Trong dịp Tết Nguyên đán, cha mẹ thường sẽ đưa con đi thăm hỏi và chúc Tết họ hàng, người thân, đồng thời cũng sẽ có người thân hay bạn bè đến nhà chúc Tết. Lúc này, trẻ nhỏ nên được dạy một số lễ nghi chúc Tết.

Một số lễ nghi chúc tết truyền thống cần dạy bảo trẻ nhỏ
(Ảnh minh họa: Vietnam Stock Images, Shutterstock)

Lễ nghi chào hỏi

Cha mẹ cần dạy con khoanh tay lễ phép khi gặp gỡ mọi người. Người xưa thường sử dụng cách cúi đầu chào, cũng giống như văn hóa Nhật Bản hiện đại vậy. Về lời chúc, cha mẹ có thể dạy con nói những lời chúc tốt lành như chúc gia chủ phát tài, chúc gia chủ năm mới vui vẻ, chúc gia chủ năm mới mạnh khỏe, mọi điều tốt đẹp… Tuy nhiên, có những trẻ nhỏ khi gặp người lạ sẽ căng thẳng, thẹn thùng không thể chủ động chào hỏi. Khi ấy cha mẹ không được trách mắng trẻ ở trước mặt mọi người mà nên hướng dẫn giải thích cho trẻ về mối quan hệ để trẻ có thời gian làm quen.

Không mở ngay khi nhận lì xì

Khi người lớn tặng phong bao lì xì, trẻ nên nhận bằng cả hai tay và nói lời cảm ơn với người lớn. Cha mẹ cần dặn con không được giật phong bao màu đỏ mà người lớn tuổi đưa cho. Nếu trẻ còn nhỏ chưa làm được thì cha mẹ có thể nắm tay trẻ và nhận bằng cả hai tay rồi cùng con nói lời cảm ơn.

Cha mẹ nên dặn dò trước với con rằng khi nhận phong bao không được mở ngay trước mặt khách, làm như vậy là mất lịch sự. Cách tốt nhất là sau khi nhận bao lì xì, nói lời cảm ơn thì bỏ vào túi của bố mẹ hoặc bỏ vào túi của chính mình.

Trên bàn ăn phải có thứ tự lớn bé

Đối với trẻ lớn đã tự ngồi ăn một mình được thì khi ngồi xuống bàn và bắt đầu ăn với mọi người, trẻ phải được dạy về trật tự. Trước khi ăn trẻ phải có lời mời người lớn. Cha mẹ cũng cần dạy trẻ con rằng, ai cũng thích đồ ăn ngon cho nên trên bàn có đồ ăn ngon thì phải cùng chia sẻ với mọi người. Trẻ nên ăn hết phần thức ăn trong bát của mình, như thế để trẻ biết quý trọng thức ăn và không lãng phí thức ăn.

Lễ nghi làm khách

Cha mẹ khi đi chúc Tết dạy con đến nhà khách hãy gõ cửa nhẹ nhàng, nếu có chuông cửa thì chỉ nhấn chuông một hai lần là đủ, không gõ cửa quá mạnh hay nhấn chuông liên hồi. Sau khi vào cửa, cha mẹ nên dạy con chào hỏi và hướng dẫn trẻ chủ động sắp xếp giày dép cho ngay ngắn. Đồng thời cha mẹ nên dạy trẻ nói lời cảm ơn sau khi được gia chủ tiếp đãi.

Khi vào nhà người thân, hãy ngồi đúng tư thế và dặn trước với con cái rằng việc làm ồn, vứt rác bừa bãi và lục lọi đồ của người khác là mất lịch sự. Nếu như trẻ muốn chơi đồ chơi hoặc đọc sách thì phải xin phép và được sự cho phép của chủ nhà.

Nếu gia chủ mời ăn cơm thì cha mẹ không để trẻ đùa bỡn, nghịch bát đũa trên bàn ăn, chờ chủ nhân ngồi vào bàn mới được vào. Khi ăn không được đảo lộn thức ăn, lựa chọn miếng mình thích… đó cũng là những quy tắc chung trên bàn ăn.

Lễ nghi tiếp đãi khách

Khi có khách, cha mẹ nên hướng dẫn, khuyến khích trẻ thể hiện lòng hiếu khách, niềm nở và thân thiện, chủ động chào đón khách. Sau khi khách vào nhà, trẻ lớn hơn có thể làm những công việc hiếu khách đơn giản như: mời khách vào nhà, mời khách ngồi, mời nước cho khách bằng cả hai tay… Cha mẹ cần dạy trẻ, khi người lớn đang nói chuyện thì phải giữ yên lặng, việc đi tới đi lui và ngắt lời một cách tùy tiện là không tôn trọng khách.

Khi có khách là trẻ nhỏ, cha mẹ nên dạy con rằng việc hào phóng lấy đồ chơi và chơi cùng các vị khách nhỏ sẽ khiến mọi người đặc biệt vui vẻ.

Khi khách ra về, bố mẹ có thể dẫn con ra tiễn khách một lúc. Sau khi làm quen như vậy, đứa trẻ chắc chắn sẽ trở thành một chủ nhà nhỏ có lễ phép.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Gia Huệ
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: