Dù đã thay đổi cách đánh, lúng túng thành lập các binh đoàn chuyên đàn áp các cuộc khởi nghĩa, nhưng rốt cuộc quân Pháp và Hoàng Cao Khải vẫn gặp thất bại hoàn toàn.

Khởi nghĩa Bãi Sậy - P6: Hoàng Cao Khải lúng túng đổi cách đánh
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Sự trả thù hèn hạ của Hoàng Cao Khải chỉ khiến nghĩa quân các nơi hoạt động mạnh hơn, liên tục tấn công vào quân Pháp ở khắp nơi với sự giúp đỡ của dân chúng, khiến quân Pháp thiệt hại nặng. Trong khi đó quân Pháp đưa quân đánh căn cứ các cuộc khởi nghĩa đều không thu được kết quả.

Tháng 12/1888, quân Pháp đưa cả bộ binh, thủy binh tấn công căn cứ Trại Sơn với trọng pháo yểm trợ. Khi quân Pháp đến cánh đồng bên bờ sông Hòn Ngọc thì trời đã tối, liền căng bạt nghỉ, đợi sáng hôm sau sẽ tấn công nghĩa quân.

Lợi dụng đêm tối, nghĩa quân Trại Sơn bất ngờ tấn công khiến toàn bộ gần 200 quân Pháp bị tiêu diệt. Đây là một trong những trận thắng vang dội nhất của nghĩa quân.

Mỗi khi thua trận, quân Pháp lại trút giận vào dân chúng, một người Pháp là Piglowski mô tải lại rằng:

“Tỉnh Hải Dương trải qua một thời kỳ dài là nơi tụ hội của nhiều thủ lĩnh các toán, để bình định tỉnh này đã phải tiến hành rất nhiều cuộc thảo phạt do những ngài tư lệnh Dugenne, Sevière chỉ huy rồi đến những đạo quân cảnh sát (Colonnes de police) do ngài Hoàng Cao Khải, Tán lý Lê Hoan chỉ huy. Nhiều làng mạc bị san bằng, nhiều người bị hành hình; nhiều vụ ra hàng thành thực; song cũng có rất nhiều vu trá hàng vì có nhiều tên thủ lĩnh ra hàng xong lại trở về khai chiến”

(“Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ” của Piglowski)

Còn quyền Tổng trú sứ Trung – Bắc Kỳ là Parreau đã phải thú nhận rằng:

“Trong năm 1888, tình hình Hải Dương và Bắc Ninh luôn luôn rối loạn vì quân khởi nghĩa hoạt động mạnh ở hai tỉnh này và các đạo quân Pháp thì tỏ ra bất lực”.

(Báo “L’Aviennier du Tonkin” tháng 10/1888)

Pháp lập đội quân Bình Định

Đến tháng 1/1889, Hoàng Cao Khải hiến kế cho quân Pháp không nên tấn công vào căn cứ Bãi Sậy mà cho quân đóng nhiều đồn bốt chung quanh, mua chuộc hào lý để dò la tin tức nghĩa quân.

Trước tình thế quân Pháp hành quân tiến đánh cuộc khởi nghĩa nào cũng gặp thất bại, quân số cứ hao hụt, cuối tháng 2/1889, Toàn quyền Đông Dương Jules Georges Piquet ủy quyền cho Thống sứ Bắc Kỳ Pareau ra Sắc lệnh thành lập đạo quân Bình định (Colonne pacifcatrice) để thay thế cho các binh đoàn Âu – Phi, lính Lê Dương, lính Khố đỏ. Đội quân Bình Định này chuyên dùng để đối phó với nghĩa quân.

Đội quân Bình Định được thành lập do Hoàng Cao Khải làm Tư lệnh trưởng, hai Giám binh là Laura, Blanchard chỉ huy, dưới có 14 sĩ quân người Pháp, 600 lính khố xanh, 800 lính cơ. Hoàng Cao Khải được phép tuyển thêm quân cho đội quân này.

Đội quân Bình Định này được trang bị hiện đại, lại nhận được hỗ trợ bởi binh chủng pháo binh, công binh, các pháo hạm cũng như lính thủy đánh bộ của Pháp đang đóng ở căn cứ thủy quân các nơi.

Hoàng Cao Khải đưa quân Bình Định tấn công các nơi. Thống sứ Bắc kỳ cũng cho dựng thêm nhiều đồn bốt, đưa thêm quân đến kiển soát làng mạc, ngăn chặn việc tiếp tế cho nghĩa quân, đồng thời cho các phủ huyện tự tuyển lính được trang bị vũ khí để tiêu diệt các toán nghĩa quân nhỏ.

Lối đánh mới của quân Pháp khiến Nguyễn Thiện Thuật cùng nghĩa quân lúng túng không thể tập hợp quân để đánh những trận lớn được, vì dễ bị quân Pháp phát hiện tập trung quân tiêu diệt. Do đó nghĩa quân chỉ chia nhỏ phục kích các toán quân Pháp đi tuần tiễu, đồng thời cho người dò la tìm hiểu cách bố trí mới của quân Pháp.

Theo tài liệu của người Pháp thì sau khi tìm hiểu cách bố trận quân Pháp, đến tháng 3 và tháng 4, Nguyễn Thiện Thuật cho quân vượt qua tai mắt của quân Pháp để đánh những trận lớn hơn. Tuy nhiên quân Pháp cơ động ứng cứu nhau khiến cuộc tấn công của nghĩa quân không mang lại kết quả lớn, nhưng một số trận đánh cũng khiến quân Pháp thiệt hại nhiều.

Các cuộc di chuyển của nghĩa quân bị tai mắt của quân Pháp theo dõi chặt chẽ, nhưng dân chúng cũng báo cho nghĩa quân biết các cuộc tuần tiễu của quân Pháp để tránh.

Hoàng Cao Khải, Branchard, Laura đưa đội quân Bình Định săn lùng nghĩa quân các nơi để tiêu diệt khiến các cuộc khởi nghĩa bị thiệt hại nặng.

Sau 3 tháng liên tục huy động cả quân viễn chinh Pháp, đạo quân Bình Định, cảnh sát cơ động, binh lính Triều đình Đồng Khánh ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bác Ninh, Tây Sơn, Thái Nguyên, Ninh Bình, có sự chi viện tích cực của pháo binh, công binh, các hạm tàu tấn công tiêu diệt các cuộc khởi nghĩa, đến tháng 5/1889 quân Pháp vẫn không tiêu diệt được thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa. Duy chỉ có cuộc khởi nghĩa của Ngô Quang Huy bị đánh tan rã. Bị dồn vào đường cùng, Ngô Quang Huy chọn cách tự vẫn chứ không đầu hàng.

Quân Pháp cũng bị thiệt hại nặng về binh lực do lối đánh quả cảm của nghĩa quân. Ngoài ra người Pháp cũng tiêu tốn một lượng lớn tiền bạc cho cuộc vây ráp. Thống sứ Bắc Kỳ Brière phải ra sắc lệnh giải tán đạo quân Bình định vào đầu tháng 6/1889.

Người Pháp cũng không còn tin tưởng vào đội quân Triều đình Đồng Khánh do Hoàng Cao Khải chỉ huy, liền tập trung quân Pháp đến tấn công vào căn cứ nghĩa quân Trại Sơn nhưng không nhận được kết quả gì.

Pháp lập Binh đoàn cảnh sát

Dù không tin tưởng quân Triều đình Đồng Khánh nhưng người Pháp vẫn phải thực hiện “dùng người Việt đánh người Việt”, giao cho Thống sứ Bắc Kỳ Brière thành lập Binh đoàn cảnh sát (Colone de police), để Hoàng Cao Khải làm Tư lệnh binh đoàn chỉ huy đối phó với các cuộc khởi nghĩa. Bình đoàn này được thành lập với 1.000 lính Việt cùng các cai đội Pháp với 500 lính cơ. Hoàng Cao Khải chỉ huy binh đoàn này, nhưng các kế hoạch phải báo cáo trực tiếp cho Thống sứ Bắc kỳ xem xét.

Hoàng Cao Khải được Triều đình giao làm Khâm sai Bắc kỳ, lại được người Pháp cho làm Tư lệnh binh đoàn thì tìm cách thể hiện khả năng với người Pháp, tự xưng là Phó Vương đưa quân đánh phá các nơi, khủng bố dân chúng.

Hoàng Cao Khải lên kế hoạch diệt các nghĩa quân như sau:

  • Vì căn cứ Bãi Sậy rất khó đánh nên sẽ không tấn công căn cứ, mà tăng cường quân bao vây phía ngoài, ngăn chặn nghĩa quân mở rộng địa bàn hoạt động.
  • Tập trung quân Pháp và quân Triều đình với lực lượng mạnh có pháo binh, công binh, hạm tàu tiêu diệt căn cứ Hai Sông của Đốc Tít, căn cứ Đông Triều, Lục Nam của Lưu Kỳ.
  • Ngăn chặn nghĩa quân Bãi Sậy đi ứng cứu nghĩa quân của Đốc Tít và Lưu Kỳ.

Kế hoạch này của Hoàng Hoàng Cao Khải được Thống sứ Bắc kỳ phê chuẩn cho phép thực hiện.

Khải cho tăng thêm quân ở các đồn bốt bao quanh khu Bãi Sậy nhằm cô lập nghĩa quân, cho quân cơ động đóng ở các vị trí ngăn nghĩa quân Bãi Sậy ứng cứu quân của Đốc Tít và Lưu Kỳ, đồng thời cho quân do thám tìm hiểu kỹ lượng nghĩa quân rồi mới cho quân tấn công vào căn cứ Hai Sông, Đông Triều, Lục Nam.

Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng và cẩn thận, lại nhận được sự hỗ trợ của đại bác, pháo hạm, công binh, nhưng cuộc tấn công của Hoàng Cao Khải một lần nữa lại thất bại hoàn toàn.

(Còn nữa)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: