Lương Đắc Bằng trước khi mất đã dặn vợ gửi gắm con trai cho học trò là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Lương Đắc Bằng có tài nhưng không gặp được “Vua sáng”, các kế sách của ông không được thi hành nên không thi thố được tài năng, liệu con trai ông có gặp được thời để phát huy được tài năng của mình hay không?

Bảng Nhãn Lương Đắc Bằng

Lương Đắc Bằng là thần đồng có sức học nổi tiếng. Khoa thi năm 1499 thời vua Lê Hiến Tông, ông đỗ thứ hai tức Bảng nhãn, đây là khoa thi kỳ lạ vào kéo dài nhất trong lịch sử vì cả Lương Đắc Bằng và Đỗ Lý Khiêm đều có tài ngang nhau, cuối cùng Đỗ Lý Khiêm đỗ Trạng nguyên, còn Lương Đắc Bằng đỗ Bảng nhãn.

Lương Đắc Bằng làm quan “tôi hiền” không gặp được “Vua sáng”. Thấy nhà Lê ngày càng suy yếu ông liền dâng kế sách gồm 14 điều để trị quốc gọi là “Trị bình thập tứ sách”. Nhà Vua khen hay nhưng lại không thực hiện bất kỳ điều nào. Biết nhà Lê suy sụp không thể cứu vãn, Lương Đắc bằng cáo quan về quê dạy học.

Trong số các học trò, ông yêu quý nhất là Nguyễn Bỉnh Khiêm, đây là trò tâm đắc nhất của ông. Lương Đắc Bằng dạy cả chữ nghĩa và truyền lại cho học trò sách “Thái ất” về thuật số.

Theo gia phả họ Lương tại Hội Triều, lúc sắp mất Lương Đắc Bằng dặn vợ rằng: “Sau này nàng sinh con trai, hãy đặt tên con là Hữu Khánh, nghĩa là có niềm vui mừng của ta vậy, nàng nên gửi con theo học Trình tiên sinh bên Vĩnh Lại, người này chính là học trò ta đó, có như vậy mới nối được chí ta”.

Lương Đắc Bằng mất, học trò các nơi truyền tin cho nhau và đến viếng thầy ở làng Hội Triều rất đông. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dựng nhà ở lại chịu tang thầy suốt 3 năm xong mới rời đi, thể hiện tấm lòng và nghĩa cử đối với người thầy rất sâu sắc.

Thuở nhỏ thông minh hơn người

Người vợ sinh con trai đặt tên là Lương Hữu Khánh. Gia đình rất nghèo vì Lương Đắc Bằng làm quan lớn nhưng rất thanh liêm, khi mất không để lại gì nhiều. Dù thế cậu bé Lương Hữu Khánh lại thông minh hơn người.

Người mẹ theo lời dặn đã đưa Lương Hữu Khánh đến tìm Nguyễn Bỉnh Khiêm để học. Cậu bé đã thông minh xuất chúng lại chăm chỉ học hành, còn có điểm đặc biệt là ăn khỏe bằng mấy người.

Sách “Nam Hải dị nhân” mô tả lại rằng: “…nghèo quá phải đi cày mướn gặt thuê, hoặc tìm đến trường làm văn bản mướn kiếm tiền độ nhật”.

Lương Hữu Khánh: Học trò của Trạng Trình (P1)
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Nhờ sự dìu dắt của Nguyễn Bỉnh Khiêm mà Lương Hữu Khánh học ngày càng tấn tới, “Nam Hải dị nhân” có nhắc đến giai thoại:

Năm 12 tuổi Lương Hữu Khánh đi thi Hương, khi qua chuyến đò sông Tam Kỳ thì rất đói, gặp mấy nhà sư vừa đi ăn đám chay, trong tráp đầy oản xôi quả. Vì quá đói nên Lương Hữu Khánh cứ nhìn vào đồ ăn.

Các sư biết cậu bé đang đói liền cho ít oản, nhưng cậu bé không nhận vì quá ít ăn vào cũng không no. Các nhà sư ngạc nhiên, biết đây là học trò đi thi liền yêu cầu làm bài thơ “Nho tăng đồng chu” (tức Nho sĩ và tăng nhân cùng thuyền) nếu làm xong trước khi đến bến sẽ tặng cả tráp oản. Nào ngờ Hữu Khánh liền đọc ngay:

Nang trung kinh sử kiệp kim cương
Nhĩ ngã kim đồng phiếm nhất hàng
Hội si cù đàm khanh khoái lạc
Vị long hoàng các ngã xu thương
Duy biên nhĩ thượng cừu Hàn Dũ
Vãng sự ngộ do hận Thủy Hoàng
Nhất ngộ vô đoan này tiễn biệt
Nhĩ thành phúc quả ngã vinh xương.

Bản dịch:

Một hòm kinh sử, túi kim cương
Người tớ cùng sang một chuyến đường
Trong hội cồ đàm người thoả thích,
Trên ngôi đài các tớ nghênh ngang
Chuyện xưa ngươi vẫn căm Hàn Dũ ,
Việc trước ta còn oán Thủy Hoàng
Gặp gỡ một lần rồi tiễn biệt
Kẻ tròn quả phúc, kẻ vinh xương.

Các sư kinh ngạc khen hay rồi đưa tặng cả tráp xôi oản, Hữu Khánh cũng không khách khí ăn ngay rồi tiếp tục đi thi. Lương Hữu Khánh đỗ kỳ thi Hương (tức cử nhân) khi mới chỉ 12 tuổi.

Bỏ thi Đình vì cảm thấy bất công

Khoa thi năm 1538, Lương Hữu Khánh dự kỳ thi Hội. Với sức học hơn người, Hữu Khánh đã có thể đỗ đầu, nhưng khi có kết quả thì chỉ đỗ cao thứ hai, người đỗ đầu là Giáp Hải. Triều đình nhà Mạc thấy Lương Hữu Khánh là người Thanh Hóa, lại là con trai của quan lại nhà Lê nên cố ý không cho đỗ đầu.

Theo sách “Việt Nam những sự kiện lịch sử” thì Lương Hữu Khánh thấy thi cử nhà Mạc không công bằng, dẫu có thi tiếp cũng sẽ xếp sau, vì thế mà bỏ không tham gia kỳ thi cuối cùng là thi Đình.

Triều đình nhà Mạc biết Lương Hữu Khánh là nhân tài nên muốn ông phụng sự cho nhà Mạc bèn mời ông đến Kinh thành. Thời gian này Lương Hữu Khánh hầu như bị giam lỏng ở Thăng Long. Biết nhà Lê có ý trung hưng, đóng quân ở Thanh Hóa, ông liền trốn vào nam theo nhà Lê.

Triều đình nhà Lê mừng rỡ tin dùng Hữu Khánh, ban cho chức Thị Lang, tham gia việc cơ mật của Triều đình.

(Còn nữa)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: