Trí tuệ là một loại tài phú, nhưng xưa nay, người thường xuyên khoe khoang tài phú của mình thì dễ gặp họa. Có những người thích tâm kế, luôn thể hiện chút thông minh nhỏ, khôn vặt, không quản điều đó là có cần thiết hay không. Điều này không chỉ đối với thành công là vô ích mà còn thường thường dẫn đến những chuyện không mong muốn.

Trí tuệ cổ nhân: Chút "thông minh vặt" có thể mang đến tai họa
(Tranh minh họa: Vision Times tiếng Trung)

Trong “Luận Ngữ. Vệ Linh Công”, Khổng Tử từng cảm thán rằng: “Quần cư chung nhật, ngôn bất cập nghĩa, hảo hành tiểu tuệ, nan hĩ tai” nghĩa là có những người suốt ngày tụ tập lại, nói toàn những lời không ngay chính, thích làm những điều mà bản thân tưởng là thông minh, loại người này rất khó dạy.

Xưa nay người ta đều cho rằng Khổng Tử là một người thầy, một nhà giáo dục lớn. Vậy mà trong mắt ông vẫn có những người “khó dạy”. Kỳ thực những người này khó dạy bởi vì họ không mang tâm “muốn học”, không có ý khiêm tốn, chỉ thích thể hiện bản thân, biểu hiện ra cái thông minh của mình. Kỳ thực rất nhiều người đều có tật xấu này, và nó không chỉ là tật xấu mà có thể còn mang tới tai họa.

Trong cuốn “Bi thuyết”, Liễu Tông Nguyên có kể một câu chuyện như sau.

Người ta nói con nai sợ con báo rừng, con báo lại sợ con hổ, con hổ lại sợ gấu ngựa. Ở nước Sở xưa có một người thợ săn, kỹ năng săn thú rất kém cỏi nhưng lại thích thể hiện mình thông minh. Người thợ săn tước ống trúc làm thành cái tiêu để bắt chước tiếng kêu của các loài dã thú. Anh ta muốn học tiếng kêu của con dê, con hươu, nai… để dụ dỗ những con thú khác đến và bắt chúng.

Có một lần, người thợ săn mang theo cung tên và đồ dùng lên núi. Anh ta dùng tiêu thổi ra tiếng kêu của con nai. Không ngờ làm cho con báo ở gần đó tìm đến. Người thợ săn thoáng chút hoảng sợ, nhưng kịp thổi ngay ra tiếng kêu của con hổ, dọa con báo sợ hãi mà rời đi.

Nhưng tiếng tiêu quá giống tiếng kêu của hổ, khiến cho một con hổ đang đói đi tới. Người thợ săn càng luống cuống hơn, vội vàng thổi ra tiếng gào của con gấu ngựa, dọa khiến con hổ chạy. Anh ta vừa thở gấp, muốn nghỉ ngơi một chút thì từ đâu một con gấu ngựa nhe nanh vuốt nghe thấy tiếng kêu đi tới.

Người thợ săn đến lúc này không thể thổi ra được tiếng của con vật nào. Anh ta sợ tới mức hồn bay phách lạc và cuối cùng đã bị con gấu ngựa bổ nhào tới, xé thành từng mảnh.

Trong cuộc sống, những người giống như người thợ săn kia, những hiện tượng giống như vậy thực sự không ít. Có những người khi làm việc thì không làm đến nơi đến chốn mà dựa vào chút khôn vặt để hãm hại, lừa gạt người khác. Nhưng cuối cùng họ lại nhận được kết quả “hại người hại mình”.

Dương Tu thời Tam Quốc nổi tiếng vì thích thể hiện sự thông minh mà mang đến kết cục bi thảm. Ông nhiều lần kiêu ngạo, nói trúng ý mà Tào Tháo không muốn nói, khiến Tào Tháo không thích. Cuối cùng vì Dương Tu cùng Tào Thực say rượu phạm pháp mà ông bị Tào Tháo xử tử.

Cổ nhân nói “đại trí nhược ngu”, những người trí tuệ thường không hiển lộ tài năng của mình. Điều mà người đại trí tuệ làm chính là trong lòng biết rõ mà không thể hiện ra bên ngoài, chỉ khi cần thiết mới lên tiếng nói quyết định. Còn người thích thể hiện bản thân thông minh thì thường kiêu ngạo, thậm chí tưởng bản thân tài giỏi, khăng khăng cho mình là đúng. Người như vậy vô cùng khó để thành công.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: