Đường Thi có câu: “Thương nữ bất tri vong quốc hận, Cách giang, do xướng Hậu Đình Hoa”. Xưa nay các học giả Việt vẫn luôn giải thích rằng: Thương là buôn bán; Thương nhân là lái buôn; Thương nữ là con gái đi buôn; cũng có nơi giải thích “Thương nữ” là phường ca kỹ. Vậy thì tại sao kỹ nữ lại có hận “vong quốc”? Những người yêu thơ Đường xưa nay vẫn lấy làm khó hiểu. Thực ra muốn hiểu từ “Thương nữ” này thì phải hiểu nguồn gốc của cách gọi “thương nhân”.

Trí tuệ cổ nhân: Kinh doanh bằng tín nghĩa
(Tranh minh họa: Wikipedia, Public Domain)

Thương nhân là cách gọi ra đời từ cách đây hàng ngàn năm lịch sử. Cách gọi này bắt nguồn từ triều đại nhà Thương và cũng phản ánh tình hình hoạt động kinh doanh buôn bán của thời ấy.

Trong “Sử Ký” ghi rằng, thủy tổ của triều Ân là ông Tiết, tương truyền là bầy tôi của vua Thuấn. Ông Tiết vì có công trợ giúp vua Vũ trị thủy mà được vua Thuấn bổ nhiệm làm Tư đồ và được phong cho đất Thương. Thương tộc về sau trở thành cường quốc. Thành Thang dưới sự trợ giúp của Y Doãn đã tiêu diệt được nhà Hạ, thành lập nên triều đại nhà Thương. Thành Thang được chọn làm thiên tử, trở thành vị vua khai quốc triều Thương.

Vào triều đại nhà Thương, hoạt động kinh doanh buôn bán vô cùng phát triển. Đặc biệt, có rất nhiều ngành nghề đã hoạt động theo một quy trình khép kín rất hoàn chỉnh. Ví như trong ngành cung cấp sản phẩm thịt, quy trình bao gồm từ chăn nuôi, mua bán, giết mổ, gia công và tiêu thụ. Triều Thương lấy Bối làm đồng tiền giao dịch, lưu thông trên thị trường.

Cũng vào triều đại này, do sự phát triển của nông nghiệp và thủ công nghiệp, sự mở rộng phân công xã hội, đã xuất hiện nhân viên chuyên lấy việc trao đổi buôn bán để mưu sinh. Đời Thương xuất hiện nhiều người dắt xe bò và đi thuyền, buôn bán theo đường dài. Đến cuối triều nhà Thương, ở các nơi thành thị xuất hiện nhiều người buôn bán nhỏ chuyên mua bán đủ loại sản phẩm, ngành nghề. Như Khương Tử Nha từng lấy nghề mổ bò để mưu sinh, ông còn bán cơm tại Mạnh Tân.

Các vị Quân vương đời Thương để động viên khích lệ kinh thương, còn tu bổ đường xá cầu cống để làm thuận tiện cho dân chúng trong việc lưu thông hàng hoá. Bởi vì người dân triều đại nhà Thương giỏi về kinh doanh buôn bán nên người đời sau có thói quen gọi những người kinh doanh là Thương nhân (người dân triều Thương).

Sau khi Chu Vũ Vương diệt Trụ, triều Thương diệt vong, một số di dân triều Thương không có nguồn sống, bèn lấy việc kinh doanh mua bán để mưu sinh. Bộ phận những người này đi khắp hang cùng ngõ hẻm rao hàng. Người ta nghe tiếng rao của họ là biết “Thương nhân” đến. Người Thương di dân lúc này là chủ thể của việc buôn bán trong xã hội.

Đến thời Chu Thành Vương, triều đại thứ hai nhà Chu, “Thương nhân” không còn là từ chỉ để nói về người triều Thương nữa. Theo ghi chép trong sách “Thượng Thư”, đầu thời Tây Chu, Chu Thành Vương còn nhỏ, hai người chú là Quản Thúc và Thái Thúc cùng với người con của Trụ Vương là Vũ Canh liên binh tạo phản. Sau khi Chu Công dẹp được loạn, đã xây Lạc Dương thành một cứ điểm quân sự quan trọng, gọi là Thành Chu.

Lúc ấy, những người già người trẻ, dân của triều Thương bị đưa đến Thành Chu sinh sống. Họ bị giám sát bởi người Chu và được gọi là “Ngoan dân” (những người kiên quyết không phục sự thống trị của triều Chu). Họ đã mất đi quyền lợi, lại không có đất đai, đành phải thông qua việc buôn bán vật phẩm để mưu sinh. Việc buôn bán này, những người quý tộc triều Chu sẽ không làm, còn thứ dân phải tham gia trồng trọt nên không thể buôn bán, mà hàng hóa, ngũ cốc… lại là thứ thiết yếu của xã hội. Cho nên, việc buôn bán hàng hóa lúc này vẫn là ngành sản xuất chính của những người di dân triều Thương này.

Về sau, từ trong mậu dịch thương nghiệp, người Chu phát hiện ra lợi nhuận của việc buôn bán nên nhiều người Chu, kể cả những người thuộc dòng dõi quý tộc cũng tham gia vào việc mua bán hàng hoá. Thế là, ý nghĩa “Thương nhân” đã được mở rộng, trở thành danh xưng chỉ một nghề, mãi cho đến ngày nay chúng ta vẫn còn sử dụng.

Tới thời Xuân Thu, Trịnh Hằng Công có quan hệ tốt với người Chu nên đã dẫn một bộ phận người Chu lập nên nước Tân Trịnh. Thương nhân ở nước Trịnh lúc ấy và các triều đại sau này là rất có tiếng và rất được coi trọng. Bởi vì, thương nhân không chỉ làm cho dân giàu nước mạnh mà còn tham gia vào việc cứu nước, chiêu hiền đãi sĩ…

Theo chú giải về “Chu Lễ” của Trịnh Huyền thời Đông Hán thì “thương” có nghĩa là “bán dạo”, “bán hàng rong”, chỉ những người thường hay lui tới các nơi để buôn bán hàng hóa. Còn những người mở cửa hàng ở một địa điểm cố định, thu hút khách đến mua hàng được gọi là “tọa cổ”, cũng được gọi là “tọa thương”. Về sau này, người ta không phân chia ra như vậy nữa mà phàm là người nào làm nghề buôn bán thì đều được gọi chung là “Thương nhân”.

Như vậy thì câu

Thương nữ bất tri vong quốc hận,
Cách giang, do xướng Hậu Đình Hoa.

có hàm ý trách cứ mấy cô gái nước Thương không nhớ nhục mất nước, nỡ mang nhan sắc và giọng ca, hát, vào những bài ẻo lả như bài Hậu Đình Hoa để mua vui cho kẻ cướp nước mình.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: