Làng Viên Nội vẫn còn lưu truyền câu chuyện về Tể tướng Nguyễn Danh Thế là bậc hiền tài thời Lê Trung Hưng. Gia đình ông có bản tính giúp người từ thuở còn hàn vi, đến nay người dân vẫn còn tập tục tạ ơn ông.

“Tiên tích đức, hậu tầm long”

Vào thế kỷ 16 ở làng Viên Nội, huyện Chương Đức, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam ( nay là xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) có hai vợ chồng nhà nọ rất nghèo khó nhưng lại thương người, ai đến nhờ vả đều được giúp đỡ, vì thế mà có tiếng tốt bụng.

Một buổi chiều nọ, ngoài trời mưa lất phất thì có người đến ăn xin và xin được ngủ qua đêm, hai vợ chồng cho ngủ lại. Hôm đấy hai vợ chồng đi làm thuê mỗi người được trả công một cái bánh giầy, thế nhưng không ai bảo ai, cả hai vợ chồng đều đưa chiếc bánh duy nhất của mình cho người ăn xin.

Cảm động trước tấm lòng nhân hậu, người ăn xin nói mình có biết về địa lý, sẽ tìm cho hai vợ chồng miếng đất đẹp đặt mộ, như thế con cháu sẽ đỡ vất vả.

Ông thầy địa lý nói rồi đi, đến vụ cấy thì quay lại chỉ cho hai vợ chồng miếng đất tốt ở trên khu ruộng, rồi nói đến đêm khuya thì chuyển mộ cha mẹ vào đấy. Ông còn dặn là con cháu hai người sau này phát đạt thì hãy mua lại cả khu ruộng để đặt mộ tốt hơn, như thế sẽ phát được nhiều đời về sau.

Đến năm 1573, hai vợ chồng sinh được người con trai tướng mạo tuấn tú, gọi tên là Thiện với mong muốn con làm nhiều việc thiện, sau này đi học thì đặt tên là Nguyễn Danh Thế. Dù nhà nghèo nhưng cậu bé Thế thông minh lại hay chữ nổi tiếng trong vùng.

Nguyễn Danh Thế: Vị Tể tướng thời Lê Trung Hưng
Lễ khánh thành nhà thờ họ Nguyễn Danh ở làng Viên Nội. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Ngay kỳ thi đầu đã đỗ tiến sĩ

Đến ngày đi thi, Nguyễn Danh Thế chỉ có một bộ quần áo duy nhất đang mặc, khi đi qua khúc sông vắng thì nhảy xuống tắm giặt rồi phơi quần áo đợi khô sẽ đến trường thi. Thế nhưng lúc lên bờ ông không thấy quần áo của mình đang phơi ở đâu, nên cứ thấy người đến gánh nước là lại phải ngâm mình xuống nước.

Có cô con gái cụ đồ đến sông gánh nước thấy vậy thì về nhà nói với bố rằng có một người ngâm mình dưới sông từ sáng sớm mà mãi vẫn chưa lên bờ, lạ quá nên không biết có chuyện gì.

Cụ đồ đến hỏi thì hiểu sự tình, để kiểm chứng có thật chàng trai này đến trường thi hay không, cụ liền ra một vế đối. Nguyễn Danh thế cũng đáp lại rất hay. Cụ đồ thấy thế vui lòng, đoán định chàng trai này có thể đỗ, liền cho chàng trai bộ quần áo và ít đồ ăn mang theo.

Khoa thi năm 1595, Nguyễn Đanh Thế 22 tuổi đi thi, văn bia tiến sĩ khoa thi này có chép lại rằng: “Bấy giờ các sĩ tử về kinh thi Hội đông đến trên 3.000 người, qua bốn trường chọn hạng trúng cách ghi tên tâu lên. Hoàng thượng ra hiên điện đích thân ra đề hỏi về phương pháp trị nước.”

Nguyễn Thế Danh vượt qua cả tứ trường kỳ thi Hội, vào đến thi Đình và đỗ tiến sĩ. Sau khi vinh quy bái tổ trở về, ông không quên đến tạ ơn cha con thầy đồ đã giúp đỡ mình.

Trung thành với Triều đình

Lúc này lực lượng nhà Mạc còn mạnh. Bấy giờ Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng vốn trấn thủ đất Thuận Hóa được gọi ra bắc mừng vua Lê về thành Thăng Long, sau đó thì bị bắt ở lại giúp Vua đánh nhà Mạc ở phía bắc. Nguyễn Hoàng đành nghe theo mà không về nam được.

Năm 1600, Nguyễn Hoàng lập kế để Quận công Phan Ngạn, Bùi Văn Khuê, Ngô Đình Nga hàng nhà Mạc, rồi lấy cớ đó đưa quân đuổi theo 3 người này rồi xuống thuyền trở về nam.

Sự việc Đoan quận công Nguyễn Hoàng về nam khiến Kinh thành chấn động, lòng người ly tán, chúa Trịnh Tùng phải đưa vua Lê Kính Tông chạy đến Thanh Hoa.

Nhà Mạc lợi dụng tình thế đưa quân đánh chiếm được Kinh thành Thăng Long. Nguyễn Danh Thế ở luôn quê nhà không ra giúp nhà Mạc, lấy cớ vì có tang nhà.

Sau khi Trịnh Tùng đưa quân đánh đuổi nhà Mạc, chiếm lại Kinh thành Thăng Long đã khen ông trung thành với Triều đình, phong ông làm Hiến sát Sơn Tây, sau làm Đô cấp sự Hộ khoa, sau lại làm Thái bộc khanh.

Nhờ tài năng mà giữ chức Tể tướng

Năm 1606, Nguyễn Danh Thế được cử làm phó sứ sang nhà Minh. Khi trở về ông được thăng làm Hữu thị lang bộ Lại, đến năm 1616 làm Đô ngự sử.

Năm 1623, chúa Trịnh Tùng mất, con là Trịnh Tráng lên thay, nhưng con thứ là Trịnh Xuân cướp binh quyền. Nguyễn Thế Danh đã giúp Trịnh Tráng đánh bại được Trịnh Xuân. Nhờ chiến công này mà ông được thăng làm Thượng thư bộ Công và phong làm Dực vận tán trị công thần, tước Đoan Dương hầu.

Từ đó Nguyễn Danh Thế cầm quân đánh nhà Mạc ở phía bắc, chúa Nguyễn ở phương nam.

Năm 1629, ông thăng lên chức Đường quận công. Năm 1632, ông làm Tham tụng tức Tể tướng đầu triều, ít lâu sau thì được phong làm Thái bảo. Năm 1640 ngoài chức vụ Tham tụng ông còn kiêm thêm Đông các, coi việc tòa Kinh diên và kiêm Thượng thư bộ Lễ.

Năm 1643, chúa Trịnh đưa quân đánh chúa Nguyễn ở phương nam, đưa cả vua Lê đi nhằm có danh chính ngôn thuận. Thái bảo Nguyễn Danh Thế làm quan đầu triều nên mọi việc Triều chính đều lo hết.

Nguyễn Danh Thế: Vị Tể tướng thời Lê Trung Hưng
Mộ Tiến sĩ Nguyễn Danh Thế. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Câu chuyện trấn yểm phong thủy

Người dân làng Viên Nội có nhiều giai thoại lưu truyền về Nguyễn Danh Thế, từ chuyện cha mẹ ăn ở hiền đức cùng ngôi mộ ở ruộng, cũng như ông nghè ở Tuy Lai ghen ghét với ông.

Ông nghè ở Tuy Lai làm quan trong Triều thường có mâu thuẫn với Nguyễn Danh Thế. Tuy nhiên Nguyễn Danh Thế thể hiện được lòng trung thành và tài năng nên được Chúa tin dùng hơn.

Năm 1606, Nguyễn Danh Thế được cử làm phó sứ sang nhà Minh, ông nghè Tuy Lai vì ghen tức nên mời thầy địa lý về làng Nguyễn Danh Thế xem thế đất nhằm trấn yểm.

Sau khi xem địa thế, vị thấy địa lý nói rằng mảnh đất này có người làm quan văn nhưng phát đường quan võ. Ngôi mộ nằm ở thế rất đẹp đinh long tọa khôn, đầu gối sao Kim, sao Thổ, phía trước minh đường có sao thổ làm án. Ông nghè Tuy Lai nhờ thầy địa lý trấn yểm đường công danh của Nguyễn Danh Thế và cả con cháu sau này. Nguyễn Danh Thế đi sứ về biết chuyện thì tìm cách giải trấn yểm, cho người đào một cái đầm rộng cả mẫu đất gọi là đầm Lai nhưng nằm cách nơi trấn yểm cả chục cây số.

Sau này người ta cho rằng đầm này chỉ giảỉ được họa cho ông, nhưng các đời con cháu sau này không phát được nữa.

Ngày nay đầm Lai vẫn còn nhưng bị thu nhỏ hơn trước, câu chuyện về nguồn gốc của đầm Lai vẫn được người dân truyền lại cho đến tận ngày nay.

Năm 1645 Nguyễn Danh thế mất, thọ 73 tuổi, được Triều đình truy tặng hàm Thái phó.

Suốt 50 năm làm quan, ông có ơn và giúp đỡ dân chúng rất nhiều. Khi ông mất được dân tôn làm Thành Hoàng. Nhiều làng xã trong vùng đến nay vẫn còn tập tục đem lễ vật đến tạ ơn ông.

Nguyễn Danh Thế là vị quan giữ vai trò quan trọng bậc nhất khi nhà Lê chiếm lại Kinh thành Thăng Long. Sử gia Phan Huy Chú có nhận xét rằng: “Ông giữ mình ngay thẳng cứng cỏi, biết cách làm việc chính trị, quen việc binh; làm quan trong kinh ngoài trấn cả thảy 50 năm, là người bề tôi giỏi lúc bấy giờ”.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: