Người Việt và người Hoa có phong tục cúng Thần Thổ Địa, mỗi khi chuyển đến nhà mới, hay khai trương cửa hàng cửa hiệu thì thường thường đều có lễ cúng này. Ngoài ra người Việt cúng Thần Thổ địa vào ngày mùng một và ngày rằm hàng tháng; người Hoa lại cúng vào ngày mùng 2 và 16 âm lịch hàng tháng (tức sau người Việt một ngày). Lễ cúng của người Hoa lớn nhất là vào ngày 16/12 âm lịch, vì đây là lần cúng cuối cùng trong năm.

Lễ cúng Thần Thổ Địa có nguồn gốc từ xa xưa, Thổ Địa cũng có nhiều tên gọi khác nhau như: Phúc Đức Chính Thần, Thổ Địa Công, Phúc Thần, Bá Công, Hậu Thổ.

Điển lễ lớn nhất có liên quan đến Hậu Thổ chính là lễ tế Đàn Xã Tắc của các vương triều thời xưa. Trong đó Xã là Thổ Thần, Tắc là Cốc Thần.Tuy nhiên lễ tế Hậu Thổ hay Thổ Thần này mang ý nghĩa trọng đại hơn, thuộc về việc tế lễ Thiên Địa. Còn trong dân gian, nghi lễ này lại có nguồn gốc gần gũi hơn với bách tính.

Tương truyền vào thời Chu Thành Vương, vị thiên tử thứ hai của vương triều nhà Chu, người giữ chức Tổng thuế quan là Trương Phúc Đức. Trương Phúc Đức làm việc cần mẫn lại thấu hiểu và sẵn lòng giúp dân, gặp người khó khăn chưa đủ nộp thuế, ông sẵn lòng kéo dài thêm thời gian cho họ. Những ai quá khó khăn không thể nộp thuế thì ông bỏ qua rồi lấy tiền của mình đóng thay cho. Những ai quá nghèo túng hay gặp khó khăn bất hạnh, ông đều giúp đỡ họ vượt qua.

Trong cuộc đời làm quan, Trương Phúc Đức yêu dân như con. Ông cũng rất ít bệnh tật và sống thọ đến đời Chu Mục Vương. Ba ngày sau khi mất, dung mạo của ông vẫn không đổi, giống hệt như người còn sống. Những người yêu mến, kính trọng ông đều cảm thấy rất kỳ lạ.

Có người nghèo vì kính ngưỡng mà thờ phụng Trương Phúc Đức. Nhiều người cũng theo đó mà làm và kính ngưỡng gọi ông là “Phúc Đức Chính Thần”. Chu Mục Vương ban cho ông là “Hậu Thổ”.

Từ đó dân gian xem ông là Thần Thổ Địa, lưu truyền tục cúng thể hiện sự kính ngưỡng đối với ông. Tuy nhiên dần dần theo thời gian, ở nhiều nơi việc cúng Thần Thổ Địa không phải vì kính ngưỡng mà chỉ đề cầu mong được phát tài. Ngoài ra, người hiện đại cũng không có lòng tôn trọng Thần linh, đặt nơi thờ Thần ở ngay dưới sàn nhà, trong một góc nhà, khiến cho việc cầu cúng càng trở nên biến tướng, không giống như người xưa, đặt nơi thờ cúng riêng.

Nguồn gốc phong tục cúng Thần Thổ Địa
Lễ cúng thổ địa tại nhà quan lang ở xã Điền Lư, huyện Bá Thước, Thanh Hóa. (Ảnh: Jeanne Cuisinier, Lucienne Delmas, Mission Cuisinier-Delmas, Manhhai, Flickr, CC BY 2.0)

Ở Đài Loan lưu giữ văn hóa về Thần Thổ Địa phong phú nhất, người Đài Loan chọn dịp cúng lớn nhất vào mùng 2 tháng 2 hàng năm, vì cho rằng đây là ngày sinh của Trương Phúc Đức.

Người Đài Loan thường dùng đôi câu đối là:

An nhân tự an trạch
Hữu thổ tắc hữu Thần

Tạm dịch là:

Giữ lòng nhân nhà cửa tự yên ổn
Có đất đai ắt có Thổ Địa Thần

Câu đối mang ý nghĩa cần giữ được tấm lòng nhân đức thì mới nhận được sự bảo hộ của Thần Thổ Địa.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video “Vì sao hành thiện nhưng không được phúc báo?”: