Từ Hà Nội sôi động đi qua cầu Đuống, rồi rẽ sang trái đi 4 cây số là một làng quê yên bình: làng Hội Phụ thuộc huyện Đông Anh. Ngôi làng xưa kia có tên là làng Cự Trình, thuộc đất Kinh Bắc cũ, có tiếng về truyền thống khoa bảng.

Làng Cự Trình là nơi sinh tụ rất sớm của người Việt cổ. Trước đây Làng thuộc tổng Hội Phụ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Theo phong thủy làng Cự Trình nằm trên mình chim Phượng Hoàng, mà cống “Mỏ Phượng” đến nay vẫn còn minh chứng cho tên gọi về địa hình cũng như quan niệm phong thuỷ xưa. Người làng tự hào xem đất làng mình là “địa linh nhân kiệt”, có truyền thống khoa bảng, nhiều người chăm chỉ đèn sách mong “phượng hoàng cất cánh”.

Làng Cự Trình cùng những dòng họ hiếu học xưa
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Ngôi làng nổi tiếng vể khoa bảng

Huyện Đông Ngàn thuộc phủ Từ Sơn là nơi nổi tiếng khi có số lượng người đỗ đạt bậc nhất. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” có chép lại rằng: “Từ Sơn là phủ đứng đầu trong cả nước. Năm huyện đều có nhiều người đỗ, nhưng huyện Đông Ngàn là nhiều hơn cả”. Còn sách “Bắc Ninh tỉnh chí” ghi rằng: “Nền văn hiến Từ Sơn xưa có huyện Đông Ngàn là hơn cả”.

Tổng Hội Phụ có 12 làng thì riêng làng Hội Phụ tức làng Cự Trình xưa đã chiếm một nửa số người đỗ đạt.

Theo các nguồn sử liệu và gia phả, làng Cự Trình xưa kia có 6 người đỗ đại khoa trong suốt 300 năm, từ năm 1463 thời vua Lê Thánh Tông đến năm 1775 thời vua Lê Hiển Tông.

Người đỗ khai khoa cho làng là Nguyễn Đình Liệu, đỗ Hoàng giáp khoa thi năm 1463, làm quan đến Thượng thư.

Người đỗ tiếp theo là Chử Phong, đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1472, làm quan đến Đề hình Giám sát Ngự sử. Năm 1476 ông được cử đi sứ sang nhà Minh bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Người đỗ thứ 3 là Chử Thiên Khái, đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1502, làm quan đến Đô Ngự sử. Họ Chử trong làng còn có Chử Sư Đồng đỗ Hoàng giáp khoa thi năm 1514, làm quan đến Thượng Thư. Chử Sư Văn đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1544, làm quan đến Tham chính sứ.

Người đỗ thứ 6 là Ngô Thế Trị (sau đổi tên là Ngô Thế Dụng) đỗ đầu tức Đình nguyên khoa thi năm1775, làm quan đến Hàn lâm viện Đãi chế, được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh.

Khi còn làm Tổng đốc Truyên Quang, Ngô Thế Trị góp công đánh lui sự xâm lấn biên giới của quan lại nhà Thanh, tiễu trừ nạn cát cứ của các thổ mục địa phương, giữ yên vùng biên giới phía bắc. Do có công lớn nên ông được ban quốc tính là Lê Hữu Dụng, được làm tư dinh ở giữa làng.

Ngoài 6 người đỗ đại khoa, làng còn có rất nhiều người đỗ trung khoa.

Họ Chử là họ tiêu biểu của làng, trong 6 người đỗ đại khoa thì riêng họ Chử đã có 4 người. Họ Phạm cũng có rất nhiều người đỗ trung khoa, cử nhân có nhiều người đậu, tiêu biểu có thể kể đến là Phạm Tảo, Phạm Hồn, Phạm Duy Tiên.

Câu đối, địa danh

Hiện nay làng Hội Phụ vẫn còn lưu giữ nhiều câu đối, địa danh phản ánh truyền thống khoa bảng của làng, như nhà thờ họ Chữ có đôi câu đối nói về 4 người trong dòng họ đỗ đại khoa, tiếc rằng đã bị mờ mất mấy chữ cuối:

Tứ đại khoa danh, hậu bồi thiên đức
Bách nhiên đường thản…

Nhà thờ họ Phạm cũng tự hào có câu đối hai cha con lần lượt thi đỗ:

Tổ tích đức, tôn tích đức
Phụ đăng khoa, tử đăng khoa

Ở đầu làng có một gò đất mang tên gò Mã Nghè, là nơi xe các quan Nghè buộc ngựa. Trong làng còn có con đường chính mang tên Đường Quan, là con đường đón các quan vinh quy bái tổ về làng.

Khuyến học trong dòng họ ngày nay

Từ năm 1994 dòng họ Chử có phong trào khuyến học noi gương theo các thế hệ cha ông trước đây. Phong trào khuyến học vẫn được duy trì.

Họ Chử lập ban khuyến học của dòng họ, hàng năm có họp mặt gia đình để hiểu tình hình học tập của dòng họ mình. Cứ vào ngày giỗ Tổ họ, gia đình nào có con em hiếu học được ghi vào sổ vàng truyền thống, được dòng họ biểu dương và khích lệ. Vì thế mà họ Chử có rất nhiều người đỗ đạt làm việc ở khắp nơi trên cả nước.

Cùng với họ Chử, họ Phạm cũng có mô hình khuyến học mang lại kết quả tốt, xứng đáng là một trong hai dòng họ khoa bảng của làng.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: