Nhìn vào thời gian và chương trình học tập thời nay, chắc hẳn có không ít người cho rằng học sinh ngày nay học hành vất vả hơn học sinh thời xưa. Nhưng trên thực tế, học sinh thời cổ đại cũng được yêu cầu nghiêm khắc và phải khổ luyện không kém học sinh ngày nay. Bài này không nói đến chuyện vượt ngàn dặm đường đi thi, chỉ nói riêng về việc học.

Một vài nét về học sinh và việc đi học thời xưa
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Độ tuổi đến trường

Vào thời cổ đại, học sinh được chia thành tiểu học và đại học. Tiểu học giống với tiểu học và trung học cơ sở thời nay, còn đại học giống như trung học phổ thông và đại học thời nay. Thời Tây Chu đã xây dựng chế độ giáo dục trường học tương đối đầy đủ. Trường tiểu học được xây dựng ở gần hoàng cung còn đại học được xây dựng ở vùng ngoại ô. 

Thông thường, khi trẻ lên 8 tuổi là có thể bắt đầu rời khỏi nhà để đi học tiểu học. Nhưng cũng không hạn chế, ví như Tôn Tư Mạc thời Đường 7 tuổi đã đi học, thi nhân Lý Hạ lên 7 tuổi đã sáng tác thơ. Khi trẻ 15 tuổi là có thể bước vào đại học. Tuy nhiên, cho dù là hơn 15 tuổi cũng vẫn có thể đi học tiểu học được. Thời cổ đại, những người 20 tuổi mới học tiểu học cũng là chuyện thường thấy, thậm chí có người 30 tuổi mới bắt đầu đi học tiểu học cũng không phải chuyện hiếm có.

Nội dung học tập

Về nội dung học tập thời xưa, học sinh tiểu học sẽ học chủ yếu là nhận biết chữ, học đọc và học viết. “Tam tự kinh”, “Bách gia tính”, “Thiên tự văn”, “Thiên gia thi” đều là những sách giáo khoa để học sinh nhận diện nét chữ và học đọc thời bấy giờ. Sau khi học sinh biết đọc biết viết đạt đến mức yêu cầu cơ bản rồi thì sẽ học tập sâu hơn các kiến thức về kinh, sử, lịch, tính, cùng với pháp lệnh của các triều đại và lễ nghi về quan, hôn, tang, tế…

Nho gia cổ đại yêu cầu học sinh phải nắm được 6 loại tài năng cơ bản là lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số. Lễ là lễ tiết, cũng giống như giáo dục phẩm đức thời hiện đại. Nhạc là âm nhạc. Xạ là kỹ thuật bắn cung. Ngự là kỹ thuật điều khiển xe ngựa. Thư là thư pháp. Số là kỹ thuật, phương pháp, kỹ xảo và các quy luật vận động âm dương ngũ hành tương sinh tương khắc…

Trong “Lễ ký. Nội tắc” viết cụ thể về việc học của trẻ thời xưa: Lên 6 tuổi được dạy về nhận biết chữ số và phân biệt phương hướng. Lên 7 tuổi dạy đạo nam nữ hữu biệt, ăn và ngồi không được chung chiếu. Lên 8 tuổi phải dạy đạo lý kính nhượng người lớn. 9 tuổi phải dạy dùng can chi ghi nhớ ngày. Lên 10 tuổi, trẻ trai phải rời nhà đến sống ở ký túc xá trường tiểu học để học chữ, học đọc học viết, sớm tối vẩy nước quét nhà, lễ nghi lui tiến. Lên 13 tuổi học nhạc khí, vũ múa, đọc thơ ca. Lên 15 tuổi phải dạy vũ, bắn cung, lái xe ngựa. Lên 20 tuổi được làm lễ đội mũ, thể hiện là đã trưởng thành và phải học ngũ lễ gồm cát, gia, tân, quân, hung.

Lễ nhập học long trọng

Thời nhà Chu, lễ nhập học cùng với lễ thành nhân, hôn lễ, tang lễ là quan trọng như nhau, được coi là bốn lễ lớn (tứ đại lễ) của con người. Lễ nhập học bao gồm chính y quan, hành bái sư, rửa tay tịnh tâm… Chính y quan (y quan chỉnh tề) được coi là điều quan trọng nhất khi bắt đầu đi học. Cổ nhân nói: “Tiên chính y quan, hậu minh sự lí” (sửa y phục trước rồi mới hiểu lý lẽ). Khi nhập học, học sinh đứng xếp thành hàng, người thầy sẽ sửa sang chỉnh lý lại quần áo cho từng học trò một.

Tiếp theo, sau khi đi vào học đường rồi sẽ phải tiến hành lễ bái sư. Trước tiên học trò sẽ phải lễ bái bài vị của tiên sư Khổng Tử, quỳ gối xuống đất và dập đầu 9 lần. Tiếp đến là học trò lễ bái thầy, dập đầu 3 lần.

Sau khi lễ bái sư hoàn thành, các học trò sẽ theo chỉ dẫn của thầy mà cho tay vào chậu để rửa tay. Việc này hy vọng học trò sẽ có thể rửa tay tịnh tâm, tẩy rửa đi những tạp niệm để sau này chuyên tâm học hành, một lòng một dạ theo đuổi việc học. 

Lễ nhập học còn một mục rất là “Chu sa khai trí”. Tức là thầy sẽ cầm một cây bút lông nhúng vào mực đỏ và chấm lên lông mày của học trò. Việc làm này có ý nghĩa cát tường may mắn.

Nghỉ hè thời cổ đại

Học sinh thời xưa cũng có ngày nghỉ, nhưng không chia ra rõ ràng như ngày nay là nghỉ đông nghỉ hè. Ngày nghỉ của học sinh thông thường chia làm ba loại: Loại thứ nhất là “Tuần giả” (nghỉ tuần), mỗi mười ngày sẽ được nghỉ một ngày. Nó có phần hơi giống với chế độ nghỉ hai ngày một tuần của người hiện đại chúng ta ngày nay. Loại thứ hai là “Điền giả”, chính là nghỉ ngày mùa. Lúc này lúa đã chín, các học trò trở về nhà nghỉ để gặt lúa. Loại nghỉ này cũng giống như nghỉ hè của học sinh thời nay, thời gian của điền giả là khoảng một tháng. Loại thứ ba là “Thụ y giả” là lúc mà thời tiết đã bước sang tháng 9 hoàng lịch, trời đã gần sang thu, nhiệt độ ngày càng mát mẻ hơn, học sinh có thể về nhà lấy quần áo mùa đông. “Thụ y giả” tương đương với kỳ nghỉ đông thời nay, thời gian nghỉ cũng khoảng một tháng.

Như vậy xem ra thời gian nghỉ học thời xưa ít hơn thời nay.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: