháp

Sau trận thắng lớn, Nguyễn Thiện Thuật cho quân củng cố vững chắc hơn căn cứ Bãi Sậy, đào thêm các đường địa đạo. Vì biết quân Pháp đã biết lối đánh của nghĩa quân nên ông cho thay đổi cấu trúc trận địa để gây bất ngờ cho quân Pháp.

Nghĩa quân được bổ sung thêm súng đạn, xưởng quân giới cũng cung cấp thêm cho nghĩa quân các loại súng tự sản xuất theo mẫu súng của Pháp.

Nghĩa quân chia nhỏ hoạt động ở các làng, liên kết với nhau tấn công quân Pháp ở tất cả các nơi, có lúc còn vượt sông Hồng phối hợp với nghĩa quân của Lãnh Be tấn công quân Pháp ở Hà Nội, Hà Đông. Những hoạt động của nghĩa quân gây tổn thất cho quân Pháp.

Tài liệu của quân Pháp cũng thú nhận rằng:

“Chúng ta còn phải chiến đấu chống một kẻ thù rất khó tiêu diệt hơn cả việc chúng ta chiếm cứ được thủ phủ của tỉnh này. Nhưng toán cướp đông, được trang bị tốt có kỷ luật, dưới sự chỉ huy của những viên thủ lĩnh mà nhân dân đều kính phục. Mỗi viên thủ lĩnh lại có vùng chiến đấu riêng và như vậy họ chiếm toàn địa bàn. Họ là chỗ dựa của Tán Thuật về người, về vũ khí trong cuộc chiến đấu không khoan nhượng chống chúng ta với hy vọng không bao giờ mệt mỏi làm cho chúng ta lực cùng, sức kiệt, bằng cách tổ chức những hoạt động cừu địch buộc chúng ta phải sợ hãi ná đảm rồi rút khỏi Bắc Kỳ.”

Kế hoạch của Thống tướng De Courcy bị thất bại. Dù có sự tham gia của quân Triều đình Đồng Khánh đỡ đạn, lính châu Phi, nhưng tỷ lệ thương vong của quân Pháp là 10%, cao hơn hẳn cuộc chiến của Pháp ở châu Phi, hay cuộc chiến của Anh ở Ấn Độ, vì thế mà dân chúng Pháp phản ứng rất mạnh (Theo “những cuộc tiếp xúc của Pháp ở Trung và Bắc Kỳ từ năm 1885 đến năm 1896” của Charles Fourniau).

Vấn đề cuộc chiến ở Bắc kỳ chiếm hầu hết các vị trí trang nhất các báo chí ở Pháp, mọi nỗ lực của Thống tướng De Courcy đều thất bại khi các cuộc khởi nghĩa lan ra khắp miền bắc và miền trung.

Pháp 2 lần thay tướng

Ngày 16/2/1886, chính quyền Pháp cách chức Tổng chỉ huy quân Pháp của Thống tướng De Courcy, đưa viên tướng Varnet sang thay thế.

Ngay khi đặt chân tới Đại Nam, tướng Varnet đã ra chiến lược “dùng ngưới Việt đánh người Việt”, mở nhiều cuộc tấn công vào căn cứ Bãi Sậy nhưng không đạt được kết quả nào.

Nguyễn Thiện Thuật cũng viết các bản tuyên cáo kêu gọi lính Việt phục vụ cho quân Pháp nên rời bỏ hàng ngũ về với dân, đi lính cho Pháp chỉ làm bia đỡ đạn, nghĩa quân không nỡ bắn vào người Việt mình, rồi cho ngưới đi dán và đọc cho dân chúng khắp nơi.

Việc này có hiệu quả, một số lính Việt đã bỏ trốn, một số đông đem vũ khí gia nhập hàng ngũ nghĩa quân. Ví như quân của Đốc Tít đa số là lính khố xanh và khố đỏ.

Sau 2 tháng nhận chức, Varnet thực hiện nhiều thay đổi nhưng bất lực trước các cuộc khởi nghĩa ngày càng mạnh ở miền bắc và miền trung.

Ngày 24/4/1886, tướng Varnet bị triệu hồi về nước, Pháp cho trung tướng Zamont sang thay hy vọng sẽ có chuyển biến tốt đẹp.

Zamont đến Đại Nam lập tức cho lập thêm các đồn bốt mới rồi tăng cường thêm quân đóng giữ các đồn bốt, đồng thời cho quân tuần tiễu khắp vùng.

Dưới áp lực của Tòa khâm sứ Pháp, vua Đồng Khánh mộ lính người Việt ở miền bắc được 27.539 người dùng để phục vụ cho quân Pháp.

Mua được vũ khí tốt

Năm 1886, thủ lĩnh Đốc Tít sau khi phải dời đến Chí Linh, Đông Triều lại trở về căn cứ cũ ở Trại Sơn và Hai Sông, bố trí lại căn cứ.

Nghĩa quân ở Trại Sơn được trang bị vũ khí tốt do thương gia người Thụy Điển ở Hải Phòng bí mật bán vũ khí cho. Chị gái thủ lĩnh Đốc Tít là Nguyễn Thị Thành làm “Quản đốc vũ khí” liên hệ mua súng từ Quảng Đông, Quảng Tây.

Nghĩa quân Trại Sơn còn một nguồn vũ khí nữa là từ hai hàng binh người Pháp Clausede và Martin, hai người này am hiểu về súng nên giúp nghĩa quân sửa chữa và chế tạo súng mới ngay tại căn cứ.

Tài liệu đánh máy của Pháp ở Hải Dương cũng ghi chép lại rằng:

“Vũ khí của Đốc Tít có nhiều súng bắn nhanh do Pháp và các nước Châu Âu sản xuất có tới 150 khẩu, có cả súng “thập tam”, “thập bát”. Đến cuối năm 1884, đầu năm 1885 thì 600 quân của Đốc Tít được trang bị tới 500 súng bắn nhanh còn lại là súng kíp, hỏa mai”.

Có được vũ khí tốt, nghĩa quân bắn cháy hai tàu chiến đến yểm trợ cho quân Pháp tấn công căn cứ, cùng nhiều trận đánh trên bộ khiến quân Pháp thiệt hại nặng.

Trận đánh lớn nhất là trận nghĩa quân Trại Sơn tấn công tiêu diệt cả đại đội Âu – Phi ở cầu Ba vào ban đêm, trận đánh này vẫn được dân địa phương lưu truyền đến nay.

Nghĩa quân Bãi Sậy phải chịu áp lực lớn

Thất bại khiến dấn chúng Pháp nổi giận, quân Pháp quyết định tấn công mạnh để trấn an dân chúng

Trong năm 1886, nghĩa quân Bãi Sậy hoạt động rất mạnh khiến quân Pháp bị thiệt hại nặng. Quân Pháp phải thay đổi từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang chiến dịch “vết dầu loang”, nhiều lần thay đổi chỉ huy.

Sang năm 1887, quân Pháp và Triều đình Đồng Khánh nhiều lần đánh căn cứ Bãi Sậy, nghĩa quân cũng liên tục thay đổi cách đánh để gây bất ngờ và vẫn giữ vững căn cứ. Tuy nhiên các hoạt động tấn công quân Pháp khó khăn hơn, một số tướng lĩnh nghĩa quân bị tử trận.

Quân Pháp chiếm giữ tỉnh lỵ, nhưng khu vực nông thôn đều do các cuộc khởi nghĩa kiểm soát. Các nghĩa quân nhận được sự giúp đỡ to lớn từ dân chúng.

Quân Pháp quay sang tập trung tấn công nghĩa quân ở Trại Sơn. Do quân nhu đạn dược cạn dần, Đốc Tít phải cho quân rút đến Đông Triều và Lục Nam.

Sang năm 1888, nghĩa quân Bãi Sậy vẫn hoạt động mạnh, những cuộc tấn công của nghĩa quân khiến nhiều sĩ quan Pháp tử trận. Tin tức thiệt hại của Pháp ở Đại Nam chiếm các trang nhất trên báo chí ở Pháp, dân chúng ở Pháp bàn cãi sôi nổi vấn đề Trung và Bắc kỳ. Đế trấn an dư luận Pháp, Bộ Tư lệnh viễn chinh Pháp ở Trung và Bắc Kỳ đã quyết định mở một số trận đánh lớn vào các căn cứ của nghĩa quân ở hầu khắp các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Yên.

Thông tin này được những vị quan yêu nước có cảm tình với nghĩa quân trong Triều đình, các nhân viên người Việt làm cho Pháp biết được. Tin tức đến với Nguyễn Thiện Thuật, ông lệnh cho các tướng lĩnh có mặt tại căn cứ vào ngày 10/2/1888 để nhận mệnh lệnh mới.

Trần Hưng

  • Tham khảo cuốn “Khởi nghĩa Bãi Sậy” của Vũ Thanh Sơn, tác giả là người con của vùng đất Bãi Sậy.
  • Tài liệu đánh máy của người Pháp ở Hải Dương

Xem thêm:

Mời xem video: