Dòng họ Nguyễn Tam Sơn không chỉ nổi danh về khoa bảng, mà còn xuất sinh bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc, một người con trung liệt, thà chết không thờ hai chủ, được hậu thế kính ngưỡng.

Nguyễn Mẫn Đốc: Bảng nhãn tiết nghĩa, thà chết không thờ hai chủ
(Ảnh minh họa: Anna Levan, Shutterstock)

Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc

Họ Nguyễn Tam Sơn là dòng họ khoa bảng nổi tiếng ở làng Tam Sơn (thuộc huyện Từ Sơn, Bắc Ninh). Sau họ này có người chuyển đến làng Xuân Lũng, huyện Sơn Vi (nay thuộc xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), khiến Xuân Lũng trở thành làng khoa bảng có tiếng trong nước.

Họ Nguyễn Tam Sơn ở làng Xuân Lũng có nhiều người đỗ đại khoa. Năm 1469 thời vua Lê Thánh Tông có Nguyễn Doãn Cung đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Tả thị lang bộ Lại. Là người tài năng, ông được Triều đình cử đi sứ nhà Minh vào năm 1489.

Năm 1492, Nguyễn Doãn Cung có được người con trai là Nguyễn Mẫn Đốc. Sinh ra trong gia đình có truyền thống khoa bảng, Mẫn Đốc sớm giỏi thi thư, lễ nghĩa. Sau đấy ông lại theo học với Trạng nguyên Vũ Duệ nổi tiếng lúc đó.

Khoa thi năm 1518 thời vua Lê Chiêu Tông, Nguyễn Mẫn Đốc đỗ Bảng nhãn vinh quy bái tổ về làng.

Phò tá Vua trong lúc nguy khốn

Nguyễn Mẫn Đốc là người có tài năng, tiếc rằng “tôi hiền” không gặp được “vua sáng”, nhà Lê Sơ đã đến hồi tận nên vô cùng suy yếu, Mạc Đăng Dung mặc sức thao túng Triều đình.

Năm 1522, vua Chiêu Tông phải bỏ trốn khỏi Kinh thành, rồi tập hợp lực lượng trung thành, kêu gọi mọi người chống Mạc Đăng Dung.

Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc và thầy là Trạng nguyên Vũ Duệ hưởng ứng lời kêu gọi của Vua, bỏ lại vinh hoa phú quý tập hợp lực lượng. Vì ban đầu chỉ có 300 nghĩa binh rất yếu, không thể đơn độc chống với quân Mạc, Nguyễn Mẫn Đốc cùng thầy tìm về hội quân với vua Chiêu Tông ở Thanh Hoa.

Mạc Đăng Dung hay tin vua Chiêu Tông đến Thanh Hoa liền cho quân tiến đến truy bắt Vua. Thầy trò Nguyễn Mẫn Đốc cùng tướng quân Lê Duy Hàn phò tá Vua thoát khỏi vòng vây quân Mạc, chạy đến vùng rừng núi huyện Lương Sơn.

Nguyễn Mẫn Đốc thúc quân chặn quân Mạc để vua Chiêu Tông chạy thoát, vì thế mà vua tôi lạc nhau. Vì quân mới tập hợp quá ít và yếu không thể chống được quân Mạc, cả hai thầy trò là Trạng nguyên Vũ Duệ và Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc cùng quay về hướng lăng vua Lê Thái Tổ lạy tạ rồi tự vẫn để không sa vào tay quân Mạc.

Đó là ngày 22 tháng 2 năm 1522, khi đó Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc mới chỉ 30 tuổi. Cái chết của hai thầy trò trở thành tấm gương sáng cho các bậc sĩ phu lúc đó.

Tưởng nhớ

Sau này khi nhà Lê Trung Hưng đánh bại được nhà Mạc, Nguyễn Mẫn Đốc được phong làm Tiết Nghĩa Đại Vương, thụy Nhã Lượng, cho lập “Tiết nghĩa từ” ở quê nhà để thờ cúng.

Có một câu đối tương truyền do Vua ban cho ông được lưu truyền trong dòng họ và làng quê là:

Tảo tuế khôi khoa thiên hạ hữu
Trung thần tiết nghĩa thế gian vô.

Nghĩa là: Đỗ đạt sớm thì thiên hạ có người, ít tuổi mà tiết nghĩa thế gian không có ai.

Ông được phong làm Thượng đẳng phúc thần, được tôn làm Thành Hoàng và lập đền thờ ở làng Xuân Lũng quê ông. Các đời Vua sau này có 10 đạo sắc phong, hiện vẫn được lưu giữ ở đền thờ ông.

Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ đôi câu đối về ông như sau:

Thần trung tử hiếu cương thường tại
Địa hiếu thiên lưu tiết nghĩa trường

Nghĩa là: Bề tôi trung, con cháu hiếu thảo, cương thường còn, tiết nghĩa bền.

Năm 2015, Tiết nghĩa từ – đền thờ Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc được xếp là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hàng năm cứ đến ngày giỗ của ông, 22 tháng 2 âm lịch, con cháu trong dòng họ cùng người dân làng Xuân Lũng lại tổ chức lễ tưởng nhớ, tri ân công lao đóng góp của Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc.

Trần Hưng tổng hợp

Xem thêm:

Mời xem video: