Là vùng đất “sơn kỳ thủy tú”, Đồng Phang có dòng họ Ngô nhiều đời sinh ra những anh tài phụng sự cho Giang Sơn Xã Tắc, trở thành dòng họ “danh gia vọng tộc” của cả nước.

Làng Đồng Phang và duyên phận với nhà Lê
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Làng Đồng Phang

Làng Đồng Phang (nay là xã Định Hòa, huyện Yên Định, Thanh Hóa) là vùng đất có từ xa xưa. Tên làng Đồng Phang có nguồn gốc từ âm Việt cổ là “Kẻ Phấng”, rồi gọi thành “Phang thôn”. Một số nhà nghiên cứu cho rằng âm “Phang” là đọc chệch từ âm “Phấng” mà thành.

Làng “Kẻ Phấng” xuất hiện từ thời rất xa xưa, nhờ phù sa từ sông Cầu mà đất đai màu mỡ, dân chúng đến đây khẩn hoang lập làng, trồng trọt, đánh bắt tôm cá.

Đến thời nhà Trần, Kẻ Phấng là làng quê trù phú, quy hoạch thành xã Đồng Phang thuộc tổng Đông Lý, huyện An Định, phủ Triệu Thiên. Đến thời nhà Lê gọi là Bông thôn thuộc xã Đồng Bông, sau đó đổi tên là Đồng Phang.

Địa thế phong thủy

Vùng đất cổ này xưa kia được xem là nơi có vượng khí “sơn kỳ thủy tú”, phía trước có đỉnh non biền, phía sau có cồn Yên Ngựa, hai bên có cồn Bút, cồn Nghiên.

Hoàng Phúc là người có tài xem phong thủy, được Hoàng Đế nhà Minh giao cho đến Giao Chỉ với nhiệm vụ đặc biệt về phong thủy. Khi đến nơi đây đã có lời rằng: “Duy có mạch đất Đồng Phang giống như bàn tay tiên, nhiều mạch nước chảy hợp lại, tám hướng gió không lay động”.

Sách “Lịch triều chiến chương loại chí” của Phan Huy Chú có chép rằng: “Kết huyệt của vùng đất đế vương, một dòng suối, một quả núi cũng danh tiếng. Vùng đất có sông Ngọc Chùy, núi Đồng Cổ là tai mắt của nước nhà. Sông thì ứng với thiên hà hợp dòng về Đông Hải. Do non sông vun đúc linh khí nên ngoài bậc vương, công, tướng văn, tướng võ tiếp nhau xuất hiện toàn là những người tinh anh”.

Đồng Phang có nhiều họ sinh sống, nhưng “danh gia vọng tộc” thì chỉ có 2 họ là họ Ngô và họ Lê.

Họ Ngô và nhà Lê

Theo gia phả họ Ngô ở Đồng Phang, họ Ngô nơi đây thuộc dòng Ngô Xương Sắc (cháu 4 đời của Ngô Quyền). Họ Ngô ban đầu sống rất cực khổ.

Năm 1350, họ Ngô sinh được Ngô Kinh. Cuộc sống quá cơ cực, cha mẹ lần lượt qua đời, người làng giới thiệu cho Ngô Kinh đến đất Khả Lam làm gia nô cho Hào trưởng Lê Khoáng vốn giàu có lại thương người.

Ngô Kinh tìm đến, ông bà Lê Khoáng hỏi thăm thấy quá cơ cực nên thương tình nhận làm gia nô. Sau một thấy gian thấy Ngô Kinh thông minh, cần cù, lại trung thực, Hào trưởng Lê Khoáng liền gả cô cháu gái cho.

Ngô Kinh có người con trai là Ngô Từ, trạc tuổi với người con trai của Lê Khoáng là Lê Lợi. Từ nhỏ Ngô Từ và Lê Lợi cùng chơi cùng học đến khi trưởng thành, nên dù quan hệ là chủ tớ nhưng tình thì thân thiết như anh em.

Khi quân Minh đánh bại nhà Hồ, thiết lập chế độ cai trị ở Giao Chỉ, dân chúng thống khổ, Lê Lợi có ý muốn khởi binh chống lại nhà Minh, các ý định đều được chia sẻ với Ngô Từ. Những điều này đều có ghi chép trong gia phả họ Ngô ở Đồng Phang.

Khi khởi nghĩa, Lê Lợi giao cho cha con Ngô Kinh, Ngô Từ lo việc sản xuất lương thực và tuyển quân, giữ gìn căn cứ. Hai cha con họ Ngô thực hiện tốt công việc của minh. Sau khi Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, lên ngôi Vua lập ra nhà Lê có nói với các tướng rằng:

“Các khanh theo Trẫm ra trận được cung cấp đầy đủ lương thực, đó là công của cha con Ngô Kinh, Ngô Từ. Trong khi chưa khởi binh, Ngô Kinh là gia nô của Tiên khảo, Ngô Từ là nô thần của Trẫm… Trẫm và các khanh mưu việc thiên hạ, ẩn náu nơi núi rừng trông nhờ vào cha con Ngô Kinh, Ngô Từ giữ gìn căn cứ, cung cấp lương thực, bổ sung lực lượng binh sĩ. Xưa vua Hán Cao Tổ được thiên hạ, quy công cho Tiêu Hà giữ đất Quan Trung, không ngừng cung đốn lương thực là công bậc nhất. Nay cha con Ngô Kinh có công giữ gìn căn cứ, lại có công đánh giặc, xứng đáng được phong Đệ nhất công thần.”

Lê Lợi phong Ngô Kinh tước Hưng quốc Công, Ngô Từ là Chương khánh Công. Riêng Ngô Từ được ban cho họ Vua.

Lê Lợi lên ngôi Vua, nhà Lê qua các đời Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông có nhiều công thần bị giết hại. Chỉ còn một số ít công thần tham gia từ đầu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vẫn được trong dụng trong đó có Ngô Từ.

Con gái của Ngô Từ là Ngô Thị Ngọc Dao trở thành Phi tần của vua Lê Thái Tông, và là mẹ của vua Lê Thánh Tông. Khi hai mẹ con phải lưu lạc trong dân gian do cuộc chiến cung đình, bà có công nuôi dưỡng giáo dục giúp Lê Thánh Tông thành vị Vua tài năng sau này.

Từ đó Đồng Phang cũng thêm nổi tiếng, với xóm làng trù phú, đời sống no đủ. Vua Lê Thánh Tông có ghi lại bài thơ về Đồng Phang quê ngoại, dịch thơ như sau:

Đồng chiêm muôn khoảnh lúa xanh tươi
Dân chúng coi ăn chính ấy trời
Đầu xóm nông phu dăm kẻ đến
Nói năm nay vượt mọi năm rồi

Sau đó từ thời Lê Sơ đến Lê Trung Hưng, hậu duệ họ Ngô ở Đồng Phang đều có những nhân tài giúp nước. Họ Ngô nơi đây là một trong những dòng họ “danh gia vọng tộc” của cả nước.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: