Dù Triều đình nhà Nguyễn hòa hoãn với Pháp, nhưng dân chúng cùng binh lính đồng lòng nổi lên chống Pháp. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra, một cuộc khởi nghĩa khiến quân Pháp hãi hùng là khởi nghĩa Bãi Sậy.

Nhiều chỉ huy các nghĩa quân hy sinh

Nhận được lệnh về căn cứ của Nguyễn Thiện Thuật, các tướng lĩnh nghĩa quân đang chống Pháp ở ngoài liền trở về, trong số các tướng có Lãnh Giang (tên thật là Nguyễn Thiện Dương) em thứ tư của Nguyễn Thiện Thuật.

Trên đường về căn cứ, Lãnh Giang cùng 15 nghĩa quân gặp phải một toán tuần tra của quân Pháp, hai bên nổ súng dữ dội, hai toán quân Pháp khác các đang tuần tra gần đấy cũng đến đánh. Lãnh Giang cùng nghĩa quân của mình quả cảm chống lại, cuối cùng ông hy sinh, một số người khác thoát được trở về căn cứ.

Lãnh Giang là một chỉ huy có tài lại có uy tín, ông hy sinh là một mất mát lớn đối với nghĩa quân Bãi Sậy.

Trong cuộc họp các chỉ huy, nghĩa quân quyết định vừa xây dựng lực lượng, vừa tấn công quân Pháp ở các đồn bốt xung quanh, và đánh chặn các toán quân Pháp đang tuần tiễu khắp nơi.

Trong khi đó nghĩa quân Đốc Tít có vũ khí tốt khiến quân Pháp ngày càng thiệt hại nhiều, căn cứ nghĩa quân ở trên sườn núi rất hiểm trở khiến quân Pháp xem Trại Sơn là chốn tử địa. Báo Ponlanhvian ở Pháp trong một bài báo nói rằng: “Đốc Tít ngày càng trở nên nguy hiểm, mấy tháng trước thiếu tướng De Négrier đưa quân đến hỏi tội đã bị y làm lỡ kế hoạch, môt cuộc tiễu phạt mới được tổ chức kết quả cũng chẳng được tốt lành”, “Binh lính Pháp rất hoang mang cứ mỗi lần phải đi đánh Trại Sơn và thực tế binh lính coi Trại Sơn là tử địa”.

Các cuộc tấn công vào các đồn bốt của nghĩa quân Bãi Sậy cũng khiến quân Pháp thiệt hại nặng, phải kiến nghị tăng thêm quân trấn giữ.

Người Pháp cho thành lập 2 đội khinh binh (tức quân được trang bị gọn nhẹ cơ động) phối hợp cùng quân Pháp và quân Triều đình Đồng Khánh liên tục tìm diệt các nghĩa quân ở khắp cả Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh.

Các cuộc tìm diệt này khiến quân Pháp bị thiệt hại, nhưng các nghĩa quân cũng bị tổn thất, nhiều làng mạc bị tàn phá, một số tướng của các cuộc khởi nghĩa bị tử trận, một số phải xin hàng. Nghĩa quân Bãi Sậy bị thiệt hại nhiều.

Lối đánh của quân Pháp khiến nghĩa quân Bãi Sậy không thể tập hợp được số quân đông để đánh những trận lớn, có những trận quân vừa mới di chuyển đến điểm tập kết đã bị quân Pháp vây đánh. Nguyễn Thiện Thật phải chia quân nhỏ hơn nữa tập trung đánh vào quân tuần tiễu của Pháp.

Nguyễn Thiện Thuật đến quê ông ở huyện Mỹ Hào, Hưng Yên, nhiều người hăng hái gia nhập nghĩa quân. Sau vài tháng ông đã hồi phục được lực lượng, số quân mới là 800 người, một nửa trong đó được trang bị súng bắn nhanh.

Có thêm lực lượng, nghĩa quân Bãi Sậy lại hoạt động mạnh lan ra các vùng, quân Pháp tăng cường thêm ở các đồn bốt nhưng không ngăn cản được nghĩa quân.

Khởi nghĩa Bãi Sậy - P5: Hoàng Cao Khải tức giận tàn sát dân chúng
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Vua Hàm nghi bị bắt, nhiều người rời bỏ hàng ngũ

Kể từ năm 1885 khi vua Hàm Nghi cùng phe chủ chiến Triều đình tấn công quân Pháp thất bại, phải chạy khỏi kinh thành, người Pháp dựng vua Đồng Khánh lên. Nhưng nhiều nhân sĩ và dân chúng không công nhận vua Đồng Khánh, mà chỉ công nhận vua Hàm Nghi, vì thế mà chống Pháp trong phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi.

Đúng lúc đó vào tháng 10/1888, vua Hàm Nghi bị tên phản bội Trương Quang Ngọc dẫn quân Pháp đến bắt. Các nghĩa quân hưởng ứng phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi, chống Pháp là vì trung với Vua. Nay vua Hàm Nghi không còn, Triều đình chỉ còn một vua duy nhất là Đồng Khánh khiến nhiều người chán nản không còn động lực chống Pháp. Rất nhiều nghĩa quân hoang mang mất tin tưởng, một số đã rời bỏ hàng ngũ.

Vua Đồng Khánh phong cho Hoàng Cao Khải chức Khâm sai đại thần, kinh lược sứ để đánh phá cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Hoàng Cao Khải nhân danh Triều đình viết thư khuyên Nguyễn Thiện Thuật đầu hàng nhưng bị cự tuyệt.

Suýt bị bắt, Hoàng Cao Khải tức giận tàn sát dân chúng

Ngày 11/11/1888, Nguyễn Thiện Thuật nhận được mật báo cho biết Hoàng Cao Khải cùng Giám binh Louis Ney sẽ đưa quân đến gặt lúa của dân ở làng Liêu Trung, tổng Liêu Xá huyện Mỹ Hào, tỉnh hải Dương nhằm chặn đường lương thực cung cấp cho nghĩa quân.

Nguyễn Thiện Thuật nhanh chóng đưa 800 quân, trong đó 400 quân được trang bị súng bắn nhanh đến mai phục, một số cải trang thành dân gặt lúa ở cánh đồng này. Sáng ngày 12/11, Hoàng Cao Khải cùng Giám binh Louis Ney cùng quân vừa đến cánh đồng thì nghĩa quân nổ súng tấn công.

Quân Pháp bị đánh bất ngờ thì hoảng hốt bỏ chạy, nghĩa quân đuổi sát theo sau. Trận này nghĩa quân diệt được Giám binh Louis Ney cùng nhiều binh lính, nhưng Hoàng Cao Khải may mắn trốn thoát.

Sau trận này Hoàng Cao Khải tức tối, đưa quân 5 tỉnh đến với mệnh lệnh tàn bạo, thực hiện “tam quang” tức “đốt, phá, giết hết”, khắp nơi khung cảnh thật bi thương.

Trước hành động tàn sát dân lành, Nguyễn Thiện Thuật đưa thư gửi đến Toàn quyền Đông Dương và Nha Kinh lược sứ Bắc Kỳ phản đối hành động dã man này. Ông viết: “Không phải cứ đốt nhiều, giết nhiều mà bức được ta hàng đâu, ta sẽ không ngừng chiến đấu, không bao giờ khuất phục, nguyện trung thành mãi mãi với nhà Vua”.

Phủ Toàn quyền Đông Dương thấy dùng bạo lực không thể khuất phục được nghĩa quân, mà chỉ đẩy dân về phía nghĩa quân, vì thế mà lệnh rút quân chiêu an.

Về hành động tàn sát dân làng của Hoàng Cao Khải, Thượng thư bộ Hộ Triều đình nhà Nguyễn là Phạm Văn Thụ sau này hồi tưởng lại rằng:

“… Tướng quân (chỉ Hoàng Cao Khải) liền khởi nộ uy tư súy phủ lấy quân 5 tỉnh về càn, tứ hành thiêu sát, quyết tâm san thành bình địa hạt Mỹ Hào. Đại đội lê dương cùng lính ở Ả Rập kéo về vây càn, dân gian trốn chạy hoặc bị bắn, bị chém, phải ai tai nấy thảm khốc không biết chừng nào… Bắt đầu đốt hết tổng Liêu (tức Liêu Trung, Liêu Thượng…) rồi tổng Bạch (tức Bạch Sảm). Các chị ta cõng mẹ ẩn thoát ngoài đồng. Anh ta và ta nấp trong bụi tre, cũng may mà thoát. Trông ngọn lửa dịu dần về thăm nhà chỉ còn thấy toàn tro với đất. Đình chùa nhà cửa cháy nhăn như chùi. Hỏa mệnh vừa hết tổng Bạch chuyển đến tổng Phong thì đình. Nghe cụ Tán thân thủ viết hai phong thư giao gia phái để một phong vào phủ Toàn quyền, một phong vào nhà Kinh Lược phản đối việc thiêu sát. Đại ý cụ nói: “Không phải cứ đốt nhiều, giết nhiều mà bắt được ta đầu hàng”. Phủ Toàn quyền tức thì thông điện đình yết hỏa pháp, ra lệnh chiêu an. Dân chúng còn ai sống sót đấy tìm về. Đãi thóc cháy để ăn. Túp lề tranh để ở. Ta cùng nội tướng ta làm lấy một căn nhà một gian hai chái. Mai đến khi ta làm tri huyện, tri phủ căn nhà ấy vẫn còn nguyên tính lưu lại làm kỉ niệm phẩm, nhưng sau vì kinh lý chỗ ở cải tạo nhà cửa đại khoa, chật quá phải phá dỡ đi. Thật đáng tiếc.”

(Trích trong “Một thượng thư triều đình Huế nói về nghĩa quân Bãi Sậy” của Học Phi đăng trên tạp chí Phố Hiến số 5/1998 của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hưng Yên)

Trần Hưng

  • Tham khảo cuốn “Khởi nghĩa Bãi Sậy” của Vũ Thanh Sơn, tác giả là người con của vùng đất Bãi Sậy.
  • Tài liệu đánh máy của người Pháp ở Hải Dương

Xem thêm:

Mời xem video: