Trong một số bộ phim cổ trang, chúng ta thấy việc ly hôn thời cổ đại xem chừng có vẻ rất đơn giản, chồng vì chuyện gì đó mà giận dữ, từ hôn, đuổi vợ về nhà đẻ, cuộc hôn nhân xem như kết thúc. Trên thực tế, đàn ông thời cổ đại không có toàn quyền quyết định kết thúc cuộc hôn nhân của mình như vậy, chế độ ly hôn thời xưa cũng không đơn giản như thế…

Trong chế độ ly hôn thời cổ đại, phương thức ly hôn điển hình nhất chính là “xuất thê” (bỏ vợ), còn gọi là “hưu thê”. Trong loại ly hôn này thì người phụ nữ không có quyền lên tiếng. Nhưng người đàn ông muốn xuất thê không phải việc đơn giản, dễ dàng mà cần phải thỏa mãn một trong bảy điều kiện được ghi chép trong “Chu lễ”.

Ly hôn thời cổ: Bỏ vợ không phải chuyện dễ dàng
(Tranh minh họa: Đinh Quan Bằng thời Thanh, Public Domain)

Điều kiện ly hôn: “Thất xuất” và “Tam bất xuất”

Theo sách “Chu lễ” ghi chép lại, trong lễ nghi thời xưa, chế độ kết hôn, ly hôn được quy định rất rõ ràng. Trong đó quy định, đàn ông nếu muốn bỏ vợ, phải có bằng chứng xác đáng, chứng minh vợ mình phạm vào “Thất xuất” dưới đây:

1. Không nhu thuận, bất hiếu với cha mẹ chồng

Đây là điều quan trọng nhất trong “Thất xuất”. Theo “Lễ ký. Hôn nghĩa” viết: “Thành phụ lễ, minh phụ thuận, hựu thân chi dĩ trứ đại. Sở dĩ trọng trách quy thuận yên dã”, nghĩa là trong hôn nhân, người phụ nữ làm vợ là nhiệm vụ hàng đầu, chung sống hài hòa với người nhà chồng, thuận theo cha mẹ chồng. Nói cách khác, nếu cha mẹ chồng cho rằng con dâu không đủ hiếu thuận, cho dù người chồng có không đồng ý thì cuộc hôn nhân cũng phải ly tan.

2. Không sinh được con

Trong xã hội tông pháp thời cổ thì việc sinh con nối dõi là một trong những mục đích chủ yếu của hôn nhân. Mặc dù khoa học hiện đại  chỉ ra rằng việc không sinh được con không hoàn toàn là do vấn đề ở người vợ, nhưng vào thời cổ đại việc không sinh được con nối dõi là thất trách của người vợ. Nhưng đối với việc bỏ vợ vì không sinh được con nối dõi, lễ pháp cũng có những hạn chế nhất định. Căn cứ “Đường luật sơ nghị” ghi lại, chỉ khi người vợ ngoài 50 tuổi mà chưa có con thì việc bỏ vợ dưới danh nghĩa vô sinh mới đúng quy định.

3. Thông dâm, ngoại tình với người khác

Trong hôn nhân thời cổ đại, nhiệm vụ quan trọng nhất của người phụ nữ là duy trì sự hòa thuận trong gia đình và sinh ra những đứa con huyết thống thuần chính, vì vậy “gian dâm” là điều tuyệt đối không thể chấp nhận được đối với gia tộc nhà chồng.

4. Đố kỵ, ghen tuông vô lối

Điều này thường xảy ra ở những gia đình giàu có khi người chồng lấy vợ lẽ và cung nữ, người vợ chính không hài lòng với vợ lẽ của chồng. Thời xưa, khi người chồng lấy thêm vợ lẽ thông thường là để sinh con nối dõi, lo việc hương khói cho gia tộc cho nên việc đố kỵ ghen ghét của người vợ được xem là trở ngại cho việc duy trì, tiếp nối gia tộc. Nó bị coi là một việc hệ trọng.

5. Lắm chuyện, lắm điều

Điều này nhắm vào lời nói và việc làm của người phụ nữ trong gia đình chồng. Để giữ trật tự trong gia đình và ngăn ngừa xung đột xảy ra trong gia đình, người phụ nữ nên nói ít và tránh nói chuyện thị phi.

6. Có bệnh hiểm nghèo

Thời cổ đại, bệnh hiểm nghèo thông thường gồm hai loại là bệnh không có cách trị và bệnh truyền nhiễm. Hai loại bệnh này được cho là ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình và khả năng sinh con của người phụ nữ nên nó là một nguyên nhân trong “thất xuất”.

7. Trộm cắp

Trong gia đình thời cổ đại, người phụ nữ có quyền tư hữu tài sản, nhưng đó là tài sản hồi môn. Còn lại nếu người vợ tự ý sử dụng tài sản trong nhà mà không ai biết thì bị coi là trộm cắp, cũng trở thành lý do để người chồng ly hôn.

Những quy định này bắt đầu ban hành vào thời nhà Hán, nhưng việc thực thi còn lỏng lẻo. Mãi đến thời Tống, Nguyên, luật mới được siết chặt, tất cả mọi người đều phải nghiêm chỉnh làm theo. Đây được cho là những quy định để bảo vệ người vợ, đảm bảo rằng người vợ sẽ không bị bỏ rơi vô cớ chỉ vì chồng mình yêu thích người phụ nữ khác. Đã là vợ (thê), sẽ mãi mãi là thê cho đến lúc chết, là gia chủ, đứng trên tất cả những người vợ lẽ (thiếp) khác.

Cho dù người chồng có được một trong bảy điều kiện trên thì cũng vẫn chưa thể ly hôn được, bởi vì còn phải thỏa mãn “Tam bất khứ” được ghi trong luật. Đây được coi là cách bảo vệ quyền lợi của người vợ một cách chu toàn. “Tam bất khứ” gồm 3 điều luật, giúp người vợ có thể không phải rời khỏi nhà chồng, người chồng cũng không thể vô lý ruồng bỏ vợ:

Thứ nhất là người vợ sau khi ly hôn không có chỗ nào dung thân. Nếu gia tộc vợ không còn ai để nương tựa, người chồng không thể ly hôn, ruồng bỏ vợ.

Thứ hai là vợ và chồng đang phải cùng chịu tang cha mẹ 3 năm. Vì lý do giữ đạo hiếu, người chồng không thể bỏ người vợ lúc này.

Thứ ba“giàu sang không bỏ vợ bần hàn”. Người chồng cưới vợ lúc bần hàn, sau khi cưới vợ thì trở nên giàu có, như vậy thì không thể bỏ. Điều này thể hiện một loại tình nghĩa, đạo đức truyền thống coi trọng ân nghĩa, ghi nhận tâm sức, sự giúp đỡ của người vợ trong thành công của người chồng.

Chiểu theo đúng luật, chỉ cần sở hữu một trong ba điều kiện của “Tam bất khứ”, dù người vợ có phạm vào bất kỳ điều nào trong “Thất xuất” thì người chồng cũng không thể bỏ vợ một cách đơn giản được.

Chế độ “Nghĩa tuyệt”: Vợ chồng buộc phải ly hôn

“Nghĩa tuyệt” là chế độ cưỡng chế ly hôn thời cổ đại, phàm là phù hợp với điều kiện mà luật pháp quy định thì vợ chồng phải ly hôn. Mặc dù thời đại khác nhau thì điều kiện “nghĩa tuyệt” có sự thay đổi, nhưng phổ biến được chia làm hai giai đoạn:

Trong “Bạch hổ thông. Giá thú” thời nhà Hán ghi lại: Trong tình huống vi phạm nghiêm trọng luân lý cương thường thì vợ chồng phải ly hôn nghĩa tuyệt. Ví dụ, một trong hai vợ chồng đánh trưởng bối (ông bà cha mẹ…) của người kia hoặc giết người thân thích của người kia; hoặc họ hàng đôi bên có xảy ra việc giết hại họ hàng của bên đối phương; vợ thông dâm với người thân thích của chồng hoặc chồng thông dâm với mẹ vợ; vợ chồng có mưu đồ sát hại nhau…

Đến thời nhà Nguyên, Minh và Thanh, điều kiện để ly hôn “nghĩa tuyệt” được gia tăng, như bố chồng trêu ghẹo hoặc cưỡng dâm con dâu, chồng bắt vợ bán dâm, người chồng bán vợ cho người khác… Những điều này đều là để bảo hộ quyền hạn cho người vợ.

Nhìn chung có thể thấy thời cổ đại hôn nhân không phải chỉ là việc của hai vợ chồng mà là việc của cả hai gia tộc. Chỉ cần hai gia tộc có xảy ra xung đột nghiêm trọng thì vô luận là tình cảm giữa hai vợ chồng có còn hay không thì đều phải ly hôn, đây là trường hợp bất đắc dĩ, ly hôn không phải do vợ chồng.

“Hòa ly” và “Trình tố”: Chế độ ly hôn linh hoạt

Nếu người vợ không phạm vào “thất xuất”, hai nhà cũng không “nghĩa tuyệt” mà tình cảm giữa hai vợ chồng thực sự không hòa thuận nữa, không thể sống tiếp cùng nhau được nữa thì vẫn có biện pháp là “hòa ly”“trình tố”.

“Hòa ly” được hiểu như thỏa thuận ly hôn. Về điều luật của hòa ly, trong “Đường luật sơ nghị. Hộ hôn” viết rằng nếu tình cảm vợ chồng không hòa hợp và vợ chồng đều muốn ly hôn thì có thể hòa ly. Hòa ly khác với xuất thê, nó cần phải được sự đồng ý của người vợ, được pháp luật cho phép và trải qua nhiều thủ tục thì mới được coi là xong. Nói chung, hòa ly là một cách để giải quyết ly hôn mà không làm tổn hại đến mối quan hệ giữa hai gia tộc.

Văn bản hòa ly thường do người chồng viết, thủ tục hòa ly phải có người thân của hai bên chủ trì, lời văn trong hòa ly sẽ hoa mỹ, nêu cả lỗi của vợ và lỗi của chồng. Hơn nữa, cuối văn bản còn nêu nguyện vọng hai bên giải oán giận trách móc cho nhau, tháo gỡ nút thắt và cầu chúc cho người phụ nữ có tương lai sau này tốt đẹp.

“Trình tố” chính là biện pháp duy nhất mà trong đó người vợ chủ động ly hôn. Trình tố được hiểu là tố tụng ly hôn. Chỉ cần đáp ứng các điều kiện tương ứng thì cả vợ và chồng đều có thể chủ động khiếu nại lên chính quyền và làm đơn ly hôn. Người đàn ông có thể làm đơn ly hôn với lý do vợ bỏ trốn, vợ ngoại tình cùng cha, vợ giết con của vợ lẽ, vợ chửi chồng. Còn người vợ có thể làm đơn ly hôn với lý do chồng bỏ trốn đã 3 năm không trở về, chồng bức bách hoặc dung túng thê thiếp trong nhà thông dâm với người khác, người chồng đem người vợ gán nợ… Chỉ cần có trình tố, quan phủ trải qua thẩm tra thì vợ chồng chính thức được xác nhận ly hôn.

Chế độ ly hôn thời cổ đại lấy tông pháp luân lý làm cơ sở, lấy lợi ích gia tộc làm trung tâm. Từ chế độ ly hôn cho thấy, vợ chồng đều có đặc quyền riêng, người chồng có nhiều đặc quyền hơn, nhưng dù nhiều hay ít, đặc quyền này phải nằm dưới luân lý cương thường, đạo đức của xã hội và dòng tộc, không thể tự do phóng túng.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: