Cách đây một thời gian, tôi đã gặp phải ba sự việc bất hiếu “khiến trái tim của các bậc cha mẹ trong thiên hạ buốt đau”.

Gia đình thứ nhất có một cậu con trai đang học cấp 3, thành tích học tập không tốt. Khi ở nhà vào dịp Tết, cậu suốt ngày nghịch điện thoại, mẹ cậu đã nói, khiến cậu rất không vui. Trong lúc tức giận cậu đã tát mẹ một cái rồi bỏ đi. Từ đó cậu không muốn gặp mẹ nữa, điện thoại cũng không nghe.

Gia đình thứ hai có một cô con gái, cha mẹ đều đã nghỉ hưu, nhưng về hưu mà không được nghỉ, hy vọng kiếm được nhiều tiền hơn để giảm bớt áp lực cho cuộc sống sau này của con gái. Cô con gái là con cưng của hai vợ chồng, từ nhỏ đã được cưng chiều, không phải làm bất cứ việc nhà gì. Cô con gái sau khi học xong đại học thì đi làm ở tỉnh ngoài. Trong mắt người thân và bạn bè, đó là một cô gái ngoan. Trong dịp Tết, cô gái từ thành phố nơi làm việc trở về nhà. Mẹ cô đã mắc phải căn bệnh viêm phổi cấp tính và để lại di chứng nặng nề, biểu hiện là suy nhược. Một hôm, bố mẹ hơi quở trách cô vì tội không làm việc nhà, cô gái đã bỏ đi và bay về thành phố nơi cô làm việc, để hai bố mẹ già ăn Tết ở nhà.

Gia đình thứ ba cũng có một cô con gái được mẹ nuôi nấng sau khi bố mẹ ly hôn. Khi cô học cấp 3, mẹ cô đã chịu hết mọi khó khăn vất vả để gửi cô đến một trường nước ngoài, hy vọng rằng con gái có thể nhận được một nền giáo dục tốt hơn. Cô con gái cũng rất cố gắng và đã được nhận vào một trường đại học nổi tiếng. Năm ngoái, cô con gái tìm được bạn đời trong trường và quyết định cưới ngay. Người mẹ không đồng tình với việc con gái lấy chồng sớm, mong muốn con học xong cao học sẽ tính đến chuyện cưới xin. Sau khi biết sự phản đối của mẹ, nhiều người đã khuyên cô gái đừng nghe lời mà hãy tự quyết định chuyện hôn nhân. Cô gái cảm thấy hôn nhân là chuyện của mình, không phải việc liên quan đến bố mẹ. Sau đó không lâu, cô tự đi đăng ký kết hôn, xong việc cũng không nói với mẹ, coi như với người xa lạ.

Đối với ba trường hợp bất hiếu được đề cập ở trên, họ sẽ bị trừng phạt như thế nào vào thời xưa, khi mà lòng hiếu thảo được coi trọng?

Người xưa coi bất hiếu là trọng tội, có thể tử hình
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Hình luật các triều đại

Ở tất cả các triều đại thời xưa, trong kinh điển đều có ghi chép rằng bất hiếu là trọng tội. Có năm hình phạt trong luật hình của nhà Hạ, “không có tội ác nào lớn hơn bất hiếu”. Nói cách khác, ngay từ thời nhà Hạ, tội bất hiếu không chỉ bị trừng phạt mà còn là trọng tội.

Sách Thượng Thư có viết: “Có ba trăm hình phạt, không tội nào nặng hơn tội bất hiếu”.

Trong các triều đại Ân và Thương, bất hiếu cũng là một trọng tội. “Chu thư – Khang cáo” có viết: “Phong à, tội lớn nhất là kẻ bất hiếu và kẻ không thân thiện… Phải sử dụng hình phạt do Văn Vương đặt ra để trừng phạt những người này, và không được tha thứ.”

Ngoài những kẻ phạm tội bất hiếu, những kẻ xúi giục người khác bất hiếu cũng bị nghiêm trị. Sách thẻ tre ở Trương Gia Sơn có quy định: “Dạy người bất hiếu, bị xăm chữ lên mặt và lao động khổ sai.” Đây là hình phạt nhục nhã, chỉ sau hình phạt tử hình.

Trong Đường Luật có tội “Thập ác” gồm: mưu phản, đại nghịch, phản loạn, ác nghịch, vô đạo, đại bất kính, bất hiếu, bất hòa, bất nghĩa, nội loạn. Trong ba điều “ác nghịch”, “bất hiếu”“bất hòa” đều liên quan đến vấn đề đạo hiếu.

Các tội bất hiếu bao gồm: chửi mắng ông bà, cha mẹ; ông bà, cha mẹ còn sống mà có của cải riêng, hoặc đi nơi khác sinh sống; thiếu nuôi dưỡng; khi để tang cha mẹ lại cưới xin, khi có chuyện vui bỏ tang phục; ông bà cha mẹ chết mà không báo tang làm tang lễ; khai man là ông bà, cha mẹ đã chết.

Trong đó còn chép: “Kẻ mắng nhiếc ông bà, cha mẹ thì bị treo cổ; kẻ đánh ông bà cha mẹ thì bị xử trảm; kẻ ngộ sát ông bà cha mẹ thì bị đày ba ngàn dặm; kẻ làm ông bà cha mẹ bị thương thì bị tù ba năm.”

Các triều đại nhà Nguyên, nhà Minh và nhà Thanh đã định nghĩa và xử phạt tội bất hiếu về cơ bản tuân theo luật của nhà Đường.

Một vụ án bất hiếu “kinh động triều đình” nhà Thanh

Vào năm Đồng Trị thứ 5 (năm 1866), Trịnh Hán Trinh là võ sinh ở Hán Xuyên (nay là tỉnh Hồ Bắc), cùng với vợ là Hoàng thị đánh mẹ, và bị hàng xóm kiện lên nha huyện địa phương. Đúng lúc đó Tổng đốc Hồ Quảng đang đi tuần tra xem xét tình hình Hán Xuyên, Tổng đốc lập tức ra lệnh bắt 2 người quy án, tống vào đại lao, và trực tiếp dâng tấu triều đình. Ngay sau đó, Thánh chỉ được gửi đến huyện Hán Xuyên, trừng phạt nghiêm khắc cặp vợ chồng và những người liên quan. Hình phạt quá đáng sợ:

  • Vợ chồng Trịnh Hán Trinh và vợ là Hoàng thị bất hiếu, bị lột da rồi đốt thành tro;
  • Người chú và 3 anh em họ khác của Hán Trinh đều bị xử thắt cổ chết;
  • Tộc trưởng bị xử thắt cổ chết;
  • Hàng xóm láng giềng che giấu không báo quan, mỗi người bị đánh 80 gậy, và đưa đến Ô Long Giang để sung quân;
  • Viên quan dạy võ sinh bị đánh 80 gậy;
  • Quan địa phương 2 cấp phủ và huyện đã không giáo hóa tốt người dân, bị cách chức cho về quê;
  • Mẹ của Hoàng thị bị thích 4 chữ “nuôi con không dạy” lên mặt và đi diễu 7 tỉnh để thị chúng;
  • Cha của Hoàng thị vốn là tú tài thi trượt, bị đánh 80 gậy và lưu đày 3000 dặm;
  • Con trai của Trịnh Hán Trinh mới 9 tháng, để huyện Hán Xuyên nuôi dạy, và đổi tên là Học Thiện;
  • Nhà cửa ruộng vườn của Hán Trinh để hoang vĩnh viễn;
  • Lệnh cho Tổng đốc Hồ Quảng khắc in vụ án này rồi phát hành đến tất cả các tỉnh, nếu có vụ án ngỗ ngược thì hãy tuân theo ý chỉ.

Thánh chỉ này khi đó đã được khắc in và phát hành đến các tỉnh, do đó vụ án này rất nhanh chóng đã gây chấn động toàn cõi nhà Thanh.

Trong vụ án này, người con trai bất hiếu bất kính với mẹ trong thời gian dài, cuối cùng còn cùng với vợ đánh đập mẹ, kết quả khiến cho 6 người bị xử tử, 2 quan chính là Tri phủ và Tri huyện bị cách chức, nhiều người bị tội đánh gậy, lưu đày.

Đối với người hiện đại mà nói, sự việc này quả là việc bé xé ra to, không thể tưởng tượng nổi, tuyệt đối không thể nào hiểu nổi, nhưng trong các triều đại lịch sử từ triều nhà Thanh trở về trước, thì tội bất hiếu là trọng tội, và hình phạt cũng bao gồm tử hình.

Trong các triều đại trước đây, tội bất hiếu bị trừng phạt, ngoài việc không được xá tội, mà còn bất kể là đại thần, tể tướng hay thậm chí là đế vương, đều phải bị trừng phạt.

Đế Thái Giáp triều Thương, sau ba năm cầm quyền, bắt đầu không còn tuân theo luật pháp của tổ tiên (bao gồm cả việc bất hiếu), và bị Tể tướng Y Doãn đày đến Đồng Cung. Sau hơn ba năm đóng cửa suy ngẫm, Đế Thái Giáp đã ăn năn và sửa chữa, thay đổi, mới được trở lại cung điện để cai trị. Đây là sự kiện nổi tiếng “Y Doãn đày Thái Giáp”.

Lòng hiếu thảo thông với Thần linh, là đạo trị quốc dạy người hướng thiện

Trong “Duyệt Vi Thảo đường bút ký” có ghi lại một chuyện như sau:

Vào năm Càn Long thứ 45 (năm 1780), một trận hỏa hoạn xảy ra ở phố Dương Mai Trúc trong kinh thành, hàng trăm ngôi nhà bị biến thành tro, chỉ có một ngôi nhà rách vẫn một mình tồn tại, những ngôi nhà xung quanh đều thành đống đổ nát, đường ranh giới gọn gàng như được vạch ra. Trong căn nhà rách là góa phụ trông nom chăm sóc mẹ chồng ốm liệt giường, nhưng khi hỏa hoạn xảy ra thì nhất quyết không chịu rời đi. Những người hàng xóm đều thán phục.

“Đạo hiếu tối thượng thông với Thần linh, chiếu sáng bốn biển, thông khắp nơi nơi”. Đây là một câu trong “Hiếu kinh – Cảm ứng chương”, người hiện đại thường coi là một loại miêu tả, là một phép tu từ ẩn dụ. Trên thực tế, trong sử sách và kinh điển có rất nhiều Thần tích và kỳ tích về lòng hiếu thảo.

“Lão ngô lão cập nhân chi lão, ấu ngô ấu cập nhân chi ấu”, tức là hiếu thuận với cha mẹ mình rồi mở rộng ra hiếu thuận với cha mẹ mọi người, yêu thương con mình sau đó mở rộng ra yêu thương con mọi người. Như thế mới có thể làm được việc đối xử tốt với tất cả mọi người. “Bách thiện hiếu vi tiên”, trong xã hội người thường, sự thiện lương của con người bắt đầu từ việc hiếu kính cha mẹ. Nếu một người không thể đối xử tốt với cha mẹ mình, thì người đó nhất định sẽ trở nên xấu xa.

Trong văn hóa truyền thống, lòng hiếu thảo là một phần quan trọng trong tư cách đạo đức của một người. Khắp các triều đại, các hoàng đế minh quân đều dùng đạo hiếu trị vì thiên hạ. Thời Nghiêu Đế, Thuấn nổi tiếng nhân từ hiếu thảo, được tiến cử làm người kế vị của Nghiêu Đế. Sau loạn Lã Hậu thời Tây Hán, bá quan ai nấy nói ra quan điểm của mình, cuối cùng chỉ vì Lưu Hằng là người nhân đức hiếu thuận, thiên hạ đều biết đến, nên được tiến cử làm thiên tử, mở ra thời thịnh trị “Văn Cảnh chi trị”.

Vào thời hiện đại, việc tôn kính cha mẹ có thời kỳ đã từng bị coi là thủ cựu. Trong các cuộc vận động cận đại, người ta thậm chí còn được khuyến khích tố cáo cha mẹ, biến cha con thành kẻ thù giai cấp. Trong nhiều trường học ngày nay, việc hiếu kính cha mẹ cũng không được dạy bảo rõ ràng, học sinh càng là không đếm xỉa gì đến thầy cô. Một lớp người thanh niên trẻ tuổi đã đánh mất các quan niệm truyền thống, đánh mất giá trị phổ quát. Phong khí của một thế hệ đã đến mức thật khó vãn hồi.

Dựa theo “Bất hiếu rốt cuộc là việc lớn như thế nào
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Nguyên Thanh

Xem thêm:

Mời xem video: